Tình huống thương hiệu
Chaebol kiểu Việt Nam
Được nhiều ưu đãi từ nhà nước như vốn, đất đai và có vị thế độc quyền, các tập đoàn lớn đã thống trị ngành mình tham gia. Nghe như các Chaebol Hàn Quốc, nhưng thực ra chúng ta đang nói về việt nam.Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) độc quyền trên thị trường điện, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ôm trọn dầu khí, Tổng Công ty Xăng dầu (Petrolimex) thống lĩnh xăng dầu…
“Ở Việt Nam, sự phát triển của các tập đoàn và tổng công ty lớn nhà nước có nhiều điểm giống với các Chaebol Hàn Quốc những năm 1960-1980”, Tiến sĩ Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam, nhận xét.
Tập đoàn: Tiêu nhiều hơn làm
Sự tập trung kinh tế của các tập đoàn này là rất lớn. Khối doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 20% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư của nhà nước, 60% tín dụng ngân hàng và 70% vốn vay từ nước ngoài. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban đổi mới Phát triển Doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ, trong giai đoạn 2006-2010, khối doanh nghiệp nhà nước chỉ đóng góp 28% vào tổng sản phẩm nội địa.
Được độc quyền kinh doanh, cùng các chính sách hỗ trợ tích cực của Nhà nước về vốn, đất đai, tài nguyên, các tập đoàn mở rộng quá nhanh. Nhiều đơn vị đã đầu tư tràn lan, thiếu kiểm soát, dẫn tới thua lỗ.
Các tập đoàn kinh tế nhà nước lớn nhất Việt Nam hiện nay đều gánh nợ lớn. “11/21 tập đoàn, tổng công ty hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa trên vốn chiếm dụng, vốn vay, trong đó một số doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và lợi ích của cổ đông thiểu số cao nên dễ gặp phải nguy cơ mất an toàn, mất cân đối tài chính”, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước năm 2011 có đoạn viết. Nếu so sánh với tình trạng vay nợ quá nhiều của các chaebol Hàn Quốc trong thập kỷ 1990, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước Việt Nam cũng đang rơi vào cảnh tương tự.
Tuy vậy, các tập đoàn kinh tế nhà nước và cả khối doanh nghiệp nhà nước đều chưa thể hiện được vai trò là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế như các chaebol Hàn Quốc. Thậm chí, những trường hợp như Vinashin, Vinalines còn góp phần đưa nền kinh tế nước nhà vào bất ổn. Cuối tháng 9, Bộ Công Thương đã đề nghị Thủ tướng giải cứu khẩn cấp cho EVN và TKV.
Bài học từ Chaebol Hàn Quốc
Để vực dậy nền kinh tế dựa vào nông nghiệp, những năm 1960 và 1970, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ để biến một số công ty lớn do gia đình quản lý thành các tập đoàn kinh tế lớn. Các tập đoàn này phát triển công nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu, trở thành động cơ đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc, tiêu biểu là Samsung, Hyundai, Daewoo.
Nhờ những lợi thế sẵn có và các chính sách ưu đãi của chính phủ, các chaebol này đã phát triển rất nhanh, chiếm lĩnh thị trường trong nước, áp đặt sự thống trị lên nền kinh tế, thậm chí có thể kiểm soát được cả khu vực tài chính.
Trong đó, nhóm 30 tập đoàn lớn nhất đã chiếm vị thế áp đảo với phần còn lại, chiếm gần một nửa giá trị tài sản và doanh thu của toàn bộ các Chaebol và đặc biệt là sự tập trung sức mạnh vào nhóm 5 công ty lớn nhất, vốn chiếm gần 30% giá trị tài sản và hơn 32,29% về doanh thu trong nhóm các chaebol này.
Sự phát triển mạnh mẽ của các chaebol đã góp phần không nhỏ đưa nền kinh tế Hàn Quốc cất cánh, trở thành một trong những nước công nghiệp mới của châu Á. Nhờ đó mô hình của các chaebol cũng trở thành hình mẫu cho một số quốc gia khác noi theo.
Nhưng sự thống trị của các Chaebol hùng mạnh đã phải trả giá bằng sự sụp đổ của các công ty vừa và nhỏ khác, chỉ có các doanh nghiệp xây dựng được mối quan hệ với các cheabol này, thông qua việc cung cấp các linh kiện sản xuất với giá thấp, mới có thể tồn tại. Ngoài ra, một phần lớn thu nhập từ đó rơi vào tay một nhóm nhỏ sở hữu các Cheabol này, gây bất bình trong xã hội.
“Chaebol đã gây áp lực lên các đối thủ nhỏ hơn, tích tụ sự giàu có khổng lồ vào tay các gia đình sở hữu chúng trong khi những người dân bình thường thì tụt hậu phía sau”, tờ Wall Street Journal nhận xét.
Những mối quan hệ phức tạp giữa Chaebol với chính phủ đã góp phần đưa đến tình trạng tham nhũng, thậm chí là vi phạm các luật lệ quốc gia, góp phần không nhỏ khiến nền kinh tế Hàn Quốc sụp đổ dưới tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á 1997-1998, Hàn Quốc phải nhờ đến gói cứu trợ trị giá khoảng 58 tỉ USD của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Sau cuộc khủng hoảng đó, Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc tái cấu trúc nền kinh tế triệt để. Tổng thống Kim Dae Jung lúc đó đã đề ra 5 luật lệ mà các tập đoàn phải thực thi: tập trung vào các ngành nghề cốt lõi; cải thiện cấu trúc tài chính; xóa bỏ việc bảo lãnh cho các khoản nợ chéo; nâng cao tính minh bạch quản trị; buộc lãnh đạo phải chịu trách nhiệm.
“60 năm qua, chiến lược phát triển kinh tế của Seoul là khuyến khích các doanh nghiệp lớn, xuất khẩu trở nên lớn hơn và xuất khẩu nhiều hơn. Tuy vậy, các cử tri và các nhà chính trị nhận ra rằng, dù chúng đã mang lại một số lợi ích cho đến hôm nay, nhưng chiến lược này đã gây nguy hại cho nền kinh tế đã phát triển. Chính phủ cần rút lui và để cho thị trường quyết định công ty nào sẽ thịnh vượng”, tờ Wall Street Journal nhận định.
Theo NCĐT