Connect with us

CEO Airbus: 1 tháng tại nhiệm, mang về 16,9 tỷ đô

Tin quốc tế

CEO Airbus: 1 tháng tại nhiệm, mang về 16,9 tỷ đô

Airbus đã ký được nhiều hợp đồng, cam kết, bản ghi nhớ bán máy bay mới, với trị giá khoảng 16,9 tỷ USD tại Triển lãm Hàng không quốc tế Farnborough 2012. Đây là thắng lợi đầu tay của ông Fabrice Brégier.

Triển lãm Hàng không quốc tế Farnborough 2012 (Farnborough Air Show 2012) là sự kiện có tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn nhất trong ngành hàng không quốc tế trong năm nay, vừa được tổ chức từ ngày 9/7 đến hết ngày 15/7 tại Anh.

Tại đây, Hãng sản xuất máy bay Airbus đã ký được nhiều hợp đồng, cam kết, bản ghi nhớ bán máy bay mới, với trị giá khoảng 16,9 tỷ USD. Trong đó có các đơn đặt hàng chính thức bán 54 máy bay trị giá khoảng 11,1 tỷ USD, cùng các bản ghi nhớ bán 61 máy bay trị giá 5,8 tỷ USD.

Đây là thắng lợi đầu tay của ông Fabrice Brégier, tân Giám đốc điều hành (CEO) kiêm Chủ tịch của Airbus vừa mới lên nắm quyền điều hành từ ngày 1/6/2012. Ông Thomas Enders, người tiền nhiệm của Fabrice Brégier, sẽ đảm nhiệm chức vụ cao hơn là CEO của European Aeronautic Defense and Space (EADS), công ty mẹ của Airbus.

Ngày 2/7 vừa qua, ông Fabrice Brégier đã công bố một quyết định mang tầm chiến lược quan trọng với Airbus. Đó là Airbus sẽ đầu tư khoảng 600 triệu USD để xây dựng một nhà máy sản xuất, lắp ráp máy bay dòng A320 tại Mobile, bang Alabama (Mỹ). Đây là nhà máy sản xuất máy bay đầu tiên của Airbus tại Mỹ, vốn là sân nhà của đối thủ Boeing.

Nhà máy tại Alabama sẽ lắp ráp các loại máy bay A319, A320 và A321. Theo kế hoạch, dây chuyền lắp ráp máy bay tại Mobile sẽ đi vào hoạt động vào năm 2015 và sẽ bắt đầu giao những đơn hàng đầu tiên vào năm 2016. Dự kiến, từ năm 2018 trở đi, mỗi năm, Airbus sẽ xuất xưởng khoảng 40 đến 50 chiếc.

Ông Fabrice Brégier phát biểu, đây là thời điểm thích hợp cho Airbus để mở rộng năng lực sản xuất tại Mỹ. Mỹ là thị trường máy bay lớn nhất trên thế giới với nhu cầu dự đoán khoảng 4.600 chiếc trong vòng 20 năm tới. “Dây chuyền sản xuất này sẽ giúp chúng tôi đến gần hơn với khách hàng của mình tại châu Mỹ. Airbus hiện có các nhà máy sản xuất máy bay tại Hamburg (Đức), Toulouse (Pháp) và Thiên Tân (Trung Quốc)”, ông Fabrice Brégier nói.

Hãng hàng không Cathay Pacific (có trụ sở tại Hồng Kông) cũng vừa công bố sẽ đặt hàng mua 10 chiếc A350-1000 bổ sung vào đội bay A350 XWB trong tương lai. Ngoài ra, Cathay Pacific cũng sẽ chuyển 16 chiếc trong số đơn hàng hiện tại đặt mua A350-900 sang loại lớn hơn là A350-1000. Tổng giá trị của 2 khoản đầu tư này là 4,2 tỷ USD.

Ông John Slosar, CEO Cathay Pacific cho biết: “Đây là một bước tiến quan trọng và mang tầm chiến lược đối với Cathay Pacific. Máy bay A350-1000 sẽ mang đến cho chúng tôi lợi thế hàng đầu về tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường”.

Dự kiến sẽ được đưa vào khai thác từ năm 2014, A350 XWB là một trong những dự án máy bay thành công nhất trong ngành hàng không từ trước đến nay, với tổng cộng 548 đơn đặt hàng từ 34 khách hàng trên toàn cầu.

Ngoài các đơn đặt hàng bán máy bay, Airbus còn ký một thỏa thuận hợp tác với GMF AeroAsia, công ty con của Hãng hàng không Garuda Indonesia (Indonesia) để cung cấp các dịch vụ bảo trì và sửa chữa máy bay ở khu vực Đông Nam Á.

Trước đó, vào ngày 26/6, Airbus đã bàn giao chiếc máy bay A380 đầu tiên trong tổng số 6 chiếc trong đơn đặt hàng cho Malaysian Airlines (Malaysia). Ngày 1/7, chiếc A380 này đã thực hiện chuyến bay thương mại trên tuyến Kuala Lumpur (Malaysia) – London.

Như vậy, chỉ trong vòng một tháng rưỡi lên nắm quyền CEO, ông Fabrice Brégier đã đón nhận toàn những điều tốt lành trong công việc của mình.

Nhiều nhà phân tích bình luận, như vậy là ông Fabrice Brégier có bước khởi đầu khá tốt đẹp trên cương vị CEO của Airbus.

Sinh ngày 16/7/1961 tại Dijon (Pháp), ông Fabrice Brégier đã có 2 bằng kỹ sư của 2 trường đại học danh giá bậc nhất Pháp là đại học Bách khoa (Ecole Polytechnique) và Đại học Mỏ (Ecole des Mines). Tốt nghiệp đại học, ông đã làm ở nhiều cơ quan, doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Năm 1983, ông là kỹ sư làm việc tại nhà máy điện hạt nhân tại Creys-Malville. Năm 1984, ông là nhân viên bán hàng của Tập đoàn Pechiney tại Nhật Bản. Năm 1986, ông rời khu vực doanh nghiệp để làm công chức cho các cơ quan của Chính phủ Pháp, lần lượt là Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp, Bộ Ngoại thương và Bộ Bưu chính – Viễn thông. Năm 1993, ông lại chuyển từ cơ quan nhà nước sang doanh nghiệp, với lĩnh vực mới toanh là tên lửa.

Năm 1998, ông là CEO của Matra BAe Dynamics, sau này là MBDA, liên doanh tay ba giữa Aerospatiale Matra (Pháp), British Aerospace (Anh) và Finmeccanica (Italia). Năm 2003, ông được EADS mời về làm CEO kiêm Chủ tịch Eurocopter, công ty con của EADS chuyên sản xuất máy bay trực thăng. Tháng 6/2005, ông được bổ nhiệm vào Ban lãnh đạo EADS và từ tháng 10/2006, ông được điều về làm việc cho Airbus.

Chính vì kinh qua nhiều cương vị ở các cơ quan, doanh nghiệp khác nhau, nên ông thu thập được khá nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác quản lý. Nhiều khả năng, Airbus sẽ là bến đỗ cuối cùng trong sự nghiệp khá lẫy lừng của ông. Khởi đầu suôn sẻ hứa hẹn những năm tháng làm việc sắp tới ở Airbus của ông sẽ suôn sẻ và thành công.

Theo vneconomy

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 × five =

To Top