Connect with us

Bí quyết vượt khó của Hitachi

Tình huống thương hiệu

Bí quyết vượt khó của Hitachi

Cũng là một hãng điện tử Nhật, nhưng Hitachi đang chỉ cho các đối thủ đồng hương Sony và Panasonic thấy rằng, họ hoàn toàn có thể sống ổn nếu chấm dứt “duyên nợ” với sản xuất TV.

Hãng tin Bloomberg cho biết, tháng 8 vừa qua, Hitachi đã ngừng hoạt động sản xuất TV như một phần trong chiến dịch cải tổ sau khi gánh mức thua lỗ kỷ lục 3 năm trước. Chủ tịch Hitachi – ông Hiroaki Nakanishi, 42 tuổi, một người đã làm việc lâu năm trong công ty này – đồng thời còn cho đóng cửa các bộ phận sản xuất màn hình tinh thể lỏng và ổ cứng nhằm tiến tới tiết kiệm chi phí mỗi năm 450 tỷ Yên, tương đương 5,7 tỷ USD.

Thuê ngoài sản xuất TV giúp Hitachi thoát khỏi sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ Hàn Quốc cũng như tình trạng lao dốc của giá TV đang khiến Panasonic, Sony và Sharp đối mặt với những khoản thua lỗ ngày càng phình to. Thay vào đó, tập đoàn 102 năm tuổi này đang hưởng lợi từ nhu cầu trạm điện ở Ấn Độ, tàu cao tốc ở châu Âu, và linh kiện ôtô tại thị trường Trung Quốc.

“Quyết định của Hitachi được đưa ra thật đúng lúc. Nhật Bản đã mất đi lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực hàng điện tử tiêu dùng”, nhà quản lý quỹ Masayuki Kubota thuộc Daiwa SB Investments Ltd. nhận xét.

Giá cổ phiếu của Sharp, Sony và Panasonic đã đồng loạt giảm hơn 73% tại thị trường Tokyo trong thời gian từ tháng 4/2010 đến nay, thời điểm mà ông Nakanishi nhậm chức Chủ tịch Hitachi. Cùng khoảng thời gian đó, giá cổ phiếu Hitachi tăng 17%, đưa giá trị vốn hóa của công ty này tăng lên mức 24 tỷ USD, gần bằng giá trị vốn hóa của cả ba “đại gia” kia cộng lại.

Loạt sản phẩm công nghiệp của Hitachi như thiết bị xây dựng, phần mềm và thang máy đã giúp hãng này thoát khỏi lĩnh vực TV dễ dàng hơn các đối thủ đồng hương. Trong quý 3 vừa qua, bộ phận sản phẩm tiêu dùng đóng góp 8,3% doanh thu của Hitachi, giảm từ mức 12% cách đây 4 năm. Trong khi đó, hàng điện tử tiêu dùng đóng góp hơn 2/3 doanh thu của Sony, Sharp và Panasonic, khiến các hãng này không có nhiều lựa chọn để cải thiện doanh thu.

“Khó khăn đặc biệt lớn đối với Panasonic và Sharp nếu họ muốn ngừng sản xuất TV”, ông Ichiro Michikoshi, một nhà phân tích của công ty BCN Inc, nhận xét.

Tuy nhiên, giáo sư Atsushi Osanai thuộc Đại học Waseda cho rằng, Hitachi có thể được xem như một ví dụ cho các công ty khác ở Nhật Bản trong việc đánh giá cần phải làm gì đối với các mảng kinh doanh gây thua lỗ.

“Nhiều công ty Nhật có xu hướng duy trì hoạt động kinh doanh cho dù không đạt được lợi nhuận. Họ có thể học được nhiều điều từ Hitachi”, ông Osanai nói.

Hiện Hitachi đang đầu tư vào những lĩnh vực mới mẻ như công nghệ điện toán đám mây và thành phố thông minh. Ngoài ra, hãng này cũng đặt mục tiêu cắt giảm chi phí 5% thông qua tăng cường hợp tác giữa khoảng 900 bộ phận của hãng trong các vấn đề mua hàng, sản xuất và chức năng hành chính.

Hitachi còn nhấn mạnh tăng hoạt động ở các thị trường mới nổi nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Nhật Bản nơi dân số đang lão hóa nhanh chóng. Tháng tới, Hitachi sẽ tổ chức cuộc họp hội đồng quản trị lần đầu tiên ngoài Nhật Bản, tại Ấn Độ. Hiện thị trường Nhật đang đóng góp khoảng 60% doanh thu của Hitachi.

Quá trình dịch chuyển khỏi hàng điện tử tiêu dùng của Hitachi bắt đầu vào năm 2007, thời điểm mà hãng này ngừng sản xuất máy tính cá nhân. Sau đó, hãng tiếp tục “khai tử” hai bộ phận sản xuất màn hình LCD, rồi “giải tán” cổ phần nắm giữ trong hãng sản xuất con chip Elpida Memory, tiếp theo là đóng cửa bộ phận ổ đĩa cứng.

Vụ bán lại bộ phẩn sản xuất ổ đĩa cứng đem lại cho Hitachi số tiền 4,8 tỷ USD. Số tiền này đạt khoản lợi nhuận ròng kỷ lục 347 tỷ Yên trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3 năm nay. 3 năm trước đó, Hitachi lỗ kỷ lục 787 tỷ Yên, một phần vì tăng thuế.

“Khoản thua lỗ kỷ lục là một động lực lớn để chúng tôi thay đổi. Không ai hỏi vì sao chúng tôi bán lại bộ phận sản xuất ổ đĩa cứng sau đó”, phát ngôn viên của Hitachi, ông Atsushi Konno, cho biết.

Ở mảng sản xuất TV, sau khi đóng cửa hết các nhà máy ở nước ngoài, tháng 8 vừa qua, Hitachi đóng cửa nốt nhà máy tại Nhật. Mặc dù Hitachi vẫn bán TV mang thương hiệu Hitachi, nhưng theo phát ngôn viên Konno, “chúng tôi không phải tự mình sản xuất”.

Thậm chí, theo nhà phân tích Takeo Miyamoto thuộc ngân hàng Deutsche Bank ở Tokyo, Hitachi cũng nên xem xét kết thúc “khai tử” hẳn bộ phận TV, cho dù đã thuê ngoài sản xuất để giảm thiểu rủi ro, bởi đây vẫn là một lĩnh vực có nguy cơ gây mất tiền.

Các nhà sản xuất TV Nhật Bản đều đang đương đầu với nhu cầu suy giảm và mức độ cạnh tranh khốc liệt từ các công ty Hàn Quốc Samsung và LG. Doanh số thị trường TV toàn cầu đã giảm hơn 4% trong năm nay và được dự báo sẽ ít có khả năng khởi sắc trong năm 2013. Theo số liệu của hãng nghiên cứu DisplaySearch, doanh số TV của Nhật Bản đã giảm 77% trong quý 2 năm nay.

Tình trạng trên đã khiến nhà sản xuất TV lớn nhất của Nhật Bản là Sony dự báo năm thứ 9 thua lỗ ở mảng này. Nhà sản xuất TV lớn thứ nhì của nước này là Panasonic dự báo lỗ ròng 765 tỷ Yên trong năm tài khóa hiện tại.

Panasonic đã lần đầu tiên không trả cổ tức cho cổ đông từ năm 1950 vì nhu cầu cấp thiết phải cải thiện tình hình tài chính. Sharp thì tăng dự báo thua lỗ cho cả năm, đồng thời lên kế hoạch đóng cửa nhà máy và sa thải nhân viên.

Trong khi đó, Hitachi dự báo sẽ tăng lợi nhuận hoạt động thêm 16% lên mức 480 tỷ Yên trong năm tài khóa hiện tại. Lợi nhuận ròng của hãng có thể giảm 42% xuống còn 200 tỷ Yên, sau khi tăng vọt trong năm tài khóa trước nhờ bán lại bộ phận sản xuất ổ cứng. Doanh thu được hãng dự báo sẽ đạt 9 nghìn tỷ Yên.

Hitachi đã tìm lại được lợi nhuận, nhưng tỷ suất lợi nhuận hoạt động của hãng cũng chỉ ở mức 4,5% trong quý 3 vừa qua, so với mức 9,6% của tập đoàn công nghiệp Mỹ General Electric (GE) và mức 8,6% của đối thủ Thụy Điển Siemens AG. Đây là hai công ty mà Hitachi cho biết là họ muốn đuổi kịp.

Tỷ suất lợi nhuận còn thấp của Hitachi một phần xuất phát từ những khó khăn từ kiểm soát chi phí trong các bộ phận, phần khác do đồng Yên mạnh.

Nhà quản lý quỹ Mitsushige Akino thuộc Ichiyoshi Investment Management Co. ở Tokyo cho rằng, Hitachi có thể tăng tỷ suất lợi nhuận bằng cách rút khỏi các sản phẩm hàng tiêu dùng khác như máy giặt, máy hút bụi và điều hòa không khí. “Hitachi đã cắt giảm nhiều chi phí, nhưng vẫn còn có khả năng cắt giảm nhiều hơn thế”, ông Akino nói.

Theo vneconomy

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 × five =

To Top