Connect with us

Bán lẻ: Miếng bánh chia nhỏ, nội lép vế

Tình huống thương hiệu

Bán lẻ: Miếng bánh chia nhỏ, nội lép vế

Doanh thu trung bình của Big C lên vài tỷ đồng/ngày, trong khi có những điểm bán lẻ của Saigon Co.op doanh thu chỉ vài trăm triệu đồng/ngày. Con số tương quan này cho thấy thế yếu của các DN bán lẻ trong nước.

Miếng bánh chia nhỏ

Ông Pascal Billaud, Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Big C, đánh giá: “Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn mới ở giai đoạn phát triển ban đầu. Hiện nay, thị phần của bán lẻ hiện đại vẫn còn quá khiêm tốn và nếu nhìn lại sự phát triển của thị trường bán lẻ ở các nước phát triển hay các nước láng giềng, thị trường Việt Nam vẫn còn chỗ cho rất nhiều các chuỗi bán lẻ khác có mặt”.

Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, trong ba năm qua (2009 – 2011), dù kinh tế toàn cầu suy thoái và các thị trường bán lẻ lớn trên thế giới sụt giảm mạnh, ngành bán lẻ Việt Nam vẫn tăng trưởng vượt bậc, ở mức 20 – 24%/năm.

Báo cáo vào cuối năm 2011 của Research and Markets cũng khẳng định, Việt Nam là một trong năm thị trường bán lẻ sinh lời nhiều nhất trên thế giới và trong tương lai, các kênh bán lẻ hiện đại sẽ đóng vai trò chủ chốt. Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng theo dự báo của Bộ Công Thương, năm nay, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ đạt doanh số gần 100 tỷ USD.

Cùng nhận định này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, khẳng định, trong năm nay, ngành bán lẻ trong nước sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng không vì thế mà giảm sức hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Bởi vì, Việt Nam có đến gần 90 triệu dân nhưng chỉ mới có khoảng 700 siêu thị, 120 trung tâm thương mại và trên 1.000 cửa hàng tiện ích. Dù có tốc độ phát triển doanh thu nhanh nhưng thị phần của tất cả các nhà bán lẻ hiện đại cộng lại cũng chỉ mới chiếm 20% thị phần bán lẻ trong cả nước.

Chính miếng bánh béo bở của thị trường gần 90 triệu dân đã thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, đã có 3 thương hiệu trong top 20 thương hiệu bán lẻ hàng đầu thế giới có mặt tại Việt Nam, như Metro (xếp hạng thứ 4 toàn cầu), Aeon (đứng thứ 20), Casino (thứ 21).

Ngoài ra, các tên tuổi khác như Lotte, E-Mart, Dairy Farm cũng đang đầu tư, thiết lập chỗ đứng mới. Đó là chưa kể, hiện một số nhà đầu tư nước ngoài đang ráo riết chạy giấy phép đầu tư vào Việt Nam.

Để phòng thủ trước sức “tấn công” của nhà bán lẻ mới, các nhà kinh doanh bán lẻ (kể cả trong và ngoài nước) đã phải tăng tốc mở rộng mạng lưới phân phối. Chỉ trong hai năm vừa qua, Big C đã phát triển đến 9 siêu thị mới, trong con số này trong năm 1998 – 2009 chỉ là 8 siêu thị.

Metro trong hai năm (2010-2011) đã phát triển thêm 8 điểm bán mới, trong khi thời gian trước đó chỉ có 9 điểm. Lotte ngay khi vào Việt Nam cũng đã chuẩn bị khá nhiều địa điểm ở TP.HCM và Hà Nội.

Trong đó, siêu thị Lotte tại Hà Nội (đang khởi công xây dựng) là một trong những điểm bán lớn nhất của nhà đầu tư này tại thị trường châu Á ngoài Hàn Quốc. Hiện tại, nhà đầu tư này đã nhận được giấy phép đầu tư tại Đồng Nai và Đà Nẵng.

Đại diện của nhà đầu tư này cho biết, không dừng lại ở những điểm trên, từ nay đến năm 2020, Lotte sẽ có đến 60 điểm mua sắm trong cả nước.

Mới đây nhất, ngày 2/3, Công ty CP Aeon Việt Nam (thuộc tập đoàn Aeon, Nhật Bản) cũng đã công bố dự án xây dựng trung tâm mua sắm Aeon – Tân Phú Celadon với tổng vốn đầu tư lên đến 109 triệu USD.

Ông Nishitohge Yasuo, Tổng giám đốc Công ty Aeon Việt Nam, cho biết, ngay sau khi Aeon – Tân Phú Celadon được xây dựng, Aeon Việt Nam cũng sẽ khởi công trung tâm thứ hai tại TP.HCM và đầu tư xây dựng hai trung tâm mua sắm mới tại Hà Nội.

Trước áp lực cạnh tranh từ các nhà đầu tư nước ngoài, các DN trong nước cũng ráo riết, đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới. Mở thêm nhiều điểm bán nhất trong năm 2012 này là Vinatexmart với kế hoạch 43 siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng mới. Co.op Mart cũng đã lên kế hoạch mở 10 siêu thị và 15 cửa hàng trong năm nay.

Ngay như Fivimart, dù phải đóng cửa đến 4 điểm bán tại TP.HCM, nhưng cũng công bố trong năm nay sẽ mở thêm 3 siêu thị mới tại Hà Nội và TP.HCM. Như vậy, theo ước tính của các nhà kinh doanh siêu thị, trong năm 2012 này, sẽ có trên 120 siêu thị, trung tâm thương mại mới đi vào hoạt động, gấp đôi so với năm 2011.

Rút tỉa ưu thế

Ngoài việc mở điểm bán mới, các nhà đầu tư siêu thị trong nước cũng chấn chỉnh lại chiến lược một cách phù hợp hơn. Một mặt, các DN liên doanh với các nhà đầu tư nước ngoài, mặt khác tính toán, cơ cấu, định hướng lại thị trường.

Như Citimart, sau khi bán lại một số địa điểm cho Welcome, cũng đã xác định lại phân khúc khách hàng và ổn định lại loại hình kinh doanh.

Maximark phát triển theo hướng cao cấp hơn, sang trọng hơn, còn Fivimart chọn thị trường trọng điểm hơn. “Muốn kinh doanh siêu thị hiệu quả thì phải tổ chức chuỗi siêu thị. Muốn có chuỗi siêu thị thì phải có rất nhiều tiền” – đây là công thức chuẩn cho hoạt động siêu thị hiện nay.

Chẳng hạn, Metro Cash&Carry cho biết đã chi từ 20-25 triệu euro trang bị hệ thống cung ứng hàng (kho lạnh, xe chuyên dụng, thiết bị kiểm tra, bảo quản hàng hóa…) theo chuẩn của Metro toàn cầu và gần 800.000 euro cho công tác huấn luyện…

Đây là con số mà DN trong nước không thể làm nổi bởi không đủ tiềm lực.Việc Fivimart đóng cửa do phải trả lại mặt bằng là một ví dụ điển hình cho thế yếu của các siêu thị nội địa. Trong khi đó, DN nước ngoài sẵn sàng lên kế hoạch chịu lỗ trong vòng 5-7 năm để tạo ra thị trường cho riêng mình.

Dù đã huy động mọi nguồn lực để chỉnh đốn việc kinh doanh nhưng xem ra các DN trong nước vẫn chưa hết khó. Và cuộc cạnh tranh của ngành bán lẻ hiện đại đang được xem là cuộc cạnh tranh không cân sức.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, các DN bán lẻ trong nước vẫn tồn tại nhiều hạn chế như năng lực tài chính, tính chuyên nghiệp, logistics, chiến lược dài hạn…

Với thế yếu về vốn, DN trong nước khó có thể đàm phán với các nhà cung cấp để có được giá tốt và như vậy không thể cạnh tranh với DN nước ngoài về giá bán.

Một bất cập mới hiện nay là do quy hoạch, phát triển hệ thống bán lẻ Việt Nam chưa chặt chẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài liên tục mở điểm bán mới, khiến DN trong nước càng khó khăn.

Theo quy định, khi gia nhập WTO, các nhà bán lẻ quốc tế có quyền mở điểm bán lẻ đầu tiên, nhưng từ điểm bán lẻ thứ hai trở đi, phải tuân thủ việc Kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT).

Nhà đầu tư nước ngoài muốn mở chuỗi siêu thị phải xin giấy phép riêng biệt cho mỗi siêu thị và Sở Công Thương các địa phương căn cứ vào rất nhiều tiêu chí để quyết định có cấp phép hay không…

Tuy nhiên, do Nhà nước đã phân cấp quản lý nên tại nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng cấp phép tràn lan mà không cân nhắc đến nhu cầu thực tế. Để thu hút đầu tư, nhiều địa phương còn dành ưu đãi về thuế như thuế DN, thuế nhập khẩu nguyên liệu xây dựng siêu thị mới…

Chính vì vậy, đại diện một siêu thị than thở: “Chúng tôi hiện vẫn đang đứng vững là nhờ sở hữu nhiều điểm bán lẻ trong nội thành có vị trí kinh doanh tốt. Dù đơn vị là 1 trong 500 DN bán lẻ hàng đầu châu Á nhưng trong những năm tới có được như vậy hay không là điều khó nói”.

Bởi vì, ngay cả ưu thế về mặt bằng cũng đang mất dần vào tay các nhà bán lẻ vốn lớn. Chẳng hạn, theo ông Phạm Ngọc Quý, Giám đốc hệ thống Siêu thị Intimex, ở Đà Nẵng, DN Việt Nam đang đàm phán thuê mặt bằng với giá 4 – 5 USD/m2 nhưng DN FDI sẵn sàng trả 20 USD/m2.

Theo DNSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

2 × two =

To Top