Connect with us

Tiếp thị cho giới trẻ – chuyện nhỏ??

Bài viết nghiên cứu

Tiếp thị cho giới trẻ – chuyện nhỏ??

Trên thế giới ngày nay có một nhóm khách hàng sành sõi hơn ai khác. Họ có tiền để tiêu và biết chính xác mình muốn tiêu tiền vào những thứ gì. Thậm chí, họ còn có nhiều tiền chi xài hơn cả thế hệ đi trước nữa. 

Và nếu chinh phục được họ, bạn sẽ vớ được cả một kho báu, vì họ sẵn sàng nói tốt về bạn cho tất cả mọi người quen biết và họ luôn trung thành với bạn.

Cái kho báu ấy chính là giới trẻ. Nhưng nhắm vào tuổi teen toàn cầu – một nhóm thanh thiếu niên sẽ sớm lớn lên thành người tiêu dùng trong tương lai – không phải là chuyện nhỏ như ta tưởng. Có những điều bạn nên nhớ khi ngồi vạch kế hoạch chinh phục đối tượng này.

Những kẻ trẻ người nhưng không non dạ

Thật thế, đừng nghĩ họ chỉ là “đám con nít” mà bạn có thể “dụ khị” bằng những mánh lới tiếp thị. Vậy nên, trước khi bắt đầu bất cứ chiến dịch nào, hãy nhớ rằng, để được họ chú ý đến, bạn cần phải đối thoại với họ – một sự tương tác hai chiều đích thực, chứ không chỉ mình bạn thao thao bất tuyệt. Họ chẳng thích bị điều khiển. Bạn cần nghĩ đến những cách tiếp cận mới lạ hơn mới mong đạt được những gì mình muốn. Điều này không có gì khó hiểu. Thanh thiếu niên ngày nay trưởng thành cùng quảng cáo nên họ còn lạ gì những kiểu quảng cáo truyền thống nữa. Họ thích những gì mới mẻ, độc đáo, hài hước, đặc biệt thứ nào những người trên 21 tuổi coi là “quái”, “chẳng ăn nhập gì cả” lại càng khiến họ khoái hơn.

Cách đây ít năm, công ty quảng cáo StrawberryFrog đã có một chiến dịch quốc tế rất hiệu quả để quảng bá điện thoại Sony Ericsson cho giới trẻ. Khi ấy, Sony Ericsson “bị” xem là điện thoại doanh nhân (kiểu như BlackBerry bây giờ) và chẳng có nhiều khách hàng trẻ, vì thế để “lũ choai choai” ấy quan tâm đến “dế” mới này không phải là chuyện dễ. Và giải pháp được đưa ra là một chiến dịch tạm gọi tên “thò lò mũi xanh”. Mục tiêu rất đơn giản – nếu chiến dịch quảng bá điện thoại mới này khiến những người lớn-doanh nhân phải thốt lên “nhảm” thì tự nhiên giới trẻ sẽ thấy “hết sảy” ngay. Khỏi phải nói, mọi thứ thành công như mong đợi. Không một khách hàng trưởng thành nào của Sony Ericsson thèm bận tâm đến chiếc điện thoại này trong khi giới trẻ thì mê mẩn và ban giám đốc của Sony Ericsson mừng rơn.

Thanh thiếu niên và trách nhiệm xã hội

Điều chúng ta nói với người trẻ cũng rất quan trọng. Những thứ mang tên công nghệ và “apps” (ứng dụng) cùng nhiều nền tảng khác cho phép thanh thiếu niên sở hữu các nội dung thể hiện quan điểm của họ về thế giới. Dù quan điểm này mang tính cá nhân nhưng lại là một phần của tổng thể đang ngày càng lan rộng khắp nơi. Vì thế, biết chuyện để nói với người trẻ là điều hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó, bạn cần hiểu về phương tiện giao tiếp. Internet là lãnh địa của thanh thiếu niên. Internet mang tính toàn cầu, là nơi họ làm chủ, là công cụ liên kết quan trọng nhất. Bạn không thấy bọn trẻ ngày nay luôn dính chặt vào chiếc điện thoại thông minh và laptop, thường xuyên cập nhật thông tin trên mạng xã hội và nhắn tin với bạn bè khắp năm châu bốn biển sao?

Vì vậy, ta biết được rằng thanh thiếu niên thích internet, thích được mời gọi vào các cuộc đối thoại. Và hơn bao giờ hết, họ có quan tâm đến xã hội. Đây không còn là chuyện chống đối hay nổi loạn, mà là vấn đề trách nhiệm. Hãy thử mời gọi họ tham gia vào một mục đích xã hội nào đó, họ sẽ trở thành những người cổ động nhiệt tình nhất mà bạn có.

Tiếp thị cho giới trẻ phải như thế nào?

Tất cả những điều trên đều hướng đến phong trào văn hóa vốn là yếu tố tất yếu trong việc tiếp thị cho thanh thiếu niên. Bởi trong các phong trào, đối thoại luôn giữ vai trò trọng tâm, giúp khơi gợi sự quan tâm và kích thích nhiệt tình vì một thay đổi tốt đẹp hơn.

Vậy làm sao để thương hiệu của bạn trở thành mảnh ghép vừa vặn trong bức tranh của giới trẻ? Bạn cần phải biết họ đang nói về những gì. Điều gì thu hút sự quan tâm của họ hiện nay và bạn có thể góp phần như thế nào?

Xác định xem họ đang bàn tán đề tài ấy bằng những phương tiện nào và ở đâu – thường là ở các mạng xã hội – nhưng còn nơi nào nữa mà bạn chưa nghĩ đến? Kế đến, phải đảm bảo sao cho những thông tin bạn đóng góp thật sự hay đến nỗi họ muốn chia sẻ cho bạn bè ngay. Cách cung cấp thông tin cũng đáng chú ý – bạn có thể tạo nên một sân chơi tự do thoải mái, với các nguồn thông tin phong phú để họ có thể tự do sáng tạo và sắp xếp theo đúng sở thích của mình. Đừng quên rằng đây là nhóm khách hàng thích được cảm thấy mình thật hữu ích, do đó tránh sa đà vào online và bỏ quên offline – giới trẻ thích nói nhưng họ cũng thích biến lời nói thành hành động cụ thể.

Chúng ta có thể học từ Rockcorps – một phong trào được khai sinh ở Mỹ vào giữa thập niên 90 nhưng đến nay đã lan rộng trên thế giới. Thanh thiếu niên khắp nơi hưởng ứng mục itêu ‘Got 2 Give 2 Get’ (tạm dịch: Cho để nhận). Chỉ với một ý tưởng đơn giản – 4 giờ tình nguyện trong cộng đồng sẽ mang lại cho bạn một vé dự hòa nhạc miễn phí. Đến nay đã có hơn 35,000 thanh thiếu niên góp hơn 140,000 giờ phục vụ cộng đầu để tham gia vào sự kiện này. Rockcorps sẽ trở lại rộn ràng hơn ở Mỹ năm 2012, cùng với một thương hiệu viễn thông đồng hành (đối tác cũ là Boost Mobile).

Những thương hiệu được tôn sùng như Nike, adidas, Puma, đều đã sớm nhận ra vai trò của thanh thiếu niên và tận dụng hiệu quả. Nokia và Microsoft đang phải đau đầu với thách thức này trong khi Blackberry và một số thương hiệu xe hơi lớn đã bắt đầu thành công trong việc liên kết với thế hệ người tiêu dùng mới này. Trào lưu và xu thế đến rồi lại đi, vì thế bạn phải là người đi trước thời đại. Đừng bỏ lỡ cơ hội liên kết với giới trẻ bất cứ khi nào có thể.

DNA Branding – www.dna.com.vn

Theo Scott Goodson – Forbes.com

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

4 − one =

To Top