Connect with us

Nhiệm vụ của quảng cáo

Quảng bá thương hiệu

Nhiệm vụ của quảng cáo

Quảng cáo không chỉ tạm thời hỗ trợ cho sản phẩm hoặc dịch vụ. Đây còn là công cụ để xây dựng một thương hiệu mạnh. “Người ta nói về sản phẩm và dịch vụ của bạn còn tốt hơn là nói về mẫu quảng cáo của bạn”.

Một trong những công cụ giúp xây dựng thương hiệu mạnh là quảng cáo. Không có thương hiệu nào trở nên nổi tiếng nếu không có quảng cáo, dù bằng cách này hay cách khác. Tuy nhiên, liệu cứ quảng cáo thật nhiều sẽ có thương hiệu mạnh?

Mối quan hệ giữa quảng cáo và thương hiệu

Trên thực tế, có khá nhiều thương hiệu ai cũng biết đến nhưng lượng khách mua hàng lại chẳng là bao. Vậy quảng cáo và thương hiệu có mối quan hệ như thế nào?

Tuỳ vào đặc điểm của thương hiệu, khách hàng, đối thủ cạnh tranh mà mỗi thương hiệu phải có chiến lược quảng cáo riêng cho mình.

Chiến lược quảng cáo cho một sản phẩm tiêu dùng nhanh như dầu gội đầu hoàn toàn khác với chiến lược quảng cáo cho một dịch vụ ngân hàng. Tuy nhiên, chúng có đặc điểm chung là điều trải qua ba giai đoạn.

1/ Tạo sự nhận diện trong tâm trí khách hàng:

Trong giai đoạn này, quảng cáo đóng vai trò là nhắc nhớ và in sâu vào não người tiêu dùng về sự hiện diện của thương hiệu. Do vậy, độ phủ và tần suất quảng cáo phải đủ mạnh để người tiêu dùng có thể nghe và nhìn thấy thương hiệu ở nhiều nơi, nhiều thời điểm.

Quá trình lập đi lập lại quảng cáo sẽ làm thương hiệu in sâu vào tâm trí người tiêu dùng.

Thương hiệu nước tăng lực Number One khi tung ra thị trường lần đầu đã dùng chiến lược quảng cáo nhắc lại nhiều lần với thông điệp: “Number One nay đã có mặt tại Việt Nam” mà không truyền thông gì thêm về lợi ích của sản phẩm. Thông điệp đó được lặp đi lặp lại nhiều lần trên truyền hình, báo chí, tạp chí và biển hiệu ngoài trời.

Thông điệp trên đã khiến người tiêu dùng tò mò và tự hỏi đó là sản phẩm gì. Do đó, sau chiến dịch Number One, đã có sự nhận biết thương hiệu rất cao trong số những khách hàng tiềm năng.

2/ Quảng cáo để truyền thông về hình ảnh của thương hiệu:

Một khi thương hiệu đã được nhiều người biết đến, điều quan trọng của người hoạch định chiến lược quảng cáo là phải chuyển tải hình ảnh như thế nào về thương hiệu tới người tiêu dùng.

Để có được hình ảnh nhất quán về thương hiệu, cần phải có một bản tuyên ngôn định vị thương hiệu trước khi tiến hành bất cứ thông điệp qủang cáo nào ra đại chúng.

Chỉ cần xem mẫu quảng cáo, người ta có thể dễ nhận ra đó là Heineken với thông điệp không đổi làm toát lên ý nghĩa trọn vẹn về đẳng cấp của thương hiệu này: “Chỉ có thể là Heineken”.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã bỏ ra rất nhiều tiền cho quảng cáo. Trong khi đó, họ không có bản tuyên ngôn định vị thương hiệu trong tay nên không đạt được hiệu quả tương xứng với ngân sách bỏ ra.

Thông điệp quảng cáo của họ hôm nay nói thế này, mai lại truyền tải nội dung khác nên không cộng hưởng với nhau, nhiều khi còn gây nhiễu trong việc tiếp thu thông tin đối với người tiêu dùng.

3/ Duy trì và đổi mới hình ảnh thương hiệu:

Khi thương hiệu đã được nhiều người biết đến, hình ảnh thương hiệu được định vị rõ ràng. Tuy nhiên, việc duy trì quảng cáo và cải thiện thương hiệu vẫn rất cần thiết. Người tiêu dùng sẽ cảm thấy nhàm chán khi xem một thông điệp quảng cáo cứ lặp đi, lặp lại.

Do vậy, doanh nghiệp phải luôn sáng tạo, tìm ra sự khác biệt và thú vị trong các mẫu quảng cáo để truyền tải hình ảnh thương hiệu đã được duyệt trong bản tuyên ngôn định vị.

Điều này có nghĩa là cũng một thông điệp, nhưng mẫu quảng cáo được diễn tả và thể hiện bằng những nội dung khác nhau để hình ảnh thương hiệu luôn luôn mới trong mắt người tiêu dùng.

Kinh nghiệm cho thấy, nếu thương hiệu nào không có định hướng chiến lược và tuyên ngôn định vị rõ ràng, thương hiệu đó rất dễ lạc đường khi thực hiện các chương trình quảng cáo và truyền thông.

Do vậy, mỗi nhà quản lý thương hiệu cần nhìn lại bản tuyên ngôn và cấu trúc nền móng của thương hiệu mỗi khi tiến hành truyền thông để luôn truyền tải hình ảnh nhất quán, độc đáo và khác biệt với người tiêu dùng.

Chọn kênh truyền thông cho quảng cáo hợp lý

Có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn mẫu quảng cáo “tra tấn” người xem hành ngày với đủ thứ hình thức, từ ngôn từ đến hình ảnh đa sắc. Vậy, làm thế nào để thông điệp của doanh nghiệp chạy vào não của khách hàng trong thời gian ngắn nhất?

Tất nhiên, ngoài việc nắm bắt những yếu tố của thông điệp quảng cáo như đã trình bày ở trên, người làm marketing cũng hiểu rõ mục đích và khả năng ngân sách mà doanh nghiệp dành cho quảng cáo.

Một khi đã hiểu rõ mục đích của mình, doanh nghiệp sẽ biết cách để phân bố ngân sách quảng cáo hợp lý. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần nắm vứng cái ưu, khuyết điểm của từng loại phương tiện truyền thông.

Truyền hình vẫn được xem là kênh quảng cáo hiệu quả nhất. Ở đó, những thông điệp có thể tác động trực tiếp hoặc giác tiếp đến mọi giác quan của con người, từ ngôn từ, âm thanh đến hình ảnh.

Ưu điểm là thế. Tuy nhiên, chi phí quảng cáo trên truyền hình khá đắt so với báo giấy. Do đó, nó đòi hỏi các mẫu quảng cáo phải thật sáng tạo, sâu sắc và dễ hiểu…

Chi phí quảng cáo trên báo giấy rẻ hơn. Bạn hãy tận dụng báo chí để truyền đi thông điệp cụ thể của mình bằng một bài viết hoặc hình ảnh có thể làm rung động tâm trí khách hàng.

Điều quan trọng là phải chọn thời điểm phát sóng hoặc xem ngày phát hành báo chí phù hợp, nếu không muốn mẫu quảng cáo trở nên lãng phí. Ví dụ, bạn muốn chuyển thông điệp đến các quý ông, đừng quảng cáo trong chương trình chiếu phim Hàn Quốc mà nên xuất hiện trong trận đấu bóng đá hoặc trước, trong, và sau chương trình thời sự. Và ngược lại!

Theo Lantabrand 

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

five × five =

To Top