Connect with us

Vincom, Vinpearl sáp nhập: Thuận và nghịch

Tin trong nước

Vincom, Vinpearl sáp nhập: Thuận và nghịch

Ngày 4/10, Chủ tịch HĐQT Công ty Vincom thông báo sẽ sáp nhập 2 công ty Vincom (VIC)và Vinpearl (VPL) để thống nhất thành Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (Vingroup). Câu chuyện lập tức trở thành đề tài nóng bỏng.

Mặc dù trên sàn HOSE đã từng có chuyện tương tự với Tập đoàn Kinh Đô (KDC) và Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên, còn trên sàn Hà Nội cũng đã có Công ty KMF (CTCP Mirae Fiber) sáp nhập vào KMR (CTCP Mirae), nhưng tên tuổi doanh nghiệp cũng như quy mô của vụ sáp nhập Vincom và Vinpearl vẫn buộc dư luận phải chú ý.

Sáp nhập được lợi gì?

Mặc dù chưa rõ lắm về động cơ khiến các công ty niêm yết sáp nhập với nhau, nhưng các nhà đầu tư trên sàn VietinbankS (TP.HCM) vẫn bàn luận: nếu không có lợi thì các công ty sáp nhập làm gì, vừa tốn công, vừa xáo trộn cổ phiếu của nhà đầu tư?

Còn nhớ, trước đây ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Công ty KDC đã nói với các cổ đông rằng, khi thực hiện thành công việc sáp nhập các công ty, ngoài việc sản xuất và bán kẹo, kem, sữa chua, KDC còn đẩy mạnh việc sản xuất dầu ăn, nước chấm là những thực phẩm thiết yếu đối với người tiêu dùng. Khi là một tập đoàn lớn, KDC có thể mua nguyên vật liệu với giá tốt hơn do lượng mua lớn. Chi phí kiểm toán báo cáo thường niên hàng năm cũng sẽ ít hơn, trong khi các năm trước phải chi mấy chục ngàn USD cho một đơn vị kiểm toán. Việc quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông cũng quy về một mối, tiết kiệm được chi phí…

Còn lần này, với Tập đoàn Vingroup, ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vincom cho biết: “Sự kiện sáp nhập này nhằm tạo ra sức mạnh mới trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, tập trung trí tuệ và thống nhất chỉ đạo trong các phương thức, chiến lược đầu tư kinh doanh… Vincom hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, còn Vinpearl là du lịch, mà đây là hai lĩnh vực có sự liên quan và hỗ trợ nhau. Thế nên sự sáp nhập này là rất hợp lý và chắc chắn sẽ tạo ra một sức bật mới trên thị trường”. Nhìn từ chiến lược mở rộng thị trường ra nước ngoài thì việc sáp nhập còn tạo ra một tập đoàn có tầm vóc quốc tế, đủ sức cạnh tranh ngang ngửa với các tập đoàn nước ngoài. Ngoài ra, việc sáp nhập cũng hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế phát triển của các tập đoàn bất động sản lớn trong khu vực và trên thế giới…

Qui mô vốn rất ấn tượng, nhưng…

ThS Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Công ty Cổ Phiếu Vàng cho rằng, phần lớn các thương vụ mua bán, sáp nhập được thực hiện giữa các công ty trong cùng một lĩnh vực hoạt động đều có mục đích gia tăng hiệu quả hoạt động nhờ vào quy mô và mở rộng hệ thống với mạng lưới phân phối rộng khắp. Sau khi sáp nhập, hai công ty trong cùng lĩnh vực sản xuất và phân phối (như xi măng HT1 và HT2) sẽ tận dụng được mạng lưới phân phối của nhau trong việc tiêu thụ sản phẩm. Điều tương tự cũng đúng cho thương vụ sáp nhập của NKD vào KDC.

Nhưng trong trường hợp Vingroup, VPL và VIC lại có hai lĩnh vực hoạt động khác nhau, lần lượt là lĩnh vực du lịch – giải trí và bất động sản. Ngoài ra, hai công ty này còn có cổ phần trong hàng loạt các công ty khác trong lĩnh vực hoạt động của mình. VPL có cổ phần trong khoảng 10 công ty cùng lĩnh vực với cổ phần chi phối (hơn 50%) tại một số công ty. VIC cũng vậy. Trong đó có một số công ty mà cả VPL và VIC đều cùng có cổ phần. Việc VPL sáp nhập vào VIC được xem là sự sáp nhập của các công ty không cùng một ngành nghề.

Nếu xét về năng lực tài chính, VIC và VPL có thể được xem là “rất ấn tượng” trong việc tăng vốn điều lệ và huy động vốn nước ngoài thông qua hình thức trái phiếu quốc tế. VIC có vốn điều lệ khoảng 319 tỷ đồng vào năm 2006 và đã tăng lên đến nay là khoảng 3.900 tỷ đồng (gấp 10 lần trong 5 năm). VPL cũng tăng vốn điều lệ lên khoảng 7 lần trong 5 năm vừa qua, lên mức hiện nay là khoảng 2.000 tỷ đồng. Nếu xét về tính vốn hóa thị trường của hai cổ phiếu này trên sàn HOSE thì việc sáp nhập này mang lại một cổ phiếu có tính vốn hóa bằng khoảng 10% tổng vốn hóa của sàn HOSE. Việc giao dịch của cổ phiếu tương lai này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến chỉ số chứng khoán VN-Index lớn hơn nhiều so với ảnh hưởng của VIC trước đây.

Cũng nhận định về Vingroup, ông Hồng Trường, thành viên Quỹ đầu tư PV cho rằng. Vincom thì có thế mạnh của bất động sản, bán xong có thể đạt lợi nhuận cao. Tuy nhiên, lúc chưa đến mùa xây dựng công trình thì dư dả tiền nong nên báo cáo tài chính cực tốt. Khi thị trường “đóng băng” thì báo cáo tài chính lại “kém tươi”. Với Công ty Vinpearl cũng vậy, vốn đầu tư dài hạn lớn, không thu hồi vốn nhanh được, cụ thể như khu du lịch Hòn Tre mới khai thác được 1/10, còn phải tiếp tục đầu tư. Việc sáp nhập này vừa để dễ quản lý vừa để củng cố lòng tin cho nhà đầu tư (một công ty gặp khó thì vẫn còn có công ty khác đưa lợi nhuận về).

Theo Doanh Nhân

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

eight + six =

To Top