Connect with us

Vì sao Masan bán Proconco?

Tình huống thương hiệu

Vì sao Masan bán Proconco?

Sau hơn 2 năm trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty Cổ phần Việt Pháp (Proconco), chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi, Masan Group đã chính thức chia tay khoản đầu tư này.

Tiền thân của Masan Agri là Công ty Hoa Mười Giờ. Đây là pháp nhân được Masan Group thành lập để mua lại 40% cổ phần của Proconco. Proconco là doanh nghiệp đứng thứ 2 về thị phần thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, có mạng lưới phân phối ở 63 tỉnh thành với 590 điểm bán hàng. Doanh thu của Proconco tăng trưởng đều đặn với tốc độ trung bình khoảng 25% mỗi năm trong vòng 5 năm qua.

Sự tham gia của Masan Agri trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi có ý nghĩa chiến lược vì thế mạnh sẵn có của Masan trong ngành thực phẩm. Vì thế, đặt một chân vào ngành thức ăn chăn nuôi là điểm khởi đầu hợp lý. Về mặt chiến lược để Masan Group bắt đầu xây dựng chuỗi giá trị “giống sạch – thức ăn sạch – nuôi sạch – chế biến sạch – phân phối, bảo quản sạch” được xem như là “chuỗi giá trị” của Tập đoàn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng được đưa vào vận hành trong năm 2013.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2014, Masan Group đã bán 100% cổ phần tại Masan Agri cho bên thứ 3 với số tiền 3.035 tỉ đồng. Kể từ năm 2015, Masan Group không còn nắm giữ lợi ích tại Masan Agri cũng như Proconco. Masan Group cũng đã bán 100% cổ phần của Công ty Bao bì Minh Việt (Mivipack) với giá 500 tỉ đồng. Lợi nhuận thu được từ giao dịch này là 428,4 tỉ đồng.

Những động thái trên cho thấy Masan Group đã thoái các khoản đầu tư phi chiến lược để tập trung vào “chuỗi giá trị”. Những khoản đầu tư này, đến giai đoạn hiện nay được xem như là đã hoàn thành sứ mệnh của mình cả về giá trị lợi nhuận đem lại cho Tập đoàn và chiến lược.

Masan Group đang tư duy và “định nghĩa” lại ngành hàng tiêu dùng của mình thông qua việc mở rộng ngành hàng tiêu dùng thông qua hàng loạt khoản đầu tư mạnh vào lĩnh vực tiêu dùng.

Ngày 31.1.2015, Hội đồng Quản trị Masan Consumer đã phê duyệt việc công ty con là Masan Food mua lại 100% vốn điều lệ của Công ty Thực phẩm Dinh dưỡng Sài Gòn (Saigon Nutri Food), một doanh nghiệp chuyên về xúc xích và đồ hộp với giá 200 tỉ đồng, chi 240 tỉ mua 32,8% cổ phần của Cholimex Food.

Với việc mua lại Nutri Food, một doanh nghiệp đầu cuối với những sản phẩm được sản xuất từ quy trình khép kín, nên việc bán Proconco là có thể lý giải. Masan có lẽ không cần phải tạo ra một quy trình khép kín mới.

Thông qua Masan Food chiếm lĩnh ngành hàng thực phẩm, trở thành đối trọng cạnh tranh với Vissan trong nay mai. Chiến lược chiếm lĩnh thị trường chăn nuôi, sau đó chi phối mảng phân phối, bán lẻ thực phẩm, hình thành mô hình khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”.

Với chiến lược này, Masan Group đẩy kinh doanh lĩnh vực hàng tiêu dùng lên một bước cao hơn. Đơn cử như lĩnh vực thực phẩm, không chỉ đơn giản với mô hình “từ trang trại đến bàn ăn” mà còn bổ sung thêm “ăn gì và uống gì”. Điều này khiến các đối thủ cạnh tranh khác khó có thể vượt qua khi “chuỗi giá trị” của mình còn bị rời rạc hoặc đứt gãy, như C.P (Thái Lan) được biết đến như một doanh nghiệp ngoại mạnh về thức ăn chăn nuôi; Vissan, GreenFeed, Dabaco… doanh nghiệp mạnh về chế biến thực phẩm. Trong khi đó, chuỗi giá trị này của Masan Group ngày càng hoàn chỉnh.

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

eleven + sixteen =

To Top