Connect with us

Vì sao LV, Hermes, Rolex thống trị thế giới?

Tình huống thương hiệu

Vì sao LV, Hermes, Rolex thống trị thế giới?

Global Post vừa tổng hợp những chiến lược kinh doanh mang đến thành công cho 10 thương hiệu xa xỉ nổi tiếng toàn cầu.

Trong ngành kinh doanh các thương hiệu xa xỉ, quan điểm của khách hàng điều hành mọi thứ. Người ta có thể tạo ra nhiều món hàng xa xỉ như quần áo, túi xách, giầy dép và đồ trang sức với chất lượng tuyệt hảo một cách không quá khó khăn. Toàn bộ công việc kinh doanh dựa vào việc thuyết phục khách hàng rằng chỉ riêng thương hiệu thôi cũng đáng để trả thêm tiền.

Vậy, thương hiệu nào làm việc đó giỏi nhất? Hàng năm, công ty nghiên cứu thị trường Milward Brown xếp hạng 10 thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới dựa vào giá trị thương hiệu.

Mô hình BrandZ của công ty này đánh giá lợi nhuận của một thương hiệu, lợi nhuận tiềm năng, và chất lượng của thương hiệu trong tâm trí khách hàng, để đạt đến giá trị thương hiệu cuối cùng thể hiện bằng USD.

Toàn bộ công việc kinh doanh hàng xa xỉ dựa vào việc thuyết phục khách hàng rằng chỉ riêng thương hiệu thôi cũng đáng để trả thêm tiền.

10. Burberry

Giá trị thương hiệu: 4 tỷ USD, tăng trưởng 21%.

Hiếm người biết rằng, từ xa xưa, Burberry là một thương hiệu sản xuất áo mưa cho tầng lớp quý tộc Anh. Sau đó, trong những năm 1990, công ty này tự đổi mới mình bằng việc sản xuất quần áo thời trang, tất cả đều được trang trí sọc kẻ ca-rô Burberry.

Burberry đạt lợi nhuận 1,9 tỷ bảng Anh và tiếp tục mở rộng phạm vi, hiện còn tung ra thị trường dòng nước hoa Burberry Body và bộ sưu tập thời trang cao cấp Burberry Prorsum.

Công ty này còn tự hào bởi khả năng tiếp thị số của mình. Các cửa hiệu của Burberry mang iPad cho những khách hàng muốn xem hàng trên màn hình.

9. Moet & Chandon

Giá trị thương hiệu: 4,2 tỷ USD, giảm 8%

Theo báo cáo hàng năm của tập đoàn quốc tế của Pháp chuyên về các sản phẩm xa xỉ LVMH, họ đang kiểm soát 1.697 hecta trong khu vực sản xuất champagne ở Pháp. Các thương hiệu champagne của tập đoàn này bao gồm: Moet & Chandon, Dom Perignon, Veuve Cliquot và Krug, và chiếm 18,3% thị trường toàn cầu. Doanh thu từ champagne của tập đoàn này là 1,8 tỷ franc.

8. Hennessy

Giá trị thương hiệu: 4,6 tỷ USD, giảm 8%.

Câu chuyện Hennessy là về những rào cản đối với việc cạnh tranh có thể được dựng lên sau khi bạn thiết lập một vị trí thống trị thị trường, giả sử bạn đã làm điều đó cách đây hơn 1 thế kỷ. Hennessy trở thành thương hiệu cognac hàng đầu từ 1890 và hiện chiếm 41,1% thị phần. Henessy sở hữu 177 hecta trong khu vực sản xuất cognac.

7. Cartier

Giá trị thương hiệu: 4,8 tỷ USD, giảm 9%.

Có 2 loại loại hộp trang sức đẳng cấp trên thế giới: một chiếc màu xanh giống vỏ trứng chim két của Tiffany và một chiếc màu đỏ trang trí vàng của Cartier. Cartier là hãng trang sức lớn duy nhất được công ty nghiên cứu thị trường Millward Brown đưa vào danh sách.

6. Prada

Giá trị thương hiệu: 5,8 tỷ USD.

Doanh thu của Prada tăng 42% trong quý I/2012. Thành công của Prada phần lớn nhờ gia tăng nhanh chóng số cửa hiệu. Từ tháng 4/2011 đến tháng 4/2012, Prada đã mở thêm 65 cửa hiệu.

Trong 3 năm tới, Prada có kế hoạch mở thêm 80 cửa hiệu mỗi năm, trong đó 30 cửa hiệu ở Trung Quốc. Nhãn hiệu này hiện điều hành hơn 200 cửa hiệu trên toàn thế giới và cũng phân phối thông qua một hệ thống bán buôn lớn.

5. Gucci

Giá trị thương hiệu: 6,4 tỷ USD, giảm 14%.

Doanh thu của Gucci tăng trưởng chậm trong quý 4 năm ngoái, tuy nhiên, “chậm” ở đây mang tính tương đối. Năm 2011, doanh thu của Gucci là 3,2 tỷ euro, tăng 18% so với năm 2010 & cũng tăng một tỉ lệ tương đương trong quý I năm nay. 56% doanh số của Gucci do các sản phẩm đồ da mang lại.

Gucci đang đổ tiền thiết kế lại những cửa hiệu lớn, lắp đặt những màn hình số. Không giống những thương hiệu xa xỉ khác vốn bị ám ảnh thứ văn hóa bí mật về bản thân, tập đoàn hàng xa xỉ Pháp PPR, chủ sở hữu của Gucci lại rất thực tế về mục đích điều hành Gucci khi họ mua lại Gucci năm 2004.

Tập đoàn này tập trung làm truyền thông cho tất cả các nhãn hiệu của họ (trong đó có Puma và Volcom) và họ cũng rất quan tâm tới chuỗi cung ứng từ nhà xưởng đến cửa hiệu do họ sở hữu hoặc kiểm soát.

4. Chanel

Giá trị thương hiệu: 6,7 tỷ USD, giảm 2%.

Trong những năm 1970, sau cái chết của nhà thiết kế tài năng Coco Chanel, hãng Chanel tự cứu bản thân bằng cách cắt giảm danh sách nhà phân phối nước hoa Chanel No. 5 từ 18.000 xuống còn 12.000, chính vì vậy, khiến dòng nước hoa này trở nên khó kiếm và được nhiều khách hàng ao ước sở hữu hơn.

Chanel và nhà thiết kế chính của mình, Karl Lagerfeld, đã làm việc vất vả để giữ cho sản phẩm của họ là hàng độc (chẳng hạn như họ không bán trực tuyến một số sản phẩm) và công ty này có doanh thu hàng năm khoảng 1,8 tỷ euro. Tuy nhiên, công ty này mở rộng những thương hiệu của họ ra thị trường đại chúng, như với nhãn hiệu phụ Coco Mademoiselle dành cho phụ nữ trẻ.

Giống nhiều thương hiệu xa xỉ, Chanel cũng mở những cửa hiệu mới ở châu Á, và nhà thiết kế Lagerfeld đặc biệt chú ý tới Nhật Bản nơi Chanel có một cửa hiệu ở quận Ginza.

3. Rolex

Giá trị thương hiệu: 7,2 tỷ USD, tăng 36%.

Rolex đồng hành với các môn thể thao như đua ngựa, golf, đua xe, trượt tuyết, quần vượt và lướt ván. Tất cả các môn thể thao này đều được giới siêu giàu ưa chuộng và thực sự Rolex là chiếc đồng hồ được ưa chuộng nhất trong giới có thu nhập ròng 5 triệu USD/năm, theo báo cáo của Luxury Institute (một tổ chức chuyên bình chọn những thương hiệu sang trọng trên toàn thế giới).

Rolex phần lớn quảng cáo báo chí và tài trợ cho các tay vợt như Roger Federer, Ana Ivanovic, Andy Roddick và Justine Henin, tuy nhiên họ cũng quảng cáo trên kênh ESPN trong suốt các giải quần vợt lớn.

2. Hermes

Giá trị thương hiệu: 19,2 tỷ USD, tăng 61%.

Bí mật quản trị của Hermes được giữ trong gia đình. Tháng 6/2013, Axel Dumas sẽ trở thành đồng Tổng Giám đốc điều hành của Hermes bên cạnh CEO hiện tại là Patrick Thomas. Dumas là hậu duệ đời thứ 6 của gia tộc Hermes.

Tập đoàn này tự xem mình là người bảo vệ cho sự sáng tạo và khéo léo. Hermes chỉ có 328 cửa hiệu trên toàn thế giới.

1. Louis Vuitton

Giá trị thương hiệu: 25,9 tỷ USD, tăng 7%.

Chiến lược của Louis Vuitton là chỉ đồng hành với những ngôi sao kinh điển và biểu tượng của thế giới. Chiến dịch quảng cáo mới của LV có sự xuất hiện của huyền thoại quyền Anh Muhammad Ali. Một chiến dịch quảng cáo của LV vừa kết thúc đã tung ra hình ảnh nữ minh tinh Angelina Jolie, ngồi trên một chiếc thuyền ở Campuchia. Để quảng cáo cho thương hiệu của mình, LV cũng sử dụng hình ảnh của những nhân vật nổi tiếng như: Mikhail Baryshnikov với Annie Leibovitz; Pelé với Diego Maradona và Zinedine Zidane; và Ali Hewson với Bono. Yves Carcelle, CEO của Louis Vuitton tin rằng LV là nhãn hiệu xa xỉ gắn với du lịch.

LV kiểm soát việc phân phối sản phẩm thông qua chuỗi 1.200 cửa hiệu. Điều ngạc nhiên là tăng trưởng thực sự của thương hiệu này đến từ châu Á, Nhật và Nam Mỹ, doanh số bán hàng ở châu Âu và Mỹ hiện lại trì trệ hơn.

 

Theo Vef

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

fifteen + 17 =

To Top