Connect with us

Vì sao Beeline lặng lẽ?

Tin trong nước

Vì sao Beeline lặng lẽ?

Năm 2011, số lượng thuê bao thực đang hoạt động của Beeline chưa đạt đến con số 100.000 thuê bao, giảm tới 20 lần so với cuối năm ngoái.

Lâu rồi người tiêu dùng không được chứng kiến những đợt quảng bá rầm rộ, thu hút thuê bao của mạng di động từng được coi là “kẻ khuấy động” thị trường viễn thông Việt Nam – Beeline.

Gần đây nhất, mạng di động này cũng chỉ lặng lẽ thực hiện chương trình khuyến mại thường nhật như các mạng khác là tặng 50-100% giá trị thẻ nạp cho khách hàng nạp tiền vào mỗi thứ 3 hàng tuần kéo dài đến hết ngày 30/11.

Thuê bao giảm tới 20 lần!

Trên kệ hàng bán sim thẻ điện thoại của chị Nguyễn Thị Lan trên phố Chùa Láng, Đống Đa, gần 30 chiếc sim điện thoại Beeline phủ bụi nằm gọn lỏn một chỗ. Chị Lan bảo, lâu lắm rồi không bán được một chiếc sim nào, không như thời gian đầu mới ra (tháng 7- 8/2009 – PV), gói cước nội mạng rẻ và hấp dẫn quá, sinh viên hai trường Ngoại thương và Ngoại giao ồ ạt ra mua, nhiều hôm cháy hàng.

Thực tế, đến giờ, cước nội mạng trả trước của Beeline nếu so sánh với các mạng khác thì gần như rẻ nhất. Gói cước “vô địch rẻ” – Big Zero có mức cước nội, ngoại mạng là 1.199 đồng/phút, trong đó cuộc gọi nội mạng được miễn phí từ phút thứ 2 với thời gian tối đa là 20 phút và không giới hạn cuộc gọi. Gói cước tiếp theo Big&Kool còn hấp dẫn và rẻ hơn, với mức cước 900 đồng/phút cho tất cả các thuê bao gọi nội mạng và ngoại mạng.

Thế nhưng Beeline vẫn “chìm”!

Trong khoảng gần nửa năm trở lại đây, cái tên Beeline rất hiếm khi được nhắc đến trên thị trường viễn thông và qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đã nhiều lần VnEconomy liên hệ với lãnh đạo Beeline để tìm hiểu kế hoạch đầu tư, phát triển của hãng trong thời gian tới, nhưng đều nhận được phúc đáp “lãnh đạo chủ chốt về nước và chưa trả lời được”.

Sự “chìm” xuống của Beeline được thể hiện rõ nhất qua số lượng thuê bao hiện nay. Nếu như chỉ sau hơn hai tháng khi ra mắt gói Big Zero, mạng này công bố đã phân phối được 2 triệu sim ra thị trường và 1 triệu sim đã kích hoạt. Sau đó nửa năm, Beeline tiếp tục cho biết đã có 2 triệu thuê bao đang sử dụng dịch vụ. Các mạng lớn cũng xác nhận có khoảng hơn 1 triệu thuê bao của Beeline thường xuyên gọi sang.

Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của VnEconomy, đến thời điểm hiện tại, năm 2011, số lượng thuê bao thực đang hoạt động của Beeline chưa đạt đến con số 100.000 thuê bao, giảm tới 20 lần so với cuối năm ngoái.

Có nhiều nguyên nhân để giải thích sự sụt giảm trên như sự cạnh tranh của các thương hiệu lớn, các chính sách khuyến mại của các mạng khác hấp dẫn hơn, sự phát triển của Beeline chưa đồng bộ… Tuy nhiên, lời giải thích chân thực nhất từ rất nhiều khách hàng mà VnEconomy khảo sát là “chất lượng cuộc gọi của Beeline kém, nhiều nơi ngay trong thành phố cũng không gọi được và thường xuyên mất mạng”.

Lại cần một “cơ chế mới”?

Phải thừa nhận, nếu có đủ tiềm lực để nhanh chóng tăng tốc phát triển hạ tầng mạng thì có thể nói cái tên Beeline “rất đáng gờm” với bất kỳ nhà mạng nào tại Việt Nam.

Xét ở góc độ kinh doanh, sau một thời gian ngắn ra mắt trên thị trường, mạng di động này đã tạo ra một khả năng nhận biết thương hiệu rất cao và toàn diện bằng một loạt chiến lược tiếp thị, marketing qua các phương tiện truyền thông, đồng thời cũng rầm rộ xây dựng độ phủ thương hiệu tại các kênh bán hàng, các biển quảng cáo ngoài…

Theo kết quả bình chọn của người tiêu dùng “TVC được yêu thích nhất” trên các tạp chí Marketing và Thành Đạt, kết quả nghiên cứu thị trường của CBI & FTA, chỉ sau hai tháng ra mắt, mức độ nhận biết thương hiệu của Beeline đạt tới 78%.

Nhờ tốc độ và hiệu ứng nhận biết thương hiệu trên, cộng với gói cước nội mạng hấp dẫn nhất – rẻ nhất so với tất cả các mạng khác, nên số lượng thuê bao của Beeline nhanh chóng đạt 1 triệu – tốc độ phát triển nhanh nhất nhì so với các mạng khác cùng thời điểm đó.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc của Tập đoàn Viettel lúc đó đã tỏ ra lo ngại rằng, gói cước nội mạng của Beeline có thể “phá vỡ” thị trường viễn thông của Việt Nam. Vì thế, đề nghị áp giá sàn cước di động từ các mạng lớn đã liên tiếp được kiến nghị lên Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tuy nhiên, do “cạn” nguồn vốn nên Beeline đã không mở rộng, đẩy mạnh phát triển hạ tầng mạng lưới của mình được. Cũng có thông tin cho rằng, do thị trường cạnh tranh khốc liệt và khó cạnh tranh với các mạng lớn nên đối tác ngoại của mạng Beeline là Tập đoàn VimpelCom của Nga, liên danh với Công ty Cổ phần Viễn thông di động Toàn Cầu (Gtel Mobile) đang có ý định xin rút vốn.

Khi thành lập mạng Beeline, tỷ lệ góp vốn của Vimpelcom là 40% và của Gtel là 60%. Nhưng mới đây, dự thảo nghị định Luật Viễn thông mà Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ, quy định nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu quá 30% vốn điều lệ của một doanh nghiệp viễn thông Việt Nam.

Theo tìm hiểu của VnEconomy, lý do không phải vì thị trường viễn thông Việt Nam quá khắc nghiệt, hay phía Vimpelcom “cạn” vốn. Thực tế, Vimpelcom từng đề nghị được cấp thêm vốn, nhưng nếu chỉ mình Vimpelcom tăng vốn thì doanh nghiệp ngoại này sẽ nắm quyền chi phối. Vì thế, điều này đã không xảy ra.

Hướng đi thứ hai là cả hai bên cùng tăng vốn đối ứng, trong đó phía Gtel vẫn nắm tỷ lệ phần trăm cao hơn. Tuy nhiên, một nguồn tin không chính thức tiết lộ, Công ty Cổ phần Viễn thông di động Toàn Cầu thiếu khả năng về nguồn tài chính. Chính vì vậy, kế hoạch phát triển mạng lưới như ban đầu mà Beeline đề ra đã bị trì hoãn lại.

Như vậy, lý do thị trường quá khắc nghiệt và không thể cạnh tranh có lẽ chưa đúng với Beeline. Hướng mở cho Beeline phát triển trong thời gian tới hoặc là cả hai bên cùng đẩy mạnh tăng vốn đầu tư phát triển nhanh hạ tầng mạng lưới.

Hoặc, cũng như mạng S-Fone cách đây không lâu đã phải xin chuyển từ hợp doanh sang liên doanh, là phải thay đổi qui định cơ chế góp vốn thì Beeline mới có thể kỳ vọng tiếp tục phát triển ở thị trường viễn thông Việt Nam.

Theo vneconomy 

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

3 + 9 =

To Top