Connect with us

Từ ý tưởng ‘ngu ngốc nhất’ cho đến công ty triệu USD

Tin quốc tế

Từ ý tưởng ‘ngu ngốc nhất’ cho đến công ty triệu USD

Abigail Forsyth cảm thấy “sợ hãi” trước thực trạng mỗi năm có hàng tỷ cốc cà phê sử dụng một lần bị vứt bỏ tại các bãi rác.Cô bị chê bai khi đưa ra ý tưởng sản xuất loại cốc có thể tái sử dụng.

Khi Abigail Forsyth lần đầu tiên nảy ra ý tưởng làm và bán cốc cà phê có khả năng tái sử dụng, một trong những nhà thiết kế đầu tiên cô tiếp cận nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ không quan tâm chút nào đến sáng kiến đó.

“Ông ấy nói với tôi rằng đó là ý tưởng ngu ngốc nhất mà từng biết”, Abigail nhớ lại.

Mọi chuyện cũng không có nhiều tiến triển khi cô đến gặp một nhà sản xuất tiềm năng. “Ông ấy nói đó chỉ là một cái cốc thôi. Có rất nhiều thứ được làm ra, thông minh và hữu dụng hơn sản phẩm của cô nhiều, họ thậm chí còn không bán chúng”.

Đó là năm 2008, tại thành phố Melbourne, Australia. Abigail và em trai cùng nhau xây dựng ý tưởng về KeepCup. Lý do là họ cảm thấy “sợ hãi” trước thực trạng mỗi năm có hàng tỷ cốc cà phê sử dụng một lần bị vứt bỏ tại các bãi rác.

Họ biết mức độ trầm trọng của thực trạng này vì cả hai đã cùng vận hành một chuỗi cửa hàng cà phê nhỏ trong 10 năm. Họ quyết tâm làm điều gì đó để cải thiện tình hình.

Thay vì cảm thấy chán nản và thất vọng về thái độ tiêu cực của mọi người xung quanh, Abigail cho biết chúng lại khiến cô quyết tâm hơn trong quá trình hiện thực hóa tham vọng của bản thân.

“Đó chính là những lời nhắc nhở đối với tôi”, cô chia sẻ.

Tính đến thời điểm hiện tại, KeepCup đã bán hơn 10 triệu sản phẩm cốc cà phê cho khách hàng trên toàn thế giới. Công ty ước tính họ giúp ngăn chặn khoảng 8 tỷ sản phẩm cốc không phân hủy bị vứt thẳng vào các thùng rác.

Sinh ra tại Glasgow nhưng lớn lên tại Melbourne, Abigail ban đầu theo đuổi sự nghiệp luật sư. Sau 4 năm đảm nhiệm công việc này, cô quyết định tìm hướng đi mới. Sau đó, cô đã tham gia vào lĩnh vực kinh doanh chuỗi cà phê.

Khi hai chị em bắt đầu thực hiện những bước thiết kế đầu tiên cho sản phẩm cốc nhựa mang thương hiệu KeepCup, Abigail cho biết Jamie chính là người đưa ra ý kiến rằng sản phẩm của công ty phải trông thật bắt mắt, với các tông màu sáng là chủ đạo.

“Jamie luôn nói rằng các sản phẩm phải trông thật cuốn hút và tôi cũng bổ sung thêm chúng phải thật bền”, cô nói.

Lô cốc đầu tiên được sản xuất vào đầu năm 2009. Họ chính thức ra mắt sản phẩm tại hội chợ thiết kế ở thành phố quê nhà Melbourne. Abigail cho biết các sản phẩm cốc của công ty nhanh chóng thu hút sự chú ý của người tham dự. Họ bán được tổng cộng 1.000 sản phẩm chỉ trong 6 giờ.

“Tại hội chợ đó, người tham dự rất quan tâm đến thiết kế của sản phẩm”, cô chia sẻ. “Nhiều người còn nói với tôi rằng họ thậm chí còn chẳng biết đó là gì nhưng vẫn muốn sở hữu một sản phẩm cho riêng mình”.

Với đa dạng các kích cỡ sản phẩm, từ 120 ml cho những ai thích cà phê espresso cho đến 474 ml cho những ly cà phê sữa đá mát lạnh và nước ép hoa quả, KeepCup bắt đầu phân phối sản phẩm cho các quán cà phê và trực tiếp đến tay các khách hàng có nhu cầu thông qua website của công ty.

Ngoài ra, công ty còn bán sản phẩm cho khách hàng doanh nghiệp, trong đó phải kể đến hãng hàng không Qantas nổi tiếng của Australia và ngân hàng trung ương Anh.

Doanh số của công ty tăng dần theo từng năm, do sản phẩm của công ty được nhiều người tin tưởng và họ tiếp tục giới thiệu cho nhiều người khác. KeepCup cũng tích cực tham gia các hội chợ thương mại. Doanh thu hàng năm của công ty được công bố ở mức hơn 5 triệu USD.

Công ty phát triển một cách tự nhiên mà không cần đến sự tham gia của các nhà đầu tư bên ngoài. Trong năm 2014, Abigail đã mua lại toàn bộ cổ phần của người em trai, hiện đã tách ra và đang điều hành công ty sản xuất hộp đựng đồ ăn BeetBox.

Để luôn giữ được tôn chỉ bảo vệ môi trường, tất cả công đoạn sản xuất sẽ được đặt hoàn toàn tại hai thị trường chính của công ty là Australia và Anh. Điều này giúp hạn chế sự ô nhiễm môi trường gây ra bởi quá trình vận chuyển thành phẩm nếu như hoạt động sản xuất được đặt tại Trung Quốc hoặc một vài quốc gia có chi phí sản xuất thấp khác.

Tất cả bao bì sản phẩm đều được làm từ những nguyên liệu có thể tái chế hoặc những nguyên liệu đã đạt được chứng nhận của Forest Stewardship (một tổ chức đánh giá tác động môi trường). Bên cạnh đó, các văn phòng của công ty tại Melbourne và London cũng được trang bị hệ thống điện năng lượng mặt trời, và công ty cam kết sẽ quyên góp 1% doanh thu cho những dự án giúp bảo vệ môi trường, sau khi tham gia chiến dịch “the global 1% For The Planet”.

Paul Klymenko, giám đốc điều hành nhóm hành động vì môi trường tại Australia, Planet Ark, cho biết “trong hơn một thập kỷ qua, KeepCup luôn tiên phong trong việc sản xuất ra những sản phẩm không những có chất lượng tốt mà còn có khả năng tái sử dụng, đóng góp lớn cho sự hình thành của nền kinh tế tái tạo”.

Ông cũng cho biết thêm rằng công ty “đã tạo ra những sản phẩm mà người sử dụng muốn dùng chúng lần này qua lần khác, quá đó giảm thiểu lượng rác thải phát thải ra môi trường và sự khai thác tài nguyên thiên nhiên ví dụ như cây cối”.

Quay trở lại với KeepCup, Abigial cho biết công ty “cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực” của dịch bệnh Covid-19. Trong khi phần lớn các cửa hàng cà phê tại hai thị trường chủ lực đã phải đóng cửa, nhiều cửa hàng khác vẫn chưa có thói quen sử dụng các loại cốc có thể tái sử dụng của công ty.

“Xu hướng tái sử dụng chắn chắn sẽ phát triển”, cô chia sẻ.

“Nhiều khách hàng đã liên lạc vào khuyến khích chúng tôi tiếp tục đấu tranh để giảm thiểu lượng rác thải dùng một lần. Họ nhấn mạnh rằng những sản phẩm dùng một lần không có nghĩa là chúng sẽ an toàn hơn, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh này”.

Cô cũng khuyến cáo rằng các khách hàng của KeepCup nên luôn giữ cho sản phẩm được sạch sẽ và khô ráo khi không sử dụng.

Abigail cho biết cô muốn KeepCup được mọi người nhìn nhận với tư cách là một doanh nghiệp đã “kết liễu” sự phổ biến của các sản phẩm cốc nhựa dùng một lần.

Cô chia sẻ thêm: “Nhiều người đã nói với tôi rằng ‘làm sao mà cô có thể xây dựng một doanh nghiệp với chỉ một sản phẩm duy nhất là cốc?’ nhưng tôi nghĩ rằng nó giống như một chiếc chìa khóa, giúp mở ra những tranh luận xung quanh vấn đề phát triển bền vững và rác thải. Nó cho phép mọi người có quyền tự do quyết định về những điều đúng đắn nên làm”.

Theo NDH

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

5 + 17 =

To Top