Connect with us

Tôi ra đây có phải xưng danh “tập đoàn”?

Tin trong nước

Tôi ra đây có phải xưng danh “tập đoàn”?

Tình trạng các công ty tự phong “tập đoàn” sẽ chấm dứt khi Dự thảo về tiêu chí đặt tên tập đoàn, tổng công ty của Thủ tướng Chính phủ được thông qua.

Trên cả ba sàn chứng khoán HoSE, HNX và Upcom hiện có gần 30 doanh nghiệp (DN) có từ “tập đoàn” trong tên gọi. Tuy nhiên, nếu tính theo quy định 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ (dự thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tiêu chí đặt tên “tập đoàn”, “tổng công ty”) thì chỉ có 5 DN đạt chuẩn, gồm: Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Tập đoàn MSN (MSN), Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Tập đoàn Đại Dương (OGC) và Tập đoàn Hoa Sen (HSG).

Trong khi đó, có 62 DN trên sàn có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy, đối với đa số DN lớn, việc có chữ tập đoàn trong tên gọi hay không không phải là điều quan trọng.

Nhiều DN dù không có chữ tập đoàn ở trước tên công ty nhưng luôn được biết đến là những tập đoàn kinh doanh lớn, như: Hoàng Anh Gia Lai (Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai – HAG), Tân Tạo (Công ty CP Đầu tư công nghiệp Tân Tạo – ITA), FPT (Công ty CP FPT), Kinh Đô (Công ty CP Kinh Đô – KDC)…

Và tất nhiên là các DN này đều thừa tiêu chuẩn để có từ “tập đoàn” trong tên gọi. Ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc Công ty FPT, cũng khẳng định, “danh vị tập đoàn không có gì quan trọng đối với FPT, cũng chỉ là danh xưng thôi”.

Hiện tại, công ty mẹ FPT đóng vai trò là holding, sở hữu hơn 10 công ty con và mỗi công ty đảm trách một nhiệm vụ khác nhau.

Trong nhóm các công ty con của FPT có những công ty rất mạnh, chẳng hạn Công ty CP Hệ thống thông tin FPT chiếm hơn 50% thị phần trong mảng tích hợp hệ thống.

Nếu bỏ qua tiêu chí về vốn điều lệ và chỉ thống kê theo tên, thì số lượng DN có gắn chữ “tập đoàn” trên sàn chứng khoán sẽ lên đến con số 30.

Số lượng tập đoàn không đủ chuẩn theo dự thảo chiếm tỷ lệ “áp đảo” (gấp 5 lần) so với tập đoàn đủ chuẩn phần nào.

Đi sâu vào hoạt động của những DN này mới thấy rất hiếm có DN có bản chất tập đoàn. Chẳng hạn, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (HDG) có vốn điều lệ hơn 400 tỷ đồng, vốn hóa hơn 500 tỷ đồng cũng có một số công ty con, công ty liên kết.

Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm, Hà Đô chỉ đạt gần 450 tỷ đồng doanh thu và chưa đến 40 tỷ đồng lợi nhuận ròng. Hay Công ty CP Tập đoàn Dầu khí An Pha có vốn điều lệ xấp xỉ 230 tỷ đồng, đang niêm yết tại HoSE với mã chứng khoán ASP.

Thoạt nghe qua tên của ASP, nhiều người có thể nghĩ đây là một thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nhưng thực chất ASP là một công ty tư nhân trong ngành phân phối khí hóa lỏng.

Chín tháng năm 2011 ASP lỗ hơn 9 tỷ đồng. Rồi Công ty CP Tập đoàn Mai Linh Bắc Trung bộ (MNC) vốn chỉ vỏn vẹn 70 tỷ đồng, nhưng đến nay giá cổ phiếu đã giảm xuống dưới 5.000 đồng và giá trị vốn hóa chỉ hơn 30 tỷ đồng…

Một chuyên gia tài chính cho rằng, sở hữu những công ty con không quá khó, nên rào cản này không cần bàn sâu. Quy định về vốn điều lệ hiện nay có thể là khá hợp lý, vì số lượng DN có vốn 1.000 tỷ đồng chưa nhiều.

Tuy nhiên, với đà phát triển của nền kinh tế cũng như tốc độ tăng vốn của các DN, vài năm nữa, số lượng “DN nghìn tỷ” sẽ tăng lên. Xu hướng này cũng đồng nghĩa với việc sẽ xuất hiện ngày một nhiều tập đoàn hơn.

Giá để trở thành tập đoàn sẽ “rẻ” hơn và lúc này tình trạng “vàng thau lẫn lộn” sẽ lại xảy ra. Cũng không loại trừ trường hợp nhiều DN lý ra là tập đoàn thì lại tìm cách “né” để khỏi đứng chung hàng với tập đoàn “ảo”.

Vì vậy, sau quy định về vốn điều lệ, cần tiến đến những ràng buộc chặt chẽ hơn nữa về các yếu tố khác liên quan đến kinh doanh, tài chính, thương hiệu, thậm chí cả về sổ sách kế toán. Trong trường hợp lấy vốn điều lệ làm tiêu chí thì có thể nghiên cứu để điều chỉnh tăng dần theo thời gian.

Theo quan điểm của TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, những “tập đoàn” không đủ chuẩn theo quy định nhất thiết phải đổi tên.

Cần tránh để tình trạng loạn tập đoàn vì sẽ gây nhiễu cho nhà đầu tư và cho cả bộ phận DN. Với những nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm, nhận diện những tập đoàn không thực chất là khá đơn giản khi chỉ cần xem báo cáo tài chính, hoặc hỏi nhân viên môi giới. Bên cạnh đó, chính danh xưng “tập đoàn” cũng đã khiến không ít DN phải trả giá.

Có không ít DN muốn đổi tên, gắn chữ tập đoàn nhằm mục đích “hoành tráng hóa” quy mô của mình, bên cạnh đó là tham vọng đầu tư đa ngành nghề.

Theo DNSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

20 − eighteen =

To Top