Connect with us

Tìm tên cho hạt gạo Việt Nam

Tình huống thương hiệu

Tìm tên cho hạt gạo Việt Nam

Trong các hội chợ lương thực quốc tế, trong khi các nước Thái Lan, Ấn Độ và cả Campuchia đều tự hào quảng cáo các thương hiệu gạo của họ thì Việt Nam... im lặng vì không có gì để khoe. Con đường tìm thương hiệu cho gạo Việt Nam quá truân chuyên vì nhiều bế tắc từ khâu sản xuất đến xuất khẩu.

Vô danh xứ người

Theo GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, sở dĩ gạo của Việt Nam tuy xuất khẩu nhiều nhưng vẫn chưa được đánh giá cao là do không có thương hiệu, trong khi gạo Thái Lan dù có nhiều thương hiệu gạo nổi tiếng nhưng khi xuất khẩu, Thái Lan chỉ dùng một giống gạo duy nhất là Jasmine, còn Ấn Độ có gạo Basmati…

Tại Hội chợ Thương mại Lương thực diễn ra vào tháng 5 vừa qua tại Bangkok, riêng Thái Lan đã có mười mấy thương hiệu gạo được giới thiệu, ngay cả Campuchia cũng có 8 thương hiệu, trong khi Việt Nam không có thương hiệu nào được đem đi quảng bá.

Cũng theo lý giải của giáo sư, một trong những nguyên nhân khiến gạo Việt Nam chưa có thương hiệu đặc trưng là do 90% DN xuất khẩu chỉ mua gạo từ thương lái chứ không có vùng nguyên liệu chủ động sản xuất, ngay cả Tổng công ty Lương thực là đơn vị đầu tàu, có quyền cấp phép xuất khẩu gạo cho các DN, cũng không có vùng nguyên liệu.

“Để có lời, các thương lái thường đi thu gom các giống lúa về trộn lại với nhau nên khi xuất khẩu không có một giống lúa nguyên chủng nào để đăng ký thương hiệu”, GS. Xuân giải thích. Thực tế, khoảng 70% gạo xuất khẩu của Việt Nam là loại 25% tấm (loại phẩm cấp thấp, có giá thấp) và ngay cả loại gạo 5% tấm của Việt Nam cũng kém xa Thái Lan và Ấn Độ cả về chất lượng và giá cả.

Một yếu tố nữa khó khăn cho việc lựa chọn giống để trồng là các thương lái thường đánh đồng gạo cao cấp giá cao với gạo trung bình nên việc chuyên tâm tìm giống lúa tốt để trồng cũng không được nông dân chú trọng.

Không chỉ xuất khẩu, ngay tại thị trường trong nước, việc xây dựng thương hiệu cho gạo cũng khó khăn. Mặc dù trên thị trường hiện có hàng trăm loại gạo khác nhau nhưng giống hỗn tạp từ nguồn nguyên liệu sản xuất đến thu mua đóng gói.

Theo báo cáo khảo sát chương trình “Cùng nông dân ra đồng” của Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang: “Việt Nam chưa có điều kiện để xây dựng thương hiệu lúa gạo trên thế giới, cũng như trong nước vì chưa có bộ giống lúa quốc gia tiêu chuẩn. Mặc dù có định hướng của Nhà nước nhưng nông dân thường tự quyết định loại giống sẽ trồng do lo ngại về vấn đề tiêu thụ”.

Bên cạnh đó, do nông dân canh tác trên đất nhỏ lẻ, quy mô sản xuất nhỏ nên chất lượng hạt lúa không đồng đều. Thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch còn nhiều bất cập, dẫn đến tỷ lệ thất thoát cao và không bảo đảm chất lượng. Nông dân phải tự lo máy gặt đập liên hợp (hiện nay đa số nông dân sử dụng máy gặt đập liên hợp khi thu hoạch), bốc xếp và phương tiện vận chuyển lúa.

Thực tế, một số nơi sản xuất không đảm bảo kỹ thuật canh tác, dẫn tới chất lượng không đảm bảo, bị pha tạp nên DN khó thu mua, xuất khẩu và người sản xuất phải chấp nhận bán với giá thấp. Trong khi đó, DN Việt Nam cũng không có khả năng dự trữ lúa gạo lâu dài, lại phải chịu áp lực từ lãi suất ngân hàng nên phải bán nhanh, dẫn đến giá giảm…

Một khó khăn khác, theo đại diện của Công ty AG, là khi làm thương hiệu cho gạo, giá thành sẽ cao hơn nên khó cạnh tranh. Chẳng hạn, AG đang xây dựng thương hiệu cho gạo mầm (hạt đỏ) giống độc quyền của AG và chỉ trồng được ở vùng Bảy Núi – An Giang nên giá thành cao, gấp đôi gạo lứt, nên số lượng bán ra vẫn chưa nhiều.

Bắt đầu từ đâu?

Theo chuyên gia tư vấn thương hiệu Đoàn Đình Hoàng: “Muốn một sản phẩm có thương hiệu thì trước hết sản phẩm đó phải ổn định chất lượng và gắn với với một vùng nguyên liệu đủ lớn. Ví dụ gạo Hải Hậu được ưa chuộng và rất ngon nhưng do sản lượng ít nên không đủ cung cấp trên thị trường. Và trước nhu cầu người mua ngày một nhiều, các thương lái đã pha trộn các loại gạo khác nên làm mất uy tín thương hiệu”.

Vì vậy, nói như GS. Võ Tòng Xuân, muốn có thương hiệu cho gạo thì phải tạo ra một chuỗi giá trị, trong đó quan trọng nhất là DN xuất khẩu gạo phải làm chủ được nguồn nguyên liệu.

“Hiện nay, DN nào cũng có thể thu mua gạo về bỏ bao xuất khẩu sẽ dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán, phá giá. Mà hạ giá thì chỉ có thể gian lận hoặc giảm chất lượng lúa”, GS. Xuân bức xúc.

Theo ông, muốn làm được điều này thì phải tạo cho người nông dân yên tâm sản xuất để họ không phải chạy theo biến động của thị trường. Chẳng hạn, với một giống lúa tốt phải thu hoạch sau 4 tháng nhưng khi gặt lúa bán không được, nông dân lại chuyển sang giống lúa ngắn ngày hơn dù chất lượng gạo không cao.

Do vậy, phải có sự phối hợp tổng lực của nhiều đơn vị, tổ chức, trong đó ngân hàng phải làm đòn bẩy tín dụng để đồng tiền được đến trực tiếp tay người nông dân, không qua trung gian, bên cạnh đó phải xây dựng được tổng kho để bảo quản lúa thu hoạch và có đơn vị dự báo thị trường để định hướng sản xuất, đặc biệt thị trường đầu ra phải bền vững.

Hiện nay, gần như Việt Nam chưa có thị trường nào xuất khẩu ổn định, năm nay xuất khẩu sang Philippines, sau lại Trung Quốc, Nhật…, và mỗi thị trường lại yêu cầu một loại gạo khác nhau nên rất khó sản xuất.

Chia sẻ thêm về cách làm thương hiệu, chuyên gia Đoàn Đình Hoàng cho rằng, lâu nay, Việt Nam xây dựng thương hiệu cho hạt gạo trên một “lộ trình ngược”, nghĩa là nông dân tự quyết định trồng loại gì, giống gì, tiêu chuẩn dựa trên cảm tính từ nhu cầu bấp bênh của thị trường.

Vì vậy, nông dân không thể đơn độc xây dựng thương hiệu được, mà Chính phủ, cùng các bộ, ngành, địa phương và nông dân cần hiệp lực, phải có Hiệp hội đứng ra làm nhạc trưởng mới có cơ hội thành công.

Theo kinh nghiệm của Columbia, mỗi một DN xuất khẩu cà phê khi xuất khẩu sẽ phải trích lại một khoản tiền tương ứng số lượng xuất để làm truyền thông cho thương hiệu và số tiền này giao cho Hiệp hội thực hiện.

GS. Võ Tòng Xuân cũng chia sẻ: “Tôi rất thích cách làm của Nhật vì lúc nào người nông dân cũng trồng trọt theo đúng lịch thời vụ. Lý do là chính quyền đã nghiên cứu kỹ và hướng dẫn nông dân làm theo, nếu không thành công, nông dân có quyền kiện chính quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cũng tâm đắc cách xây dựng thương hiệu gạo của Thái Lan, nghĩa là chú trọng từ khâu giống, nông dân chỉ sử dụng giống xác nhận, không như Việt Nam, nông dân chỉ sử dụng lúa thu hoạch để làm giống cho vụ sau nên thường lẫn nhiều loại giống.

“Các DN xuất khẩu gạo Việt Nam cũng nên áp dụng các cách làm này để chọn lọc những thương hiệu gạo đặc trưng để có một chiến lược quảng bá, làm thương hiệu cho gạo Việt Nam?”, ông Phong đặt vấn đề.

Theo DNSG

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

five × 2 =

To Top