Connect with us

Thị trường cà phê hòa tan: Ai Thắng?

Tình huống thương hiệu

Thị trường cà phê hòa tan: Ai Thắng?

Cuộc chiến giành thị phần của các thương hiệu cà phê hòa tan tại Việt Nam có lẽ chưa bao giờ nguội. Để giữ thị phần, các doanh nghiệp liên tục đưa ra thị trường sản phẩm mới, đẩy mạnh quảng cáo, khuyến mãi trực tiếp đến người tiêu dùng. Câu chuyện của Công ty Cổ phần Vinacafe Biên Hòa là một điển hình.

Từ đầu năm, thấy sức mua thị trường kém, Vinacafé Biên Hòa phải liên tục tăng mức chiết khấu và đẩy mạnh các chương trình quảng cáo, khuyến mãi cho người tiêu dùng để tăng thị phần. Họ cũng đẩy mạnh nghiên cứu và đưa ra thị trường 2 sản phẩm mới là Wake-up café Sài Gòn 3in1 và café Phinn uống liền 2in1. Tung ra sản phẩm mới là việc không thể không làm khi các đối thủ truyền thống là Trung Nguyên, Nestlé liên tục trình làng sản phẩm mới lên các kệ hàng, đồng thời nhiều đối thủ mới xâm nhập thị trường.

Tính đến năm 2011, chỉ riêng 3 ông lớn Vinacafe, Nestlé và Trung Nguyên đã chiếm đến 82% thị trường cà phê hòa tan. Vinacafé chiếm vị trí số một với khoảng 33%, Nestlé sát nút với 31% và Trung Nguyên 18%.

Hiện tại, thị phần của năm 2013 chưa được cập nhật. Tuy nhiên, theo Cộng đồng khảo sát trực tuyến Vinaresearch (Công ty W&S), nhãn hiệu đang được sử dụng nhiều nhất là Trung Nguyên chiếm 26,3% thị trường; Vinacafé Biên Hòa, 22,8% và Nestle, 21,7%. Mặc dù 3 vị trí dẫn đầu không có nhiều xáo trộn nhưng miếng bánh của 3 ông lớn này đã giảm đáng kể, đánh dấu sự xâm lấn của các nhãn hàng mới.

Phần trăm tỉ lệ sử dụng cà phê hòa tan theo Nghiên cứu W&S

Cuộc đua tung sản phẩm mới, tăng đầu tư và quảng cáo khiến chi phí bán hàng của Vinacafe Biên Hòa tăng 89% so với cùng kỳ năm ngoái dẫn đến lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay giảm 25% so với cùng kỳ. Vừa qua, Công ty đã xin cổ đông giảm 46% lợi nhuận sau thuế trong kế hoạch. Trong Đại hội cổ đông thường niên năm 2013, đại diện Vinacafé Biên Hòa cho biết, Công ty đã đầu tư vào nhà máy cà phê hòa tan Long Thành với công suất 3.200 tấn/năm, đủ cung cấp cho thị trường trong nước. Rõ ràng, Vinacafe đang xác định giành thị phần mới là mục tiêu hàng đầu trong thời điểm này, chứ chưa phải lợi nhuận.

Thị trường cà phê hòa tan được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng. Theo nghiên cứu mới nhất của Nielsen Việt Nam, năm 2012 ngành cà phê hòa tan tăng đến 34% về giá trị so với năm 2011. Con số này chỉ vào khoảng 7,9% vào năm 2003-2008, theo nghiên cứu của Euromonitor.

Vẫn nuôi hy vọng lấn sân vào thị trường cà phê hòa tan, giữa tháng 11, Công ty Ajinomoto Công ty chuyên sản xuất bột ngọt đã cho ra đời dòng sản phẩm cà phê Birdy hòa tan dạng gói dành cho phái nữ. Đây được cho là một nỗ lực mới của Ajinomoto sau khi sản phẩm cà phê lon Birdy của công ty này ra mắt không thành công vào năm 2008. Sản phẩm này có thể sẽ cạnh tranh với cà phê Passiona dành cho nữ của Trung Nguyên.

Cho đến thời điểm này, thị trường cà phê hòa tan vẫn tiếp tục nóng và người tiêu dùng sẽ vẫn còn chứng kiến sự ra đời của dòng sản phẩm mới từ 3 thương hiệu mạnh này. Cuộc rượt đuổi thị phần vẫn đang tiếp tục.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

twenty + 16 =

To Top