Connect with us

“Thấm đòn” khủng hoảng

Tin trong nước

“Thấm đòn” khủng hoảng

Dù đã đã cố gắng cầm cự, tìm mọi cách để vượt qua khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng đối với nhiều doanh nghiệp, “ngưỡng chịu đựng” đã vượt qua giới hạn. 

Trả lại mặt bằng, thu hẹp sản xuất kinh doanh, sa thải bớt công nhân là cách làm của nhiều doanh nghiệp trong thời gian gần đây.

Hệ lụy…

Có những dự án từng được đánh giá là khả thi và hiệu quả nay đang “lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan” vì những ảnh hưởng bất lợi của thị trường.

Trung tâm Nguyên phụ liệu dệt may, da giày Liên Anh rộng 16 héc ta, ở Bình Dương được thành lập vào năm 2009, với tổng vốn đầu tư lên đến 12 triệu đô la Mỹ, đã từng được kỳ vọng sẽ là cầu nối giúp doanh nghiệp da giày, dệt may dễ dàng hơn khi thực hiện những đơn hàng xuất khẩu. “Chúng tôi đã đóng cửa giải thể trung tâm vì kinh doanh không có lời”, bà Trương Thị Thúy Liên, Phó giám đốc Công ty TNHH Liên Anh, nói với TBKTSG vào đầu tuần qua. Trung tâm nguyên phụ liệu dệt may được thiết kế có 650 gian hàng chuẩn, nhưng từ khi khai trương cho đến ngày đóng cửa chỉ có vài gian hàng hoạt động. Chợ nguyên phụ liệu dệt may, với diện tích 11.000 mét vuông đã được doanh nghiệp này chuyển thành kho bãi cho thuê.

Việc đóng cửa Trung tâm Nguyên phụ liệu dệt may Liên Anh, theo giải thích của bà Liên, là do thói quen làm hàng xuất khẩu theo phương thức FOB, doanh nghiệp tự mua nguyên phụ liệu và chào bán những sản phẩm tự thiết kế của doanh nghiệp, còn quá thấp. Ngành dệt may, da giày của Việt Nam chủ yếu vẫn nhận nguyên phụ liệu từ những nhà nhập khẩu về gia công lại, chiếm khoảng 70% số lượng hàng xuất khẩu mỗi năm. Hàng xuất khẩu dệt may có giá trị cao được xuất khẩu theo phương thức FOB chỉ chiếm 30%. “Ngoài yếu tố này, cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài gần hai năm qua, khiến nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày đóng cửa đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của trung tâm”, bà Liên nói. Theo phân tích của một chuyên gia trong ngành dệt may, thời điểm 2009, tỷ lệ làm hàng gia công theo đặt hàng của của ngành dệt may đã giảm đáng kể. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, thực hiện những đơn hàng FOB với giá trị gia tăng cao hơn. Thời gian đó, việc thành lập các trung tâm nguyên phụ liệu dệt may là điều cần thiết để phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp.

Nhưng từ giữa năm 2010 đến nay, việc kinh doanh bắt đầu khó khăn, lãi suất tăng cao, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm vốn thực hiện những đơn hàng. Để tồn tại, nhiều doanh nghiệp buộc phải quay lại nhận nguyên phụ liệu, mẫu mã của đối tác về gia công. Vì thế số doanh nghiệp thực hiện được những đơn hàng FOB đã giảm mạnh trong vòng hai năm qua.

Cầm cự trong khó khăn…

Dù đã đã cố gắng cầm cự, tìm mọi cách để vượt qua khó khăn, nhưng đối với nhiều doanh nghiệp, “ngưỡng chịu đựng” đã vượt qua giới hạn. Giám đốc Công ty May Bình Hòa, ông Phùng Đình Ngọ, cho biết công ty ông từ 600 công nhân sau nhiều lần tinh giản hiện chỉ còn 100 công nhân. “Chúng tôi không còn đủ năng lực để thực hiện những đơn hàng trực tiếp từ các đối tác xuất khẩu. Công ty giữ lại được số công nhân này là nhờ những công ty may lớn chia lại đơn hàng cho mình…”, ông Ngọ nói. Đã có quá nhiều kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng thực tế không như mong đợi. Nhiều doanh nghiệp đã chán nản trước thực trạng của môi trường kinh doanh hiện tại. Ông Ngọ dẫn chứng, trước đây doanh nghiệp nhập nguyên phụ liệu từ nước ngoài về có thể đưa xe tải nhỏ vào cảng rút hàng, nhưng quy định hiện tại buộc doanh nghiệp phải kéo cả container về công ty. Điều này đã gây khó cho doanh nghiệp nhỏ, vì số lượng hàng nhập khẩu ít, doanh nghiệp phải chịu chi phí vận chuyển cao từ cảng về công ty. Chưa kể, doanh nghiệ p bị phạt vì vận chuyển hàng vượt tải trọng khi qua những cây cầu trong nội đô TPHCM. “Tôi dẫn chứng điều này để thấy, những giải pháp hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp phần nhiều nằm trên giấy. Những khó khăn cụ thể của doanh nghiệp nhiều lần kiến nghị như vụ việc trên vẫn bị bỏ qua”, ông bức xúc.

Cái khó của những doanh nghiệp nhỏ là vẫn loay hoay tìm cách tồn tại và tìm cách phá sản… an toàn nhất. Giám đốc một doanh nghiệp trong ngành nhựa ở Bình Chánh, TPHCM, cho hay ông đã muốn giải thể, xin phá sản công ty từ lâu, nhưng tài sản giá trị nhất là mặt bằng nhà xưởng hơn 1.000 mét vuông đã bị thế chấp ở ngân hàng. Ông than, “bán nhà xưởng cũng không được vì giá quá thấp so với thời tôi bỏ tiền ra mua, chuyển nhượng cho người khác cũng không đủ tiền trả vốn lẫn lãi cho ngân hàng. Thôi thì từ từ xoay trở…”. Vị giám đốc trên cũng cho hay, hơn 70% diện tích nhà xưởng của công ty đã được cho thuê lại, công ty của ông cũng chỉ còn vài chục công nhân hoạt động cầm chừng.

Hàng hóa sản xuất ra không bán được, hàng tồn kho lớn, chi phí đầu vào tăng cao… đã khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khốn đốn. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho tính đến ngày 1-7-2011 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16% so với cùng thời điểm năm trước. Những ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 92,4%; sản xuất giày dép tăng 39,9%; sản xuất sợi và dệt vải tăng 33,7%; sản xuất thức ăn gia súc tăng 38,4%; các sản phẩm khác từ plastic tăng 21,7%…

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng bắt đầu tạm ngừng triển khai dự án, thu hẹp sản xuất, thậm chí là chuyển nhượng nhà xưởng và chấm dứt dự án. Trước tình hình thu hẹp sản xuất của nhiều doanh nghiệp Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp, Khu chế xuất TPHCM (Hepza) đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Ưu tiên hàng đầu hiện nay của doanh nghiệp là tìm vốn để cầm cự và vượt qua khó khăn, ông Lê Anh Tuấn, Phó ban Quản lý Hepza, cho biết hiện Hepza đã liên lạc với các quỹ hỗ trợ của TPHCM nhằm tìm nguồn vốn giá rẻ cho doanh nghiệp. “Chúng tôi cố gắng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn bằng cách giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp nhanh nhất có thể”, ông Tuấn cho hay.

Tất cả mọi thủ tục hành chính đều được rút ngắn hết mức, từ việc cấp phép đầu tư, xây dựng, lao động nước ngoài, hoàn công… nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí, tập trung xử lý việc kinh doanh. “Có những chính sách thuế gây khó cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay. Nếu không muốn nói là quá vô lý. Bữa ăn của người công nhân vẫn bị đóng thuế…”, ông Tuấn cho hay. Cụ thể, những doanh nghiệp chuyên cung cấp suất ăn cho công nhân trong khu công nghiệp đều bị đánh thuế VAT 10%. Mức thuế này được doanh nghiệp tính vào chi phí bữa ăn cho công nhân, suất ăn công nhân vốn đã teo tóp ở thời bão giá, mức thuế này càng làm khổ họ hơn.

Theo TBKTSG

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

10 + six =

To Top