Connect with us

Thách thức cho mô hình Groupon ở Việt Nam

Tình huống thương hiệu

Thách thức cho mô hình Groupon ở Việt Nam

Mô hình nhiều người tiêu dùng cùng mua hàng hóa, dịch vụ trực tuyến tại cùng một thời điểm để hưởng ưu đãi đã trở thành một trào lưu trong thời gian gần đây ở Việt Nam, với sự tham gia của nhiều nhà cung cấp. 

Mô hình này được đánh giá là mang lại lợi ích thiết thực Win-Win-Win: người mua được giá rẻ (được giảm giá 30-90% so với bình thường), người bán đạt được mục tiêu quảng cáo trực tuyến hoặc giải phóng nhanh lượng hàng tồn kho trước khi tung ra một đợt hàng mới, còn nhà cung cấp dịch vụ thì hưởng chiết khấu từ lượng khách hàng lớn. Do đặc thù của thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam, mô hình này vẫn gặp không ít khó khăn, xuất phát từ hai vấn đề muôn thuở: thanh toán và giao nhận.

Sự thành công của trang web áp dụng mô hình mua sắm cộng đồng Groupon ở Mỹ đã mở ra xu hướng phát triển mới cho thương mại điện tử toàn cầu. Mô hình Groupon có nền tảng ban đầu là ThePoint.com do Andrew Mason thành lập vào năm 2008. ThePoint hoạt động dựa trên nguyên lý khi có một số lượng đủ lớn người quan tâm đến một vấn đề nào đó thì sẽ xảy ra hành động thực hiện việc đó, ví dụ: xem phim, chơi nhạc, đi du lịch… Sau 18 tháng hoạt động, dù đạt được số lượng người sử dụng kha khá, nhưng doanh thu (chủ yếu từ quảng cáo) vẫn không khả quan. Khi ThePoint chuẩn bị đóng cửa thì một sự đột phá ý tưởng đã xảy ra, doanh nhân Andrew Mason đã chuyển hướng áp dụng nguyên lý nói trên vào các hoạt động mua một sản phẩm/dịch vụ nào đó. Sau đó trang web này đổi tên site thành Groupon (Groupon = Group + Coupon, kết hợp giữa yếu tố khuyến mãi và yếu tố cộng hưởng số đông). Càng có nhiều người đồng loạt mua một món hàng hay dịch vụ thì họ càng được hưởng mức khuyến mãi lớn.

Cuối năm 2010, Groupon đã được Google đề nghị mua với giá 5,3 tỉ đô la Mỹ nhưng những nhà điều hành doanh nghiệp này đã từ chối. Groupon dự định sẽ phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) trong vài năm tới với mức chào bán ước tính 25 tỉ đô la. Groupon cũng được xem là một trong những công ty mới được thành lập (startup) đạt giá trị trên 1 tỉ đô la trong thời gian ngắn nhất (18 tháng kể từ ngày ThePoint chuyển thành Groupon). Theo thống kê sơ bộ, hiện trên thế giới có hơn 500 mô hình học theo nguyên lý của Groupon (thường gọi là Groupon Clone), trong đó có thể kể đến LivingSocial, BuyWithMe… Tạp chí TechCrunch cho biết, doanh thu của Groupon tại Mỹ chỉ riêng trong tháng 2-2011 đạt 103 triệu đô la, tăng 12.5% so với doanh số của tháng Giêng.Ở Việt Nam, trong vòng một năm trở lại đây, mô hình kinh doanh này đã được áp dụng khá rộng rãi với sự ra đời của rất nhiều trang web, như phagia.com.vn (Phá giá) của mạng xã hội PhuNuNet, muachung.vn (Mua chung) của VC Corp và cucre.vn (Cực rẻ) của công ty vatgia.com, nhommua.com (Nhóm mua) của công ty diadiem.com, hotdeal.vn… hay mới nhất là godeal.vn vừa được cho ra mắt hồi tháng Hai năm nay.

Những thách thức không nhỏ

Học theo kinh nghiệm của Groupon tại Mỹ, trong quá trình phát triển, mô hình kinh doanh này ở Việt Nam cũng đã có những thuận lợi nhất định, cụ thể là sự chấp nhận của người sử dụng. Loại hình dịch vụ này đã đáp ứng đúng nhu cầu mua hàng giá rẻ trong thời buổi giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao. Bên cạnh đó, các trang web kể trên kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ khá đa dạng do có nhiều nhà cung cấp đồng thời cạnh tranh với nhau. Một yếu tố thuận lợi khác không thể không nhắc đến, xuất phát từ tâm lý đám đông ở thị trường Việt Nam, là nhiều người sử dụng Internet khi thấy có nhiều người đặt mua hàng hóa, dịch vụ thì họ cũng tham gia dù có thể chưa có nhu cầu thực sự ngay lúc đó.

Tuy nhiên, xuất phát từ nền tảng ban đầu là thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn đang chập chững nên loại hình kinh doanh này cũng còn gặp không ít khó khăn.

Đầu tiên là hai vấn đề muôn thuở: thanh toán và giao nhận. Thanh toán đóng vai trò rất quan trọng trong mô hình Groupon theo cả hai chiều từ người mua đến người bán và ngược lại. Theo nguyên lý, nếu số lượng người mua không đủ lớn như mong đợi của người bán thì mức khuyến mãi không đạt được, khi đó nhà cung cấp dịch vụ phải hoàn tiền lại cho khách hàng. Thật không đơn giản khi phải hoàn tiền cho hàng ngàn khách hàng nếu không có phương tiện thanh toán điện tử tốt. Ở Việt Nam, phần lớn các nhà cung cấp dịch vụ theo mô hình Groupon đang chú trọng vào việc tăng trưởng hàng hóa, dịch vụ khuyến mãi và sử dụng phương pháp giao hàng-thu tiền tại chỗ. Phương pháp truyền thống này có điểm hạn chế ở tính tiện lợi khi thanh toán và hoàn tiền như đã nói trên, bên cạnh đó, còn bị giới hạn về địa lý và làm tăng chi phí vận hành của nhà cung cấp dịch vụ.

Một khác biệt lớn khác là mức độ uy tín của người bán tại Việt Nam chưa cao như ở Mỹ, châu Âu hoặc các quốc gia có nền thương mại điện tử phát triển trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc nên khi khách hàng sử dụng phiếu khuyến mãi, đặc biệt ở mảng dịch vụ, họ thường không được các nhân viên phục vụ chu đáo. Không ít trường hợp khách hàng than phiền về chất lượng phục vụ đối với các dịch vụ đặt mua theo nhóm và điều này đã xảy ra ngay cả với các thương hiệu. Đôi khi, hàng hóa và dịch vụ không được đúng hoàn toàn như cam kết, thường bị giảm bớt về những quyền lợi mà khách được chủ động lựa chọn (options). Điểm khó nhất ở đây là các nhà cung cấp dịch vụ lại không thể đại diện cho người bán để cam kết chất lượng. Do đó, chất lượng phục vụ của các doanh nghiệp tham gia mô hình Groupon sẽ quyết định sự hài lòng của khách hàng cá nhân đối với dịch vụ. Cũng không ít trường hợp khách hàng e ngại bẫy mua sắm, nếu số người tham gia giao dịch không đủ như yêu cầu của người bán mà dịch vụ lại không hoàn tiền (đã đóng trước) thì họ có thể phải mua những mặt hàng khác mà họ không muốn hoặc với giá cao hơn.

Một khía cạnh cần lưu ý khác là an toàn giao dịch. Đây là một vấn đề chung của tất cả các mô hình Groupon trên thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Với việc phát hành phiếu khuyến mãi do nhà cung cấp dịch vụ đảm trách chứ không phải doanh nghiệp, nói chung sẽ khó khăn cho doanh nghiệp khi xác thực phiếu khuyến mãi. Đề tài này đã được tranh luận nhiều ở thị trường Mỹ, có nhiều cách để tạo thành phiếu khuyến mãi giả trong trường hợp số seri là liên tục. Còn nếu số seri là ngẫu hứng thì doanh nghiệp sẽ mất khá nhiều thời gian và công sức để có thể xác thực ngay lập tức với nhà cung cấp dịch vụ khi họ nhận về phiếu khuyến mãi từ tay khách hàng.

Khi khách hàng đăng ký thông tin tại các trang web cung cấp dịch vụ thì thông tin này phải được cam kết bảo mật tốt và không cung cấp ra ngoài cho các doanh nghiệp đối tác của nhà cung cấp dịch vụ. Nếu không lưu ý tốt việc này thì dễ dẫn đến trường hợp thông tin cá nhân của khách hàng (số điện thoại, địa chỉ thư điện tử e-mail, địa chỉ liên lạc…) bị chia sẻ ra bên ngoài và khách sẽ phải chịu những phiền toái như thư rác (spam mail), tin nhắn rác (spam SMS)…

Xu hướng mang tính toàn cầu

Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều mô hình kinh doanh đi theo con đường của Groupon như LivingSocial, BuyWithMe… nhưng khoảng cách đến thành công thì còn cách xa Groupon. Đa số các công ty đi sau tạo dấu ấn (footprint) theo hai hướng chính. Thứ nhất, tập trung vào một vùng địa lý nhất định, ví dụ: cung cấp các mặt hàng khuyến mãi tốt nhất cho một thành phố nhất định và tập trung phát triển tốt nhất thị trường ngách (niche market) đó. Thứ hai, nhà cung cấp dịch vụ tập trung vào một số mặt hàng, dịch vụ nhất định mà họ có lợi thế nhiều nhất.Rõ ràng là về nguyên tắc thì nguyên lý của Groupon có thể áp dụng tại bất kỳ đâu cho bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào, do đó, tin chắc là các công ty đi sau vẫn có thể tạo được những thị trường ngách nhất định. Tuy nhiên, để tạo thành một điểm đến duy nhất để người sử dụng có thể tìm được tất cả các mặt hàng khuyến mãi, tại bất kỳ nơi đâu thì lại là một bài toán quá khó, ngay cả với Groupon như lời nhận xét của nhà sáng lập Andrew Mason.Từ đó, đã xuất hiện mô hình Mega Groupon, là những dịch vụ tổng hợp lại các trang Groupon khác nhau cho khách hàng, để họ có thể đến một điểm mà có thể xem được hết các hàng hóa, dịch vụ đang được khuyến mãi tại Groupon, LivingSocial hay BuyWithMe.

Đến đây, chúng ta có thể hiểu tại sao Google lại định trả đến 5,3 tỉ đô la để mua Groupon hồi năm rồi. Công cụ tìm kiếm hàng đầu như Google chính là nơi tốt nhất để làm Mega Groupon. Bạn hãy hình dung có thể lên Google Map, chọn tìm kiếm hàng khuyến mãi, và tìm ra ngay nơi nào trong vòng bán kính 3km tại khu vực bạn ở đang có khuyến mãi sôi nổi nhất.

Còn Groupon thì lại đang đi theo hướng phát triển công cụ Groupon Mobile (http://www.groupon.com/mobile), không chỉ tiện lợi cho khách hàng có thể tìm kiếm và mua các mặt hàng, dịch vụ khuyến mãi ngay trên điện thoại của mình mà thay vì sử dụng phiếu khuyến mãi bình thường, họ có thể sử dụng phiếu khuyến mãi điện tử (digital coupon) được lưu ngay trên điện thoại. Ở thị trường Việt Nam, mảng điện thoại di động đang được các doanh nghiệp viễn thông tập trung phát triển. Từ đó, có thể kỳ vọng rằng nhà cung cấp dịch vụ theo mô hình Groupon nào chiếm lĩnh thị trường di động trước sẽ chiến thắng trong cuộc đua này.

Thị trường mua hàng trực tuyến theo nhóm thật sự đầy tiềm năng và đang mang lại những lợi ích cho cộng đồng khách hàng thương mại điện tử. Tuy nhiên, vẫn còn không ít vấn đề mà các nhà cung cấp dịch vụ phải cạnh tranh với nhau và làm ngày càng tốt hơn để có thể chiếm được lòng tin của khách hàng – chỉ đến khi đó thì mô hình Groupon mới là một trào lưu thật sự và bền vững ở Việt Nam.

Theo Nguyễn Hoàng Ly – TBKTSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 × 1 =

To Top