Connect with us

Sức hút bệnh viện

Tình huống thương hiệu

Sức hút bệnh viện

Với tỉ suất lợi nhuận tới 25%, mô hình kinh doanh bệnh viện cao cấp đang hấp dẫn các nhà đầu tư.

Nhận kết quả con trai 7 tuổi bị ung thư máu, thay vì điều trị tại Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP.HCM, nơi đã chẩn đoán, anh Hồ Ngọc Hải ở quận 1, TP.HCM quyết định đưa con sang Singapore chữa trị. “Bệnh viện trong nước chật chội, tù túng. Không chắc bác sĩ trong nước có thể điều trị tốt. Do đó tôi quyết định như vậy, mặc dù tổng chi phí các đợt điều trị tại Singapore lên tới hơn 1,5 tỉ đồng”, anh nói.

Đây chỉ là trường hợp điển hình của hàng trăm chuyến xuất ngoại khám chữa bệnh của người dân trong nước với các lý do như cơ sở hạ tầng bệnh viện trong nước không đảm bảo, chất lượng phục vụ thấp, khả năng chuyên môn không cao.

Lãi ròng 25%/năm

Theo Bộ Y tế, năm 2010, cả nước có khoảng 1.043 bệnh viện nhưng không đủ đáp ứng số lượng bệnh nhân khám, điều trị nội và ngoại trú hằng năm lên tới hơn 10,1 triệu lượt người. Còn theo thống kê của tổ chức Business Monitor International, BMI (Anh), năm 2010, Việt Nam đạt tỉ lệ 1,75 giường bệnh/1.000 người dân so với mức lần lượt là 14; 8,6 và 2,2 của Nhật, Hàn Quốc và Thái Lan.

Hiện nay một bộ phận người dân có mức thu nhập cao vẫn đi khám chữa bệnh ở Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông hoặc Thái Lan. Bộ Y tế ước tính, hằng năm có hơn 30.000 người Việt Nam ra nước ngoài khám chữa bệnh, làm chảy máu ngoại tệ hơn 1 tỉ USD.

Trước tình hình đó, một số nhà đầu tư đã và đang triển khai các dự án bệnh viện cao cấp nhằm đáp ứng nhu cầu.

Hoạt động từ tháng 3.2003, Bệnh viện FV ở Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM, có số vốn đầu tư qua nhiều giai đoạn lên tới hơn 60 triệu USD. Ông Jean Marcel Guillon, Tổng Giám đốc FV cho biết, từ năm 2007, bệnh viện đã bắt đầu có lãi và tiếp tục tăng trưởng cả về số lượng bệnh nhân lẫn doanh thu. Năm 2012, FV dự kiến tiếp nhận khoảng hơn 230.000 bệnh nhân. “Doanh thu năm 2011 của FV khoảng hơn 35 triệu USD và dự kiến cho năm 2012 là gần 40 triệu USD”, ông nói.

FV đạt điểm hòa vốn sau 5 năm hoạt động và ngày càng ăn nên làm ra với giá cả dịch vụ khá cao. Tháng 4.2011, ông Phạm Văn Minh, một Việt kiều Úc 69 tuổi, nhập viện trong tình trạng suy đa chức năng. Sau 10 ngày điều trị tại phòng săn sóc đặc biệt, tổng chi phí ông phải trả lên tới gần 500 triệu đồng. Giám đốc Tài chính một công ty bảo hiểm nhân thọ Mỹ tại Việt Nam và cũng là khách hàng của FV, cho biết: “Mức lãi trước thuế và trả lãi vay của FV có thể vào khoảng 35%, nên lãi ròng sẽ là xấp xỉ 25%/năm”.

Các nhà đầu tư nước ngoài sau khi thành công tại Singapore đang nhìn vào tiềm năng thị trường Việt Nam, nhất là khi thị trường Singapore có khả năng sớm bão hòa. Năm 2011, ông Tan See Leng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Parkway, từng tuyên bố Trung Quốc và Việt Nam sẽ là 2 điểm đến ưu tiên trong chiến lược phát triển ra nước ngoài. Parkway sẽ vận hành bệnh viện Quốc tế Thành Đô tại quận Bình Tân, TP.HCM, vốn đầu tư khoảng 80 triệu USD, khi công trình này đi vào hoạt động trong quý I/2013 với 319 giường bệnh. Bệnh viện đặt mục tiêu phục vụ hơn 60.000 bệnh nhân nội và ngoại trú có mức thu nhập trung và cao trong năm đầu hoạt động, sau đó sẽ tăng lên gấp đôi trong năm 2014. “Chúng tôi sẽ có mức giá dịch vụ cạnh tranh với chất lượng phục vụ cao để hướng tới mục tiêu có lãi sau 3-4 năm hoạt động”, ông David Yip, Phó Chủ tịch phụ trách Tài chính của Tập đoàn mẹ Hoa Lam-Shangri-La, cho biết. Sau khi bệnh viện đầu tiên đi vào hoạt động, nếu điều kiện thuận lợi, chủ đầu tư cho hay sẽ tiếp tục triển khai bệnh viện thứ hai trong năm 2013.

Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài, một số doanh nhân trong nước cũng quyết định đầu tư vào mảng này. Ngày 7.1.2012, Tập đoàn Vingroup đã đưa vào hoạt động Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec tại Hà Nội. Đây là mô hình bệnh viện – khách sạn có vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Tháng 5.2011, Bệnh viện An Sinh Hà Nội, vốn đầu tư gần 2.000 tỉ đồng, quy mô 500 giường cũng đã được khởi công và dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2013.

Đại diện một quỹ đầu tư từ Nhật (không muốn nêu tên) dự báo, từ năm 2015, với hoạt động của hơn 10 bệnh viện cao cấp trên cả nước, tổng doanh thu ngành này có thể đạt khoảng 500 triệu USD.

 

Thuận lợi song hành thách thức

Những năm gần đây, nhằm thực hiện chính sách xã hội hóa y tế, Chính phủ đã sửa đổi nhiều khung pháp lý để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này. Thuế thu nhập doanh nghiệp trong đầu tư y tế chỉ là 10% thay vì 25%; miễn thuế 4 năm cho doanh nghiệp mới thành lập và giảm 50% thuế trong 5 năm tiếp theo. Một số loại dự án mở rộng, xây dựng bệnh viện cũng được ưu đãi với mức vốn vay tối đa tới 70% tổng vốn dự án. Ngoài ra, theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập bệnh viện 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh với đối tác Việt Nam.

Những thuận lợi này càng tạo thêm lực hút đối với các nhà đầu tư bên cạnh nhu cầu khám chữa bệnh đang tăng.

Tuy nhiên, thách thức cũng không ít. Kết quả xếp hạng của BMI trong quý IV/2011 về môi trường đầu tư trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và dược phẩm tại 18 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương cho thấy Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn. Theo đó, Việt Nam ở vị trí 14, thuộc nhóm rủi ro cao của khu vực. Lạm phát cao, đồng nội tệ giảm giá so với USD và tình trạng gia tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu dược phẩm sẽ tiếp tục là những yếu tố làm cho môi trường đầu tư trong nước kém hấp dẫn.

Chính vấn đề lãi suất cao đã làm khó cho không ít dự án đầu tư, mở rộng bệnh viện thời gian qua. Cuối năm 1999, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ (TP.HCM) ra đời với 30 giường bệnh. Đến năm 2004-2005, bệnh viện vay 22 triệu USD đề đầu tư phát triển. Lãi suất lên cao, Hoàn Mỹ điêu đứng vì nợ và chỉ thoát khỏi cảnh phá sản khi VinaCapital và Ngân hàng Dut Deutz (Đức) mua lại cổ phần và đứng ra trả nợ thay.

Bên cạnh đó, thủ tục hành chính chồng chéo, kéo dài tại Việt Nam cũng là một cửa ải làm nản lòng chủ đầu tư.

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

13 − three =

To Top