Connect with us

Sữa nước và cuộc đua đàn bò

Tình huống thương hiệu

Sữa nước và cuộc đua đàn bò

Nếu như thị trường sữa bột đang thuộc về các công ty nước ngoài, thì thị trường sữa nước lại thuộc về khối nội. Và cuộc đua về số lượng đàn bò chính là yếu tố quyết định ai sẽ thắng trong cuộc chơi này.

Giữa tuần vừa qua, Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (Tập đoàn VinaCapital) và Công ty Daiwa PI Partners (Nhật) đã công bố đầu tư 45 triệu USD để trở thành cổ đông lớn nhất, nắm 70% vốn Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (IDP). IDP là đơn vị có dòng sản phẩm chủ đạo mang thương hiệu Ba Vì, gồm sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng và sữa chua.

IDP được thành lập năm 2004, sở hữu Nhà máy Sữa Chương Mỹ (cách trung tâm thủ đô Hà Nội 25 Km về phía tây) và Nhà máy Sữa Ba Vì (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội). Tuy IDP không phát triển đàn bò mà chỉ hợp tác với hộ nông dân để thu mua sữa nguyên liệu, nhưng động thái của VinaCapital Vietnam Opportunity Fund và Daiwa PI Partners một lần nữa cho thấy sức hấp dẫn của ngành sữa Việt nam.

Trước đó, vào đầu tháng 11.2014, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho biết Công ty Cổ phần Sữa TH True Milk cũng đã mua lại thành công hơn 5,35% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt (Dalatmilk), với mức giá khởi điểm lên tới 40.000 đồng/cổ phần.

Hấp dẫn từ đàn bò

Khoan bàn đến thương vụ IDP, việc một doanh nghiệp không chiếm thị phần đáng kể và kết quả kinh doanh cũng chưa ấn tượng như Dalatmilk vẫn tạo được sức hút là khá thú vị. Thực tế, giai đoạn 2011-2013, Dalatmilk chỉ lãi có vài trăm triệu đồng. Năm 2013, công ty này thậm chí còn lỗ 8,6 tỉ đồng. Vậy mà theo Công ty Rồng Việt, trước khi TH True Milk chốt được thương vụ, Vinamilk cũng từng tiến hành đàm phán mua lại Dalatmilk và đã gần đi đến thỏa thuận quan trọng; nhưng cuối cùng lại không thành công.

Báo cáo của Rồng Việt cho thấy, điểm thu hút của Dalatmilk chính là vùng chăn nuôi bò của công ty này. Dù thương hiệu chưa mạnh, nhưng Dalatmilk hiện sở hữu trên 2.800 con bò các loại, 800 con dê giống thịt cùng với hơn 3.330 ha đất nông nghiệp.

Với những doanh nghiệp trong ngành sữa Việt Nam, việc mua lại doanh nghiệp sữa khác hoặc mở rộng các trang trại nuôi bò sẽ không có gì khó hiểu nếu nhìn vào chuỗi cung ứng. Hiện nguồn cung nguyên liệu để sản xuất sữa từ đàn bò trong nước (khoảng 200.000 con) chỉ có thể cung cấp khoảng 456.000 tấn sữa nguyên liệu, đạt 28% tổng nhu cầu cho sản xuất sữa của cả nước.

Phần còn lại tất nhiên sẽ phải nhập khẩu. Trong năm 2013, Việt Nam đã nhập khoảng 1,2 triệu tấn sữa bột nguyên liệu, tương đương với giá trị là 841 triệu USD. Nhập khẩu nhiều trong khi chi phí sữa nguyên liệu chiếm 65-70% tổng chi phí đầu vào, rõ ràng mong muốn tự chủ nguồn cung để ổn định nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp sữa là dễ hiểu.

Như Vinamilk, việc phát triển vùng nguyên liệu bằng cách nuôi bò luôn là mối quan tâm lớn nhất của Công ty trong những năm qua. Tuy bắt đầu thành lập các nông trại từ năm 2007, đến nay, Vinamilk cũng mới chỉ có khoảng 9.000 con bò sữa.

Ðầu năm nay, ban lãnh đạo Vinamilk cho biết trong giai đoạn 2014-2015, Vinamilk tiếp tục đưa vào hoạt động thêm 4 trang trại tại Tây Ninh, Hà Tĩnh và Thanh Hóa nhằm gia tăng đàn bò. Tháng 9 vừa qua, công ty này tiếp tục bắt tay với Tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư trang trại quy mô 80.000 con bò sữa, 45.000 con bò thịt với tổng mức đầu tư lên đến 11.000 tỉ đồng. Theo đó, Vinamilk thỏa thuận hợp tác với Đức Long Gia Lai trên lĩnh vực nhập con giống, chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, đào tạo kỹ sư, bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Bước đầu, dự án tập trung đầu tư tại 3 tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai.

Những bước đi vừa qua của Vinamilk là không khó để lý giải trong bối cảnh sự cạnh tranh đang ngày càng gay gắt. Có thể kể đến như TH True Milk. Dù chỉ mới hoạt động chưa đầy 4 năm, nhưng TH True Milk hiện đã có khoảng 45.000 con bò, sản xuất 400 tấn sữa tươi mỗi ngày và có thể phát triển lên khoảng 140.000 con trong 3 năm tới.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành, động thái mua lại số cổ phần Dalatmilk của TH True Milk không chỉ đơn thuần giúp doanh nghiệp này có thêm được vùng nguyên liệu, mà còn ngăn cản sự phát triển của đối thủ lớn nhất là Vinamilk.

Một tay chơi khác cũng đang nổi lên là Nutifood. Công ty này vừa bắt tay nhận bao tiêu toàn bộ lượng bò sữa của Hoàng Anh Gia Lai với khoảng 120.000 con bò sữa, khi dự án nuôi bò tập đoàn này hoàn thành vào năm 2017.Theo thông tin Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức, hiện những chú bò sữa đầu tiên của Hoàng Anh Gia Lai đang chuẩn bị đáp chuyên cơ từ Úc về cảng hàng không Đà Nẵng; sau đó sẽ được vận chuyển lên trang trại ở Gia Lai.

Không chỉ doanh nghiệp trong nước, ngay cả Friesland Campina Vietnam (doanh nghiệp đứng thứ hai sau Vinamilk về thị phần sữa nước) cũng đang lên kế hoạch mở rộng bằng việc khởi công xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa tại xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam vào tháng 7.2014.

Theo kế hoạch, dự kiến đến năm 2018, Friesland Campina Vietnam sẽ xây dựng được 3 vùng chăn nuôi bò sữa tập trung. Trong đó, mỗi vùng sẽ có khoảng 50 trang trại chăn nuôi bò sữa, sản xuất tối thiểu 7 triệu kg sữa mỗi năm. Mỗi trang trại chăn nuôi sau 5 năm tham gia dự án sẽ có đàn bò sữa đạt quy mô từ 50-80 con, có đất trồng cỏ và ngô để cung cấp đủ thức ăn cho đàn bò.

Gia tăng đàn bò để giảm phụ thuộc vào nguồn bột sữa nhập khẩu có lẽ là một trong những mục tiêu quan trọng của doanh nghiệp ngành sữa. Tuy nhiên, đó có thể mới chỉ là một phần câu chuyện.

Tăng trưởng doanh thu ngành sữa chủ yếu nhờ vào hai mảng chính là sữa bột và sữa nước, chiếm 74% tổng giá trị thị trường, tương đương 45,9 ngàn tỉ đồng. Trong bối cảnh sữa bột đã nằm gần hết trong tay nước ngoài (75% thị phần) do hầu hết người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng trả giá cao cho những thương hiệu ngoại, cơ hội của các doanh nghiệp sữa Việt Nam có lẽ sẽ là ở phân khúc sữa nước.

Theo Euromonitor, sữa nước hiện đóng góp 29% trong giá trị ngành sữa Việt Nam, tương đương 18.000 tỉ đồng và đạt sản lượng 670.000 tấn trong năm 2013.Là nhóm sản phẩm lớn thứ hai trong ngành sữa, phân khúc sữa nước được dự báo sẽ đạt giá trị 34.000 tỉ đồng trong năm 2017. Ước tính, sản lượng sữa nước khi đó sẽ đạt 1.000.000 tấn.

Tại Vinamilk, tỉ trọng sữa nước trên tổng doanh thu cũng đang tăng dần trong những năm gần đây, từ 31% trong năm 2008 lên mức 35% trong năm 2013. Vinamilk hiện cũng nắm giữ 49% thị phần sữa nước, xếp trên Friesland Campina Vietnam với 26%. Tuy nhiên, cuộc đua sắp tới ở phân khúc sữa nước sẽ rất thú vị khi có nhiều tay chơi mới xuất hiện; cùng với sự bùng nổ nguồn cung sữa tươi nguyên liệu theo sau cuộc đua gia tăng số lượng đàn bò.

Lợi thế của cuộc chơi

Thực tế cho thấy, từ trước đến nay, nguồn cung sữa tươi trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất sữa nước, do đó 70% sữa nước hiện được sản xuất từ sữa hoàn nguyên. Trong khi đó, nhu cầu sữa tiệt trùng UHT và sữa thanh trùng (hai loại sữa nước) lại ngày càng tăng cao nhờ sự thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với các sản phẩm bổ dưỡng hơn.

Trong một lần trả lời câu hỏi của NCÐT về việc tại sao không tăng lượng nguyên liệu nhập khẩu thay vì đầu tư nuôi bò, Chủ tịch Mai Kiều Liên của Vinamilk cho rằng nhu cầu về sữa tươi trong xã hội phát triển là tất yếu; và để làm ra sữa tươi tiệt trùng hay sữa chua thì đòi hỏi 100% nguyên liệu phải là sữa tươi được vắt ra từ bò. Ngoài ra, đầu tư nuôi bò còn vì định hướng của Vinamilk là nâng cao chất lượng sản phẩm sữa tươi trong nước. Đây dường như cũng là động lực chính khiến các công ty trong ngành gia tăng đàn bò sữa. Sức hấp dẫn của Dalatmilk hay IDP trong mắt các nhà đầu tư có lẽ cũng nằm ở yếu tố này.

Xu hướng gia tăng đàn bò sữa cũng thể hiện ở trường hợp thành công của TH True Milk. Dù mới gia nhập thị trường nhưng nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu bò sữa cùng thông điệp sữa “tươi sạch” nguyên chất, TH True Milk đã chiếm được tình cảm của người tiêu dùng. Theo Euromonitor, hiện TH True Milk nắm khoảng 7,7% thị phần sữa nước ở Việt Nam.

Từ câu chuyện của TH True Milk có thể thấy rằng, yếu tố quan trọng để có thể cạnh tranh được trong mảng sữa nước là phải đảm bảo nguồn cung sữa tươi. Và muốn có sữa tươi thì không gì khác là phải làm chủ được đàn bò.

Đây có lẽ cũng là lý do khiến Nutifood, vốn là một doanh nghiệp tham gia thị trường ngách với những sản phẩm sữa bột chuyên biệt cũng quyết định xây nhà máy sản xuất sữa nước khi có nguồn bò sữa từ Hoàng Anh Gia Lai.

“Cơ hội là quá lớn và Nutifood không thể không đón nhận”, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Nutifood chia sẻ với NCÐT khi được Hoàng Anh Gia Lai chọn làm đối tác bao tiêu toàn bộ lượng sữa bò trong tương lai. Theo ông Hải, nếu không có đàn bò của Hoàng Anh Gia Lai, chắc chắn Nutifood sẽ không thể bước chân vào lĩnh vực sữa tươi.

Bên cạnh việc giúp doanh nghiệp gia tăng khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực sữa tươi, theo các chuyên gia trong ngành sữa, việc đảm bảo được nguồn sữa từ bò cũng giúp doanh nghiệp có thể chủ động tham gia vào những phân khúc khác của ngành như sữa chua, phô mai hay kem.

Ví dụ, trước năm 2012, do ít có doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu sữa tươi nên thị phần sữa chua chỉ nằm trong tay Vinamilk và Friesland Campina Vietnam. Tuy nhiên, sau khi bước chân vào lĩnh vực nuôi bò và chủ động được nguồn sữa tươi, một số doanh nghiệp mới đã bắt đầu xâm nhập vào lĩnh vực này. Có thể kể đến như sản phẩm mang tên Love-in-Farm được IDP đưa ra vào đầu năm 2013. Cũng trong năm 2013, TH True Milk đã đưa ra 3 sản phẩm sữa chua bao gồm sữa chua ăn, sữa chua men tiêu hóa và sữa chua UHT với nhiều vị trái cây.

Thực tế, Euromonitor cho biết sữa chua là một lĩnh vực rất tiềm năng nhưng chưa được khai thác hết ở Việt Nam. Cụ thể, sữa chua là sản phẩm có mức tăng trưởng cao nhất với 34,3% và đạt 7.700 tỉ đồng trong năm 2013. Về mặt cơ cấu, tỉ lệ sữa chua/sữa uống tại Việt Nam mới chỉ là 20/80; thấp hơn rất nhiều so với Pháp (80/20), Singapore (70/30) hoặc Thái Lan (50/50). 

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

sixteen − 2 =

To Top