Connect with us

Sự khác biệt của logo, nhận diện thương hiệu và thương hiệu

DNA Viết

Sự khác biệt của logo, nhận diện thương hiệu và thương hiệu

Logo không phải là thương hiệu mà cũng chẳng phải là nhận diện thương hiệu. Thiết kế logo, thiết kế nhận diện thương hiệu hay xây dựng thương hiệu đều có vai trò khác nhau, tuy nhiên chúng luôn tồn tại cùng nhau để tạo ra chân dung của thương hiệu. 

Các khái niệm này được sử dụng rộng rãi trong mọi loại hình doanh nghiệp nhưng trong khá nhiều trường hợp lại bị lẫn lộn với nhau. Do việc nhầm lẫn này nên việc tạo dựng thương hiệu tại một số doanh nghiệp vẫn còn những hạn chế nhất định. Mục tiêu của bài viết để giúp Bạn phân biệt rõ sự khác nhau của 3 khái niệm này.

 

1. Logo là gì?  – Là biểu tượng giúp phân biệt các doanh nghiệp với nhau 

Logo giúp phân biệt các doanh nghiệp với nhau qua hình thức đơn giản nhất là việc sử dụng biểu tượng hoặc hình ảnh. Mục đích của logo là giúp nhận biết. Có 6 kiểu thiết kế logo thường được sử dụng là: logo chữ, logo biểu tượng, logo trừu tượng, logo chữ viết tắt, logo phù hiệu và logo linh vật.

– Logo chữ: Là kiểu logo thông dụng nhất, bao gồm phần tên công ty được viết theo kiểu chữ thường hoặc in hoa. Logo chữ giúp khách hàng dễ ghi nhớ tên thương hiệu/công ty. Các logo chữ nổi tiếng bao gồm Coca-Cola, FedEx và IBM.

– Logo biểu tượng: logo được tạo từ một biểu tượng thích hợp để thể hiện ý nghĩa thương hiệu. Biểu tượng có thể bao gồm hình ảnh, nhân vật hoặc dấu hiệu tượng trưng cho thương hiệu. Những logo biểu tượng nổi tiếng gồm có Shell, Puma và Jaguar.

– Logo trừa tượng: Logo có thể được tạo thành từ một hình ảnh trừu tượng để chuyển tải thông điệp đến khách hàng mục tiêu. Các thương hiệu hàng đầu như Nike và Starbucks đều dùng hình ảnh trừu tượng trong thiết kế logo để tạo nên những liên tưởng độc đáo và khó quên cho thương hiệu của mình.

– Logo chữ viết tắt: trong trường hợp tên công ty khá dài và không thể gói gọn trong một logo, doanh nghiệp có thể chọn cách viết tắt các chữ cái đầu. Doanh nghiệp có thể dùng một chữ cái như logo của McDonald’s, Honda, hoặc kết hợp các chữ cái đầu tiên như DKNY hay FCUK.

– Logo phù hiệu: thường được dùng trong logo xe hơi hoặc thể thao, một số logo phù hiệu được nhiều người hâm mộ bao gồm BMW, Mercedes hay logo của các câu lạc bộ thể thao hoặc đội bong nổi tiếng.

– Logo linh vật: Nếu doanh nghiệp có ý định tạo một linh vật hay nhân vật hoạt hình đại diện cho công ty, bạn có thể kết hợp hình ảnh này trong thiết kế logo. Các logo linh vật nổi tiếng bao gồm Michelin man của thương hiệu Michelin hoặc chú gấu trúc trắng đen của tổ chức WWF.

 

2. Nhận diện thương hiệu? – Là phần hình ảnh của thương hiệu

Nhận diện thương hiệu như phần nổi của tảng băng trôi, là tất cả những gì mà mọi người có thể nhìn thấy được về một thương hiệu nào đó trong cuộc sống hàng ngày. 

Nhận diện thương hiệu được thiết kế một cách nhất quán và chuyên nghiệp dựa trên nền tảng của chiến lược thương hiệu bao gồm sứ mạng, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, cá tính thương hiệu, đặc điểm sản phẩm, đối tượng khác hàng và định vị thương hiệu… Đây chính là việc biểu đạt thương hiệu vô hình của chiến lược thương hiệu thông qua sự hữu hình của bộ hệ thống nhận diện thương hiệu. 

Thông thường, bộ CIP thường bao gồm ba phần chính là phần logo, phần vật phẩm nội bộ và phần vật phẩm đối ngoại.

– Phần logo bao gồm những yếu tố sau: ý nghĩa logo, kích thước chuẩn, bộ màu chuẩn (CMYK, Panton…), vùng an toàn, tra cứu nhanh, font chữ chủ đạo…

– Phần vật phẩm nội bộ bao gồm tong màu sử dụng cho vật phẩm nội bộ, giấy ghi chú, danh thiếp, phong bì, bìa kẹp, nhãn CD, túi giấy, giấy in văn bản…

– Phần vật phẩm đối ngoại bao gồm tông màu sử dụng cho thiết kế vật dụng quảng cáo (POSM), áp phích, băng rôn, tờ rơi, presentation, trang web, áo mưa, cửa hàng, đồng phục…

 

3. Thương hiệu là gì? – Là tất cả những gì mà mọi người nghĩ về một doanh nghiệp

Một số người cho rằng thương hiệu bao gồm một vài yếu tố như màu sắc, font chữ, logo, slogan… Thực tế thương hiệu là một khái niệm khá phức tạp chứ không chỉ đơn thuần là logo hay một vài yếu tố trên. Thương hiệu như là tất cả những gì có trong đầu của khách hàng hiện tại hay tiềm năng khi họ nghĩ đến một công ty, sản phẩm hoặc một cá nhân. Hình ảnh thương hiệu này được hình thành từ mọi hoạt động của doanh nghiệp, từ những gì họ sở hữu, từ những sản phẩm hay hoạt động truyền thông tiếp thị và tất cả điều này sẽ tạo ra chính bản sắc thương hiệu của của doanh nghiệp.

Việc kiên trì và nhất quán trong việc chuyển tải thông điệp cốt lõi sẽ tạo nên hình ảnh thương hiệu, giúp khách hàng hiểu được thương hiệu đại diện cho điều gì, cho niềm tin gì hay lý do tại sao thương hiệu này tồn tại… Vì vậy, thương hiệu không chỉ đơn thuần là màu sắc, font chữ hay slogan. 

Hãy xem hình ảnh minh họa ở trên, logo chỉ là phần đỉnh của tảng băng – là phần hình ảnh để giúp mọi người phân biệt hay nhận ra sự hiện diện của doanh nghiệp. Nếu bạn nhìn xuống dưới mặt nước thì bạn sẽ thấy phần tảng băng to lớn như thế nào, đó chính là một hình ảnh thể hiện chính xác về khái niệm thương hiệu.

DNA Branding – www.dna.com.vn 

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ten + 19 =

To Top