Connect with us

Startup cần làm quen với trạng thái bình thường mới

Tin trong nước

Startup cần làm quen với trạng thái bình thường mới

Khi lệnh giãn cách xã hội kết thúc, nền kinh tế bắt đầu hoạt động trở lại với nhiều thách thức mới, đòi hỏi các startup phải thay đổi mô hình kinh doanh để thích nghi và tồn tại.

Trong buổi trao đổi trực tuyến do Grab Ventures Ignite tổ chức với chủ đề “Startup nên thay đổi mô hình kinh doanh thế nào trong giai đoạn khó khăn”, các chuyên gia và khách mời nhận định giới khởi nghiệp đang đối mặt một bối cảnh mới cùng nhiều thay đổi và thách thức. Không ít startup đã thay đổi chiến lược phát triển trước các tác động không ngờ của đại dịch Covid-19.

Sự kiện có sự tham gia của ông Bobby Liu, Giám đốc Topica Founder Institute, ông Phi Nguyễn, nhà sáng lập – CEO của Hiip và ông Vũ Lê, Giám đốc Phát triển kinh doanh và Quan hệ đối tác Grab Việt Nam.

3 tuần cách ly xã hội là một phép thử

Theo đánh giá của ông Bobby Liu và ông Phi Nguyễn, so với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam là một trong những thị trường chịu ảnh hưởng ít nhất từ dịch bệnh. Bên cạnh đó, lệnh cách ly xã hội cũng chỉ kéo dài 3 tuần trong khi các nước lân cận như Malaysia và Singapore phải gia hạn cách ly xã hội thêm nhiều lần. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh, doanh nghiệp cũng phải thích nghi với rất nhiều thách thức và khó khăn.

Ông Bobby Liu nhận định thời gian cách ly xã hội tại Việt Nam không quá dài, nên không thật sự làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng.

“Nhiều người tiêu dùng Việt đã buộc phải làm quen với nền kinh tế trực tuyến trong một thời gian ngắn với các dịch vụ như giao đồ ăn, mua sắm tại nhà, giao hàng qua mạng… Mặc dù vậy, sau khi hết cách ly, mọi thứ quay trở lại bình thường như thời điểm trước dịch chứ không có nhiều thay đổi”, ông Bobby nhận xét.

Tuy nhiên, ông cho rằng khoảng thời gian cách ly xã hội trong 3 tuần là một cơ hội để người tiêu dùng làm quen nhanh chóng với toàn bộ hệ sinh thái của các startup công nghệ. Sự thay đổi tích cực và rõ rệt nhất của người tiêu dùng có thể thấy thông qua các công cụ thanh toán trực tuyến như ví điện tử.

Bên cạnh đó, ông Phi Nguyễn cũng nhận định thời gian vừa qua là một phép thử để các startup đánh giá lại toàn bộ mô hình kinh doanh của mình, từ đó nhìn nhận đâu là điểm cần phải thay đổi và đâu là điểm có thể chuyển đổi từ offline sang online.

Thay đổi để thích nghi với thực tế mới

Trước tình hình lệnh cách ly xã hội đã được dỡ bỏ và hoạt động kinh doanh trong nước bắt đầu quay trở lại, vị CEO của Hiip cho rằng hai thách thức lớn nhất đối với startup tại Việt Nam là thời gian và nguồn tiền mặt. Dịch bệnh diễn ra đột ngột, nên thời gian để các doanh nghiệp xoay xở rất hạn hẹp. Thứ hai, vì không có sự chuẩn bị trước cho dịch bệnh, nên tiền mặt cũng trở nên vô cùng khan hiếm.

Chính vì vậy, ông Phi Nguyễn cho rằng việc đầu tiên các startup phải làm là xác định nguồn thu mới cho hoạt động kinh doanh của mình nhiều nhất và nhanh nhất có thể. Việc thứ hai là tối ưu hóa các khoản chi của doanh nghiệp. Thứ ba là tìm ra hướng đi mới để thích nghi với thị trường.

“Từ kinh nghiệm của chúng tôi, các startup nên làm việc với đội ngũ tư vấn để định hướng chính xác chiến lược trong tương lai của doanh nghiệp. Đây là việc quan trọng nhất để xác định hướng đi mới. Ngoài ra, các startup cũng có thể đánh giá lại sản phẩm của mình và nguồn nguyên liệu sẵn có, từ đó nhìn ra đâu là điểm mạnh có thể mang lại cho người tiêu dùng vào lúc này”, ông Phi Nguyễn chia sẻ thêm.

Ông cũng khẳng định không nhất thiết phải chuyển đổi toàn bộ hướng đi của doanh nghiệp, mà có thể tận dụng sản phẩm sẵn có, từ đó tạo ra những sản phẩm mới, ví dụ kết hợp hoặc thêm những tính năng mới cần thiết với thị trường hiện tại.

Tìm kiếm bước chuyển hướng đúng đắn

Chia sẻ về những dịch vụ mới của Grab tại Việt Nam, ông Vũ Lê cho biết doanh nghiệp đã và đang thích nghi nhanh chóng với tình hình mới. Điều này thể hiện qua một số dịch vụ mới như GrabMart, GrabAssistant… nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong thời điểm dịch bệnh.

“Tuy nhiên, ưu tiên chính của chúng tôi vẫn là hỗ trợ cho các đối tác tài xế và nhà hàng, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp trong thời điểm khó khăn này. Grab đã dành khoản ngân sách 70 tỷ đồng để hỗ trợ các đối tác và cộng đồng. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng đây là lúc cần tiếp tục đầu tư thêm cho những mối hợp tác quan trọng và lâu bền. Họ chính là những người có thể hỗ trợ cho chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp và từ đó cùng nhau phát triển trong tương lai”, ông Vũ chia sẻ thêm.

Đánh giá đây là thời điểm tốt cho sự phát triển của các dịch vụ y tế và giáo dục như khám chữa bệnh từ xa, giao thuốc tận nhà, dạy học trực tuyến… song ông Bobby Liu khẳng định giáo dục và y tế là những ngành khá đặc thù, cần nhiều kiến thức và kỹ năng chuyên môn.

Chính vì vậy, trên thực tế, việc startup trong các lĩnh vực này chuyển đổi hướng đi để nhanh chóng nắm bắt cơ hội của thị trường sẽ khó khăn và đòi hỏi nhiều thời gian hơn.

“Tuy nhiên, cá nhân tôi rất hào hứng về những thay đổi sắp tới của nền kinh tế. Thị trường sẽ không hoạt động theo cách trước đó, sẽ có những thay đổi mang tính hệ thống khi dịch vụ trực tuyến trở thành một trạng thái bình thường mới”, ông Bobby Liu đánh giá.

Theo Zing 

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

2 × 5 =

To Top