Connect with us

Sony: Lỗ, lỗ và lỗ

Tin quốc tế

Sony: Lỗ, lỗ và lỗ

Vẫn dốc tiền cho nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm nhưng quá nhiều phát minh và ý tưởng chưa cứu được Sony thoát khỏi thua lỗ kéo dài.

Sony dự định sẽ bán một phần tài sản của Hãng, trong đó bao gồm tòa nhà nằm ở trung tâm Tokyo trị giá hơn 1,6 tỷ yên (gần 160 triệu USD). Dự định bán tòa nhà nơi Sony đặt trụ sở chính trong 60 năm qua là một phần trong nỗ lực tái cơ cấu của hãng điện tử này, trong bối cảnh kinh doanh thua lỗ nhiều năm liên tiếp.

Trước đó, Sony dự kiến khoản lỗ lên tới 110 tỷ yên (gần 1,1 tỷ USD) trong tài khóa 2013 kết thúc vào tháng 3/2014. Ngoài ra, Sony còn công bố sẽ cắt giảm 5.000 nhân lực. Đây là lần thứ tư trong vòng một thập kỷ qua, Sony phải sa thải lượng lớn nhân viên. Hồi năm 2005, Sony đã cắt giảm 10.000 nhân viên, đến năm 2008, sa thải thêm 8.000 nhân viên nữa, và cách đây 2 năm, thêm 10.000 nhân viên phải ra đi, đưa số lượng nhân viên tại Sony xuống còn 145.000 người tính đến tháng 9/2013.

Tuy đứng trước cảnh sa sút nghiêm trọng nhưng Sony vẫn đang tiếp tục tăng chi tiêu vào R&D với ngân sách lên đến 485 tỷ yên (4,78 tỷ USD), tăng 4% so với năm trước. “Mặc dù kết quả tài chính của Công ty dao động trong những năm gần đây, nhưng đầu tư cho R&D không thay đổi”, phát ngôn viên của Sony cho biết.

Một phần ngân sách được tài trợ cho hàng chục dự án ý tưởng tại Sony Computer Science Laboratories (CSL). Đây là một bộ phận nghiên cứu được thành lập vào năm 1988. CSL gần đây có những phát minh đáng chú ý như laptop có thể uốn cong, kính tự tìm kiếm đối tượng, tủ lạnh nhận dạng khuôn mặt và chỉ mở cửa khi người dùng cười… Nhà nghiên cứu Ken Endo tại CSL còn đang thử nghiệm mẫu chân giả chạy bằng pin, có thể giúp người chạy nhanh hơn so với chân tay tự nhiên.

Theo BusinessWeek, dốc tiền cho R&D dường như Sony vẫn kỳ vọng tạo nên một cuộc cách mạng tương tự như máy nghe nhạc Walkman năm 1979. Tuy nhiên, các dự án tại CSL thường mất một thập kỷ để phát triển trước khi được thương mại hóa. “Sony CSL đang phát triển công nghệ tương lai. Bạn không cần phải lo lắng về áp lực bán hàng như các đơn vị kinh doanh khác của Sony”, Yoko Honjo, một phát ngôn viên của bộ phận nghiên cứu CSL, nói.

Các nhà phân tích chứng khoán nói rằng việc đầu tư cho R&D của Sony không hiệu quả và không được đo lường. Nhiều ý tưởng trở nên quá xa vời với cuộc sống, chẳng hạn như phát minh tóc giả thông minh để kiểm tra GPS khi lái xe.

Các nhà phân tích cho biết, thua lỗ kéo dài của Sony do Hãng đã không sẵn sàng thích ứng với thị trường toàn cầu. Sai lầm trầm trọng nhất của Sony là không hòa nhập vào làn sóng số hóa vốn rất quan trọng với các phần mềm nói riêng và thế giới internet nói chung. Sức mạnh R&D lại khiến Sony “tham lam” cho ra đời quá nhiều sản phẩm chồng chéo hoặc thậm chí xung đột lẫn nhau, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, ví dụ như có đến 30 loại tivi và 10 loại máy quay phim khác nhau. Sony thiết kế quá nhiều mẫu mã nhưng không thể tuyên bố cái nào trong số đó là sản phẩm tốt nhất. Trong khi Apple chỉ tạo ra một chiếc điện thoại iPhone chỉ với hai màu và tạo nên cuộc cách mạng mới trong thế giới smartphone.

Ngoài mảng PC, Sony cũng đang gặp khó với mảng tivi. Đơn vị kinh doanh tivi của Sony đã không mang lại chút lợi nhuận nào cho Công ty từ năm 2004, mà gây thua lỗ tổng cộng 7,5 tỷ USD trong gần 10 năm qua. Sony cũng tụt hậu trong mảng laptop đến mức phải bán đứt thương hiệu Vaio từng là niềm tự hào của Hãng. Sony không tiết lộ mức giá của thương vụ bán mảng kinh doanh PC của Hãng, song theo nhật báo kinh doanh của Nhật Bản Nikkei, giao dịch sẽ có giá khoảng 40 – 50 tỷ yên (từ 390 – 490 triệu USD). Sony sẽ chỉ sở hữu 5% cổ phần trong công ty mới này. Theo đó, Sony sẽ ngừng sản xuất và bán PC sau sự kiện ra mắt sản phẩm mới 2014 Spring.

Theo DNSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

15 − nine =

To Top