Connect with us

Sony báo động kinh doanh tivi

Tin quốc tế

Sony báo động kinh doanh tivi

Cách đây hai tháng, Sony lạc quan dự báo sẽ bán được 27 triệu chiếc TV trong năm nay. Nhưng đến 28-7, Sony phải cắt giảm con số trên xuống 22 triệu chiếc và dự báo kinh doanh TV sẽ lỗ 1 tỉ USD.

Câu chuyện dưới đây về một cửa hàng của Sony nằm dưới tòa tháp đôi nhà máy điện hạt nhân Limerick (Nhật Bản) được nhà báo Cliff Edwards của Bloomberg tường thuật cho thấy gã khổng lồ của ngành điện tử thế giới này đang chật vật để ngăn chặn cuộc suy thoái tài chính.

Những chiếc ti-vi màn hình phẳng bóng loáng chiếm hết một nửa diện tích cửa hàng gần 2.000 mét vuông, được Sony chào bán với giá giảm mạnh để thanh lý hàng tồn kho trước khi tung ra mẫu mới.  Chỉ cách đây hai tháng, Sony lạc quan dự báo sẽ bán được 27 triệu chiếc ti-vi trong năm nay. Nhưng đến ngày 28-7, Sony phải cắt giảm con số trên xuống còn 22 triệu chiếc và đưa ra lời cảnh báo về lợi nhuận.

Kinh doanh ti-vi, ngành mang lại lợi nhuật lớn nhất cho Sony trước nay, được dự báo sẽ lỗ 1 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, nối gót bảy năm liên tiếp thua lỗ của công ty này.

Hãng điện tử Royal Phillips và một số đối thủ cạnh tranh lâu dài của Sony đã tuyên bố từ bỏ kinh doanh ti-vi và cho biết họ không thể cạnh tranh nổi khi giá cả của ngành hàng này lên xuống không kiểm soát. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Sony Howard Stringer cho rằng kinh doanh ti-vi vẫn mang ý nghĩa sống còn, góp phần quan trọng giúp Sony bán các mặt hàng khác của công ty như đầu đĩa Blu-ray và máy chơi game phổ biến Playstation.

Ngày 1-8, Sony cho biết sẽ không loại bỏ ngành kinh doanh ti-vi. Hôm sau, Sony tuyên bố sẽ tái cơ cấu tổ chức ngành hàng này. Chi tiết của kế họach tái cơ cấu sẽ được quyết định vào ngày 31-8, theo phát ngôn viên Sony Mani Imada.

Ông Stringer đã cắt giảm 30.000 việc làm, thậm chí bắt tay hợp tác sản xuất với đối thủ cạnh tranh và bán tài sản. Tháng 3-2010, Sony đồng ý bán 90% tài sản nhà máy sản xuất ti-vi ở Nitra (Slovakia) cho tập đoàn điện tử Foxconn (Đài Loan). Sáu tháng sau, Sony đồng ý bán tiếp cơ sở khác ở Barcelona. Công ty này thậm chí còn chuyển sang sản xuất những sản phẩm ít cao cấp hơn cho những nhà sản xuất khác.

Sony cam kết có thể cầm cự bằng cách tập trung bán những sản phẩm có chức năng nổi trội như ti-vi màn hình 3D. Sony cũng là hãng đầu tiên tại Mỹ tung ra những chiếc TV-internet sử dụng phần mềm Google vào tháng 10-2010. Tuy nhiên, doanh số của Sony chỉ đứng thứ ba sau Samsung và hãng sản xuất điện tử giá rẻ mới nổi Vizio.

Ông Jack Ablin, giám đốc đầu tư của ngân hàng Harris Private, với tài sản 60 tỉ đô la Mỹ, cho biết: “Thế hệ chúng tôi ngày trước từng sẵn sàng chi trả giá cao cho sản phẩm mang thương hiệu Sony. Họ là những người đổi mới, có chất lượng và khách hàng riêng. Nhưng họ đã bị thế giới theo kịp. Tôi không chắc đâu là thế mạnh của họ nữa”.

“Sony không phải công ty duy nhất gặp phải khó khăn với sản phẩm ti-vi màn ảnh rộng. Hầu hết nhà sản xuất lớn cũng đang đối mặt với tình trạng hàng tồn kho 6-10 tuần do sự quan tâm ít ỏi của người tiêu dùng tới các sản phẩm với tính năng hiện đại nhất như có thể kết nối Internet hay có chức năng chiếu phim 3D” – chuyên gia phân tích của HIS I Suppli, ông Riddhi Patel, cho biết. Góp phần vào sự suy sụp của ti-vi màn hình phẳng là sự cạnh tranh của các thiết bị điện tử thông minh với màn hình nhỏ hơn như Ipad và Iphone.

Sony đã mất hơn 74 tỉ đô la Mỹ giá trị trên thị trường kể từ năm 2000, một phần do những khó khăn trong việc kinh doanh ti-vi, ngành đã thua lỗ trong bảy năm liền.

 

Theo Cafef

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

13 − 3 =

To Top