Connect with us

Sôi động thị trường giao hàng nhanh

Tin trong nước

Sôi động thị trường giao hàng nhanh

Thị trường giao hàng nhanh sôi động hơn khi các doanh nghiệp tăng đầu tư, ứng dụng những công nghệ mới...

Cuối tháng 9/2019, Ninja Van hợp tác với Grab triển khai dịch vụ giao hàng toàn quốc thông qua GrabExpress tại Việt Nam. Người dùng có thể gửi hàng hóa đến khắp nơi tại Việt Nam một cách dễ dàng ngay trên ứng dụng Grab, cũng như trải nghiệm dịch vụ giao nhận tiện lợi và quy mô thông qua mạng lưới logistics toàn quốc của Ninja Van. Ứng dụng này cũng giúp các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, các đơn vị kinh doanh trực tuyến thêm nhiều lựa chọn vận chuyển. Theo ông Lê Văn Quốc Khánh – Giám đốc Ninja Van Vietnam, thế mạnh của Ninja Van là vận chuyển liên thành phố và mạng lưới logistics khắp Việt Nam.

Trước khi hợp tác với Grab, Ninja Van đã “cách mạng hóa” việc vận chuyển hàng hóa thông qua hệ thống phân phối dựa vào nền tảng công nghệ tại Đông Nam Á. Mạng lưới của DN này hiện tại có mặt tại Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines. Năm 2018, Ninja Van đã gọi vốn series C thành công và mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam.

Ông Phan Xuân Dũng – Trưởng đại diện Ninja Van Việt Nam cho biết, Việt Nam đang có trên 35 triệu người thường xuyên mua sắm trực tuyến và dự kiến sẽ tăng lên 42 triệu người vào năm 2021. Đây là cơ hội để Ninja Van cung cấp những giải pháp giao hàng đến các nhà kinh doanh trực tuyến. “Kết hợp với khả năng khai thác các giải pháp công nghệ tiên tiến và kiến thức chuyên sâu về thương mại điện tử (TMĐT), chúng tôi đảm bảo hoạt động logistics liền mạch và đồng nhất cho người bán lẫn người mua”, đại diện Ninja Van cho biết.

291019 giao hang nhanh 1

Cũng như Ninja Van, cuối tháng 8/2019, Grab Holdings Inc. (Grab) công bố đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 5 năm tới. Khoản đầu tư này dùng để phát triển các dịch vụ mới và mở rộng mạng lưới dịch vụ kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn và thanh toán điện tử, đồng thời phát triển các giải pháp mới về công nghệ di động, công nghệ tài chính và logistics. Theo đại diện của Grab, đến cuối năm 2019, số vốn của Grab đầu tư vào Việt Nam sẽ đạt 200 triệu USD.

Trong cuộc đua đầu tư công nghệ, Công ty CP Đầu tư Logistics Bắc Kỳ đã ký kết với Oracle triển khai giải pháp quản lý vận tải trên nền tảng đám mây OTM Cloud, cho phép nhiều bên tương tác một cách an toàn và hiệu quả. Một trong số những ưu điểm của giải pháp này là lên kế hoạch điều động phương tiện thông minh, quản lý phương tiện hiệu quả, cải tiến đáng kể quy trình truy xuất hóa đơn và thanh toán cước dịch vụ cũng như lựa chọn nhà thầu phụ vận chuyển.

Bên cạnh đó, Logistics Bắc Kỳ còn ứng dụng Internet of Things (IoT) Fleet Management để quản lý các dịch vụ vận tải đường sông và đường bộ. Với bộ giải pháp này, Logistics Bắc Kỳ đã tự động hóa việc lên kế hoạch vận tải, quản lý giao nhận, tăng tốc độ dịch vụ và tối ưu hóa chi phí. Các cấp quản lý của Logistics Bắc Kỳ theo dõi được vị trí, tình trạng của phương tiện, hành vi của lái xe, lường trước sự hỏng hóc, từ đó chuẩn bị chuỗi cung ứng phía sau. Ngược lại, lái xe và nhân viên thực địa của Logistics Bắc Kỳ đưa ra những quyết định tốt hơn dựa trên dữ liệu trong thời gian thực.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2018 là 9 tỷ USD. Dự báo, vào năm 2025, thị trường TMĐT Việt Nam sẽ đứng thứ ba ở khu vực Đông Nam Á với doanh thu 33 tỷ USD.

Cùng với tốc độ tăng trưởng cao của TMĐT, năm 2018 đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ logistics, chuyển phát chặng cuối và hoàn tất đơn hàng. Thị trường đã xuất hiện hàng loạt thương hiệu trong và ngoài nước như Grab, GoViet, Shipchung, ViettelPost, VNPost, GrabExpress…

Nhận thấy tiềm năng thị trường, mới đây Công ty CP BE Group – đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng gọi xe “be” đã ra mắt và vận hành hai dịch vụ giao hàng beExpress và beDelivery với cam kết giá dịch vụ ổn định trong mọi khung giờ. Trong đó, beExpress là dịch vụ chuyển phát, bưu chính hướng đến DN TMĐT với đội ngũ nhân viên giao hàng chuyên nghiệp; beDelivery là dịch vụ giao hàng hướng đến người dùng cá nhân, DN vừa và nhỏ và các đơn vị kinh doanh trực tuyến. Ông Trần Thanh Hải – Tổng giám đốc BE Group cho biết, beExpress và beDelivery là hai dịch vụ mới giúp BE Group dần hoàn thiện hệ sinh thái công nghệ mở. Công ty đặt kỳ vọng đến năm 2020, dịch vụ giao vận của “be” sẽ chiếm 30% thị phần trên toàn thị trường giao vận nội địa.

Đánh giá về thị trường, ông Nguyễn Trần Hiếu – Giám đốc Điều hành Logistics Bắc Kỳ cho rằng, logistics là một ngành cạnh tranh và là ngành công nghiệp dịch vụ có tính định hướng cao. Với mục tiêu không ngừng cải tiến chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng, giải pháp quản lý vận tải trên nền tảng đám mây OTM Cloud sẽ giúp Logistics Bắc Kỳ nâng cao hiệu quả quản lý và vận hành DN. Với sự đầu tư mạnh về công nghệ và dịch vụ, các thương hiệu vận chuyển hàng nhanh đã gặt hái thành công. Tính đến cuối năm 2018, Ninja Van có hơn 1.000 tài xế giao hàng. Mỗi tháng, DN này vận chuyển hơn 300.000 đơn hàng và trở thành đối tác của các sàn TMĐT như Lazada, Sendo, Tiki… Trong khi đó, nền tảng giao nhận thức ăn GrabFood đạt tổng giá trị giao dịch tăng đến 400% trong nửa đầu năm 2019, với 300.000 đơn hàng mỗi ngày. Và dù mới ra sau nhưng ứng dụng gọi xe “be” đã được tải xuống 4 triệu thiết bị di động với hơn 40.000 tài xế, đáp ứng khoảng 300.000 chuyến xe được yêu cầu mỗi ngày.

Theo DNSG

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

two × one =

To Top