Connect with us

Quảng cáo Radio: Sóng dài song ngắn

Quảng bá thương hiệu

Quảng cáo Radio: Sóng dài song ngắn

Mặc dù bị ảnh hưởng từ truyền hình, báo chí và phương thức quảng cáo trực tuyến nhưng không vì thế mà quảng cáo radio hết đất sống.

Ai nghe radio?

Theo khảo sát của Đài tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH) trên 4.000 người ở TP.HCM, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và ĐBSCL thì đối tượng thính giả tập trung vào giới trẻ từ 15 – 30 tuổi, chiếm đến 56,6% tổng số thính giả với các chương trình mà giới trẻ yêu thích như tin tức thời sự, thông tin thương mại, giải trí…

Ngoài ra, các chương trình có nội dung về giáo dục kỹ năng sống, thông tin việc làm… cũng được chọn nghe nhiều. Bên cạnh giới trẻ, các tầng lớp người lao động, trung niên, cán bộ hưu trí, công chức… cũng chọn radio là phương tiện giải trí và cập nhật thông tin hiệu quả. Về thu nhập, đến 72,3% có thu nhập dưới 7 triệu đồng/tháng.

Như vậy, nếu tính theo thu nhập thì các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tiếp cận với đối tượng mục tiêu có thu nhập trung bình và thấp. Tuy nhiên, những người giàu cũng thường xuyên nghe radio trong những giờ tập thể dục, trong những lúc di chuyển.

Đó là lý do khiến các thương hiệu lớn trong ngành hàng FMCG, tài chính, ngân hàng, công nghệ như Unilever, ANZ, IBM… vẫn thường xuyên sử dụng radio như kênh truyền thông chiến lược.

Hỗ trợ đắc lực cho radio là phương tiện vận chuyển công cộng và xe bốn bánh. Hầu hết các xe bốn bánh và xe buýt đều được trang radio. Những phương tiện này thường nghe đài để biết tình trạng kẹt xe và tuyến đường để tránh.

Ngoài ra, đây cũng là phương tiện giải trí hữu hiệu của các bác tài và những người có mặt trên xe với những chương trình như “Cứu tinh xa lộ”, DriveXone, Quà tặng âm nhạc… Theo khảo sát của VOH, có đến 32,4% thính giả thường nghe radio trên các phương tiện giao thông.

Một điều thú vị là có đến 36,1% người khảo sát cho biết nghe radio qua điện thoại di động, 34,6% nghe radio bằng cassette, 18,2% nghe radio cầm tay, 28,8% nghe radio trên ô tô và 16,4% nghe radio trên internet. Điều này cho thấy, chính những phương tiện công nghệ hiện đại này đã giúp cho radio phát triển và như vậy, quảng cáo trên radio cũng tăng theo.

Vẫn quảng cáo tốt?

Có một điểm điểm thuận lợi của quảng cáo trên radio so với quảng cáo trên truyền hình. Vì tivi có nhiều sự lựa chọn nên khi gặp quảng cáo, người xem có thể sẽ chuyển kênh. Nhưng với radio, do không có nhiều sự lựa chọn nên người nghe thường có tâm lý để yên hoặc là đi chỗ khác.

Nhưng, khi nghe các chương trình này thông qua điện thoại di động hoặc trên các phương tiện vận chuyển thì họ để yên. Đánh giá về mức độ phù hợp về thời gian quảng cáo hiện nay của VOH, có 7,4% thính giả đánh giá là “rất phù hợp”, 35,9% cho là “phù hợp”, 35,7% đánh giá ở mức “bình thường”, 14,92% đánh giá là “chưa phù hợp”, 5,1% lựa chọn phương án “khó trả lời”.

Như vậy, có đến 40% thính giá đánh giá thời gian quảng cáo của đài là phù hợp, 35,7% đánh giá ở mức chấp nhận được và 15,8% cho là không phù hợp.

Nhận định về hạn chế của radio so với các phương tiện truyền thông khác, nhiều khán giả cho rằng: không có hình ảnh minh họa (73,04%). Tuy không có lợi thế về hình ảnh nhưng so với các phương tiện truyền thông khác nhưng radio lại có lợi thế về mặt tiện ích.

Chỉ cần một chiếc radio nhỏ cầm tay hoặc một chiếc điện thoại di động là mọi người có thể nghe đài ở bất cứ nơi đâu. Và mặc dù truyền hình đang giữ ưu thế nhất định nhưng phát thanh với những đặc điểm riêng của mình vẫn có một vai trò riêng đối với thính giả, đặc biệt đây là một trong các phương tiên truyền thông gần gũi với phần lớn bộ phận công nhân, nông dân, sinh viên, thanh niên…

Vì không có hình ảnh minh họa nên để quảng cáo ấn tượng và hiệu quả, doanh nghiệp cần phải đầu tư thích đáng và kịch bản, âm thanh, giọng nói…

Dù sức hút từ các đài vẫn còn nhưng ông Trần Hoàng, Đại diện Hiệp hội quảng cáo quốc tế tại Việt Nam, khuyên rằng: trong xu thế mới hiện nay, chính các yếu tố khác biệt sẽ làm nên sự thành công trong phương thức marketing trên sóng phát thanh.

“Phải làm sao để giữ chân thính giả bằng nét độc đáo của mỗi chương trình, mỗi người dẫn, qua đó, thông điệp mà nhà tài trợ gửi gắm sẽ được chuyển tải một cách trọn vẹn nhất đến thính giả”.

Theo DNSG

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

two × three =

To Top