Connect with us

Nông dân chạy theo thương lái TQ: Lợi hay bi kịch?

Tin trong nước

Nông dân chạy theo thương lái TQ: Lợi hay bi kịch?

Gần đây, nông dân Việt Nam ngậm "trái đắng" do họ hoàn toàn phụ thuộc và chạy theo nhu cầu từ thương nhân Trung Quốc. Tuy nhiên, người chịu trách nhiệm chính không phải là họ, bởi người nông dân nào chẳng muốn nuôi trồng những thứ mang lại thu nhập cao.

Giá khoai lang tím ở Vĩnh Long chủ yếu để xuất sang Trung Quốc nay đã giảm phân nửa, từ 820.000 hồi tháng 4/2011 xuống còn 440.000 đồng/tạ. Nông dân ở các huyện Bình Tân, Bình Minh tỉnh Vĩnh Long đang rất lo lắng vì tại đây vẫn còn rất nhiều diện tích khoai lang chưa thu hoạch.

Thế là những lo lắng về tính ổn định của thị trường Trung Quốc mà nhiều người đã lên tiếng trước đây là hoàn toàn đúng.

Còn nhớ, những năm 2007-2008, thương nhân Trung Quốc ồ ạt mua cau sấy với giá 80.000 đồng/kg, nhưng đến năm 2009-2010 thì họ lại mua nhỏ giọt và sau đó thì ngừng mua hẳn.

Tương tự, cuối năm 2010 – đầu năm 2011, nhu cầu mua đỉa từ Trung Quốc cũng rộ lên với giá cao ngất ngưởng là 2 triệu đồng/kg. Nhưng đến nay thì mặt hàng này đã hoàn toàn không còn “hot” như trước nữa.

Ngoài những điển hình trên thì hiện tượng hút hàng kỳ lạ từ phía Trung Quốc đối với rất nhiều loại hàng hóa khác mà không ai giải thích được. Và có lẽ hiện tượng này vẫn sẽ còn tiếp diễn.

Điều đáng nói là loại khoai lang đang được trồng rộng rãi ở ĐBSCL, đặc biệt là ở Vĩnh Long là loại khoai lang tím Nhật Bản, loại khoai lang này chủ yếu là để xuất khẩu theo đường tiều ngạch sang Trung Quốc, còn thị trường trong nước thì không chuộng loại này. Do đó, nếu bị thương nhân Trung Quốc ép giá hay ngừng tiêu thụ thì thiệt hại của người trồng loại khoai lang này là điều hiển nhiên.

Nhắc lại những việc này để thấy rằng những người nông dân Việt Nam đang rất bị động trong việc chọn giống, chọn loại cây trồng, vật nuôi phù hợp. Nói cách khác, những “trái đắng” mà gần đây người nông dân Việt Nam phải gánh chịu là do họ hoàn toàn phụ thuộc và chạy theo vào nhu cầu từ phía các thương nhân Trung Quốc.

Tuy nhiên, người chịu trách nhiệm chính cho tình trạng này không phải là người nông dân, bởi ai lại không muốn nuôi trồng những thứ mang lại thu nhập cao.

Xét một cách công bằng thì một phần lỗi chính thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước, bởi hầu như các cơ quan này không thể có được một quy hoạch nông nghiệp tối ưu, phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa phương.

Trong khi đó, nguyên nhân chủ yếu là do các doanh ngiệp Việt Nam vẫn thường có tâm lý o ép về giá cả và chất lượng đối với người nông dân. Chính các doanh nghiệp Việt Nam đã khiến cho người nông dân quay lưng lại với họ khi gặp những đối tác khác sẵn sàng trả giá cao hơn.

Trong những năm vừa qua, hiện tượng thương nhân Trung Quốc đã nhiều lần ra sức thu gom hàng nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, phản ứng thường thấy cả các doanh nghiệp trong nước vẫn không có gì chuyển biến. Vẫn như mọi lần, khi bị thua ngay trên sân nhà, thay vì tìm kiếm những giải pháp mang tính chiến lược lâu dài thì họ lại chọn cách la toáng lên hòng nhận được sự đồng cảm của dư luận và sự ủng hộ của các cơ quan chức năng.

Trước phản ứng của các doanh nghiệp trong nước như trong thời gian vừa qua, nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi: Liệu họ đóng vai trò như thế nào trong chuổi cung ứng hàng hóa từ tay nông dân đến người tiêu dùng?

Trong mắt họ thì người nông dân, những người cung cấp chính nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của họ, có đáng để cho họ quan tâm, chăm sóc, hay là họ chỉ biết thu gom hàng với giá rẻ nhất và cố gắng bán với giá cao nhất để kiếm lợi nhuận, còn quyền lợi của người nông dân, người tiêu dùng thì không ai thèm ngó ngàng gì tới?

Ai cũng biết rằng ở Việt Nam từ lâu đã tồn tại một thực tế rất khó chấp nhận là trong khi người nông dân thì luôn bị o ép với giá thu mua nông sản rẻ mạt mà người tiêu dùng thì lại phải trả một cái giá cao ngất ngưởng. Trong đường đi của nông sản từ người nông dân đến tay người tiêu dùng thì người được hưởng lợi cao nhất là ai? Câu hỏi này không cần trả lời vì chắc chắn rằng ai cũng đã biết.

Có lẽ vì nhiều lý do khác khá nhạy cảm nên việc thương nhân Trung Quốc tận thu hàng nông sản Việt Nam đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Vượt ra ngoài khía cạnh kinh tế, việc này còn ảnh hưởng đến an ninh lương thực, tính bền vững của phát triển nông nghiệp và lợi ích cốt lỏi của đại bộ phận người dân Việt Nam với hơn 70% dân số,…

Để giải tỏa những vướng mắc đó, vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá là rất lớn. Đã đến lúc các doanh nghiệp nông sản Việt Nam phải thay đổi toàn diện quy trình và chiến lược thu gom nguyên liệu đầu vào của mình.

Không còn cách nào khác, các doanh nghiệp phải biết chia sẻ những trăn trở, khó khăn và lợi ích với người nông dân bằng cách đồng hành cùng họ. Phải đảm bảo nguồn cung và giá cả thu mua ngay từ đầu mùa vụ để người nông dân an tâm mà chăm lo cho sản xuất, đồng thời cũng hỗ trợ họ về kỹ thuật, con giống, thậm chí vốn liếng để người nông dân mạnh dạn đầu tư làm ăn. Đây không còn là trách nhiệm mà là một xu hướng tất yếu để người nông dân và doanh nghiệp phát triển bền vững.

Trong thời gian vừa qua, có một vài doanh nghiệp đã bắt tay vào làm những việc này. Theo phản ánh của báo Tuổi Trẻ thì từ năm 2004, Công ty CP Thủy hải sản Hùng Vương (Tiền Giang) đã bắt đầu làm việc với các hợp tác xã và nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ việc chế biến với chiến lược và lộ trình hẳn hoi. Ban đầu là tổ chức nuôi cá ao, sau đó tham gia sản xuất thức ăn cho thủy hải sản và Công ty Hùng Vương đang hướng tới một quy trình sản xuất khép kín.

Tương tự, trong khi phát biểu trên báo Người Lao động gần đây, bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, đang rất đau đầu vì tình trạng thương nhân Trung Quốc mua cả vịt đẻ, thuê giết mổ rồi vận chuyển về nước này để chế biến vịt quay, đẩy giá vịt đẻ thải loại từ khoảng 60.000 đồng/con tăng lên 120.000 đồng/con nên người nuôi vịt đẻ tranh thủ bán tháo đàn dù chưa tới thời kỳ thải loại khiến nguồn cung trứng vịt đang bị thiếu hụt mạnh, thì nay Công ty Ba Huân đang chuẩn bị một kế hoạch mang tính dài hơi.

Trong chương trình Xúc tiến thương mại năm 2011, ngày 7/7/2011 Sở Công Thương Long An tổ chức cuộc họp triển khai việc hợp tác bao tiêu sản phẩm trứng gia cầm giữa Cty TNHH Ba Huân với các tổ hợp tác và hộ nông dân trên địa bàn huyện Cần Giuộc, bà Phạm Thị Huân cho biết sẽ thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân trong chăn nuôi gia cầm như: Cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật xây dựng chuồng trại, bao tiêu sản phẩm… theo hướng hoàn toàn khép kín.

Thực ra thì những chính sách tương tự như trên đã từng được thực hiện ở rất nhiều nơi trong nhiều năm qua nhưng hiệu quả của nó thì chưa đáng là bao. Nhiều dự án vẫn với tính chất “đầu voi, đuôi chuột” nên đã khiến nông dân phải nản lòng.

Là một doanh nghiệp, ai cũng biết rằng lợi ích kinh tế luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên nếu lợi ích này được tạo ra từ chính mồ hôi, nước mắt của người nông dân và tính bền vững của chiến lược phát triển kinh tế quốc gia thì cần nên xem xét lại.

Các doanh nghiệp Việt Nam hãy biến những thế mạnh từ nông sản trong nước thành những sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới để kiếm lợi nhuận thay vì cứ mãi cố tìm cách vắt kiệt sức người nông dân hay tài sản quốc gia bằng cách xuất khẩu nguyên liệu thô. Làm được điều này, các doanh nghiệp Việt Nam mới mong nhận được sự tôn trọng cần thiết. 

Theo Vef

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

seven − three =

To Top