Connect with us

Những điều cần làm để không bị xem là “hàng chợ”

DNA Viết

Những điều cần làm để không bị xem là “hàng chợ”

Giữa “hàng chợ” (commodity) và thương hiệu tồn tại sự khác biệt rõ rệt. Nếu sản phẩm của bạn chỉ được xem là “hàng chợ”, bạn chỉ có thể cạnh tranh bằng giá cả và lợi nhuận của bạn sẽ trượt dài theo thời gian, đặc biệt khi đối thủ của bạn đến từ những nước đang phát triển, nơi giá thành sản xuất và nhân công rất thấp. 

Vì thế, nếu không muốn bị xem là hàng chợ và chịu sự tác động không ngừng của thị trường, bạn cần có thương hiệu. Tuy nhiên, bạn không thể xây dựng thương hiệu trong một sớm một chiều. Điều này đồng nghĩa với việc bạn phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận ngắn hạn để đạt được mục tiêu lâu dài. 

Những điều nên làm để trở thành một thương hiệu

Trước tiên bạn cần xác định tinh thần và sứ mệnh kinh doanh của mình. Tất cả những thương hiệu lớn đều có tuyên ngôn sứ mệnh rõ ràng, nhờ đó các hoạt động được hoạch định cụ thể và hiệu quả hơn cũng như giúp tạo dựng hình ảnh bền vững của công ty trong lòng khách hàng.

Kế đến, bạn cần xác định USP (lợi điểm bán hàng độc nhất) của mình. Nói một cách đơn giản hơn, bạn cần nghĩ xem điều gì khiến sản phẩm/dịch vụ của bạn khác biệt và độc đáo trên thị trường. Nếu bạn nghĩ rằng bây giờ đã quá muộn để tìm USP thì bạn sẽ sớm bị gắn mác “hàng chợ”.

Sau cùng, bạn cần nghiên cứu tầm nhìn kinh doanh của mình, ví dụ như trong công ty bạn sẽ đóng vai trò thế nào để khiến cuộc sống của mọi người lý tưởng hơn. Tầm nhìn kinh doanh sẽ gắn kết mọi người (kể cả khách hàng) với công ty của bạn. 

Tóm lại, đây là ba điều thiết thực bạn cần làm nếu không muốn sản phẩm/dịch vụ của mình bị liệt vào danh sách “hàng chợ”. Điều này đòi hỏi thời gian và có thể sẽ không mang lại lợi nhuận tức thì nhưng lại là những yếu tố tiên quyết giúp bạn tạo dựng thương hiệu của mình.

“Nếu không thể là hàng hiệu thì chỉ có thể là hàng chợ” –  Một câu nói nổi tiếng của Rober Kiyosaki – tác giả của cuốn sách Cha giàu cha nghèo 

Và những điều cần tránh 

Có lẽ để “tiết kiệm” thời gian và chất xám khi xác định sức mệnh và tầm nhìn doanh nghiệp, một số công ty chọn giải pháp “copy & paste” từ người khác. Một thương hiệu thật sự không hề bắt chước, hay sao chép của ai khác mà tự sáng tạo cho riêng mình. 

Bên cạnh đó, đừng nên quá tham của rẻ mà đánh mất mục tiêu xây dựng thương hiệu lâu dài. Điều này không có nghĩa là bạn phải có ngân sách kết xù và chi tiền vô tội vạ, nhưng bạn cần cẩn trọng trước cái giá thực sự phải trả khi ép giá thu mua sản phẩm xuống thấp. Giá rẻ luôn hấp dẫn vì có thể đẩy nhanh doanh thu nhưng lại gây tác hại lâu dài đến uy tín và hình ảnh thương hiệu. Thay vào đó, hãy quên đi giá rẻ và tìm những yếu tố có thể gia tăng giá trị cho khách hàng. 

Cuối cùng, đừng quên rằng xây dựng thương hiệu là cả hành trình bền bỉ chứ không chỉ nằm ở kỹ xảo. Và để không bị đánh giá là “hàng chợ”, bạn cần xác định được ba yếu tố tiên quyết: sứ mệnh, USP và tầm nhìn. 

DNA Branding – www.dna.com.vn 

Tham khảo bài viết của Terence Kam

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

7 + two =

To Top