Connect with us

Ngành nông thủy sản: Thiếu một chiến lược thương hiệu

Tin trong nước

Ngành nông thủy sản: Thiếu một chiến lược thương hiệu

Các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam tuy được xuất đi rất nhiều nước trên thế giới nhưng hầu như toàn bộ đều phải mang nhãn, mác của nước khác. 

Nhiều chuyên gia, nhà doanh nghiệp đi khảo sát thị trường nước ngoài còn ghi nhận thêm một thực tế đáng buồn là sản phẩm nông thủy sản của Việt Nam nhưng lại bị ghi xuất xứ từ Thái Lan…

Tại hội thảo “Mô hình và giải pháp tiếp thị, xây dựng thương hiệu nông sản bền vững” do CLB Xây dựng thương hiệu nông thủy sản Việt Nam (thuộc Saigon Times Club) tổ chức ngày 21-4, các chuyên gia, doanh nghiệp đều cho rằng Việt Nam đang thiếu hẳn một chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành nông thủy sản, mà nếu làm được thì giá trị xuất khẩu các mặt hàng sẽ tăng lên gấp nhiều lần so với hiện nay.

Theo ông Đoàn Đình Hoàng, chuyên gia về tư vấn tiếp thị thương hiệu độc lập, trong 43 doanh nghiệp được công nhận là thương hiệu quốc gia và 116 doanh nghiệp có sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn hiện vẫn chưa có thương hiệu nào đủ mạnh để xâm nhập thị trường thế giới.

Bằng những lần đi khảo sát thực tế của mình, ông Hoàng cho biết, một thực tế là tại các siêu thị ở những nước châu Á còn có thể thấy một số mặt hàng nông sản Việt Nam trên kệ hàng, nhưng ở các siêu thị châu Âu thì hầu như vắng bóng.

“Cà phê bán tại siêu thị Wal Mart có hơn 100 sản phẩm khác nhau với chủng loại sản phẩm như cà phê nguyên vị, nguyên chất, không cafein, không đường nhưng không có sản phẩm cà phê nào mang thương hiệu Việt Nam”, ông Hoàng dẫn chứng.

Theo tính toán của ông Hoàng, nếu 1kg thanh long bán tại vườn là 2.500 đồng/kg, các thương lái trong nước sơ chế và xuất khẩu họ thu được khoản lợi nhuận 20% so với giá mua. Thanh long được bán cho nhà nhập khẩu, sau đó, đóng gói bao bì với thương hiệu của họ và đưa vào phân phối, lúc này lợi nhuận thu về từ 60-70% so với giá ban đầu. “Xây dựng thương hiệu cho mặt hàng nông sản đang trở nên bức thiết, để giúp ngành nông sản tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị hàng hóa, nâng cao giá trị lợi nhuận thu về”, ông Hoàng nói.

Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam là một chuyện lớn. Ông Vũ cho rằng, Việt Nam là cường quốc về cà phê nhưng chưa có 1 chính sách quốc gia về phát triển vùng nguyên liệu cà phê, thiếu một số tập đoàn cà phê có tiềm lực để tối đa hóa giá trị ngành cà phê thay vì cứ bán sản phẩm thô như hiện nay.

Không chỉ vấn đề thương hiệu, nhiều đại biểu tham dự hội thảo còn cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam sản xuất theo xu hướng nhỏ lẻ nên sản phẩm làm ra không đồng đều về quy cách cũng như không ổn định về chất lượng.

Cụ thể, như Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới nhưng để tìm một loại gạo đại diện cho thương hiệu gạo Việt Nam là chưa có.

Để tạo được thương hiệu cho một mặt hàng nông sản trên thị trường thế giới, theo ông Đoàn Đình Hoàng, doanh nghiệp phải bắt đầu từ thị trường nội địa và lấy thị trường này làm nền tảng để chinh phục thị trường nước ngoài.

Theo TBKTSG

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

seven + 12 =

To Top