Connect with us

Nan giải phát triển du lịch ĐBSCL

Tin trong nước

Nan giải phát triển du lịch ĐBSCL

Lượng khách du lịch đến 13 tỉnh, thành thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không tăng trưởng, thậm chí có chiều hướng giảm trong thời gian gần đây. 

Tuy nhiên, những người làm du lịch vẫn chưa tìm được những biện pháp hiệu quả để tạo sản phẩm, dịch vụ nhằm kéo du khách đến vùng đất trù phú này.

Nhận xét trên được các doanh nghiệp, nhà quản lý và chuyên gia du lịch đưa ra trong buổi tọa đàm “Du lịch ĐBSCL, khơi gợi tiềm năng” do báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức ngày 30-8.

Nguyên nhân làm khách du lịch không mặn mà với du lịch vùng đất chín rồng không mới, vốn đã được nói rất nhiều trong những lần thảo luận về phát triển du lịch của vùng trong những năm gần đây. Đó là, du lịch của vùng thiếu định hướng và hợp tác để phát triển nên sản phẩm trùng lắp làm cho khách chỉ cần đến một tỉnh là không muốn đến các địa phương còn lại. Du lịch ĐBSCL thiếu dịch vụ, nguồn nhân lực yếu còn các chương trình tour gắn liền với những cái sẵn có, không thay đổi, không nâng cấp thậm chí những di tích lịch sử, vườn cây ăn trái vốn từng thu hút nhiều du khách đến thì đang ngày càng xuống cấp.

“Số lượng khách đến thấp hơn so với các vùng khác, tỷ lệ lưu trú thấp, tỷ lệ khách quay trở lại rất thấp. Du lịch bắt đầu có dấu hiệu đi xuống”, ông Nguyễn Tuấn Hoa, Phó giám đốc trung tâm Học tập phát triển TPHCM nói.

Vấn đề không mới nhưng làm nhiều doanh nghiệp du lịch phát biểu bởi nguyên nhân thì đã biết từ rất lâu nhưng vẫn chưa thấy địa phương nào có giải pháp cụ thể để giải quyết. “Đã có nhiều hội thảo bàn về tiềm năng nhưng không có bất cứ việc gì được làm sau đó. Đã đến lúc các địa phương phải ngồi lại để tìm thế mạnh đặc trưng nhằm tạo sản phẩm hấp dẫn nhưng tránh trùng lắp”, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt nói.

Sự trùng lắp được các doanh nghiệp đưa khách từ TPHCM nêu ra là đến bất cứ tỉnh, thành nào của ĐBSCL cũng sẽ được giới thiệu chương trình đi thuyền trên sông, vào vườn trái cây, nghe đờn ca tài tử…

Đại diện một số Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch của vùng đều cho biết quyết tâm muốn phát triển du lịch, muốn giữ chân du khách nhưng bằng cách nào, đầu tư ra sao thì vẫn mập mờ. Ngành du lịch cho biết đang gặp khó ở khâu tạo sản phẩm, đầu tư. Chẳng hạn, tỉnh An Giang cho biết đang cố gắng đến năm 2015 có thể giữ chân du khách ở lại tỉnh được 2 ngày và tăng doanh thu trên đầu khách cao hơn so với con số 500.000 đồng/người như hiện tại, nhưng cách nào để tăng khách, tăng doanh thu thì vẫn chưa có. Thế nên, thống kê hiện tại thì số lượng khách rất đông nhưng khách du lịch thực sự thì ít vì chỉ riêng lễ hội bà Chúa Xứ hàng năm đã thu hút hơn 3,5 triệu lượt khách, trong đó có đến 2 triệu lượt người là dân địa phương đi lễ nhiều lần.

Tuy nhiên, ông Trần Đạt Duy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL lại nhấn mạnh rằng sở dĩ ngành du lịch chưa phát triển được là do chủ quan. Ngay bản thân ngành du lịch chưa chứng minh được đóng góp của ngành dịch vụ cho nền kinh tế để từ đó có cơ sở để đầu tư, phát triển cũng như chưa chuẩn bị nguồn nhân lực cho những kế hoạch dài hơi muốn nhắm đến.

“ĐBSCL có kế hoạch phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch quốc tế trong những năm tới nhưng chưa thấy kế hoạch nào để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ. Chúng ta không chỉ xây dựng các cơ sở du lịch rồi đem khách đến ngó rồi về”, ông nói.

Theo TBKTSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

one × 3 =

To Top