Connect with us

Leflair – tham vọng đứt gánh của cựu lãnh đạo Lazada

Tin trong nước

Leflair – tham vọng đứt gánh của cựu lãnh đạo Lazada

Sau khi huy động được 12 triệu USD trong hơn 4 năm hoạt động, Leflair đã rời cuộc chơi thương mại điện tử với khoản nợ hàng chục tỷ đồng.

Cuối năm 2015, hai doanh nhân người Pháp Loic Gautier và Pierre Antoine Brun đồng sáng lập Leflair, trang thương mại điện tử đầu tiên ở Việt Nam chuyên phân phối sản phẩm hàng hiệu. Cả hai ông Gautier và Brun đều từng nắm giữ những vị trí quản lý tại Lazada.

Khẳng định khát khao muốn trở thành điểm đến số 1 cho nhu cầu mua sắm hàng hiệu trực tuyến tại Việt Nam nhưng sau hơn 4 năm, tháng 2/2020, Leflair đã chia tay thị trường với lý do “áp lực về nguồn vốn hữu hạn và yêu cầu cắt giảm chi phí vận hành”. Kèm theo đó là lùm xùm liên quan đến việc chưa thanh toán công nợ hàng chục tỷ đồng cho các nhà cung cấp.

Huy động 12 triệu USD sau 4 năm

Lần gọi vốn thành công gần nhất của Leflair là vào tháng 1/2019. Số tiền Leflair nhận đầu tư lúc đó là 7 triệu USD của 2 quỹ đầu tư GS Shop và Belt Road Capital Management.

Một năm trước đó, Leflair nhận đầu tư 3 triệu USD từ Quỹ Capital Management Group (CMG). Tổng số vốn huy động thành công từ khi thành lập của công ty này ước tính khoảng 12 triệu USD.

Như nhiều công ty thương mại điện tử khác, ban lãnh đạo Leflair không tiết lộ cụ thể về con số doanh thu, lợi nhuận mà chỉ giới thiệu tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của mô hình bán hàng hiệu giảm giá theo đợt (flash sale) này hơn 100% mỗi năm.

Ngoài ra, Leflair cũng cho biết hợp tác kinh doanh với hơn 1.500 thương hiệu và có giá trị đơn hàng bình quân thuộc nhóm cao trên thị trường.

Theo báo cáo “Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam” của đơn vị nghiên cứu thị trường iPrice Insights, lượng truy cập website bình quân mỗi tháng của Leflair từ quý I/2018 đến giữa năm 2019 chưa khi nào vượt mốc 1 triệu lượt.

Nhưng trong 2 quý cuối cùng trước khi dừng hoạt động, lượng truy cập của Leflair tăng vọt lên 1,6-1,7 triệu lượt/tháng. Đà tăng trưởng lượng khách hàng ghé thăm website của Leflair diễn ra sau khi công ty nhận khoản đầu tư 7 triệu USD.

Không phải “cái chết” đầu tiên

Theo ông Đặng Đăng Trường, Trưởng đại diện iPrice Insights tại Việt Nam, mô hình hoạt động giảm giá flash sale của Leflair dựa vào số lượng người mua lớn để đảm bảo lợi nhuận.

“Tuy nhiên, khi mà các sàn thương mại điện tử đều thực hiện giảm giá lớn quanh năm và cộng thêm áp lực cạnh tranh từ các nhà bán hàng nhỏ lẻ và linh động, có vẻ mô hình này đã gặp khó khăn trong việc đạt mức lợi nhuận mong muốn. Rõ ràng thị trường thương mại điện tử Việt Nam phát triển và thay đổi quá nhanh, tạo ra nhiều thử thách mới cho các doanh nghiệp”, ông Trường nhận định.

Đại diện iPrice Insighs cho rằng việc Leflair kiên trì lựa chọn mô hình trực tiếp phân phối sản phẩm thay vì cho phép các bên thứ ba tham gia bán hàng trên nên tảng của mình “là một bước đi dũng cảm của một startup” và nó cho thấy công ty quyết tâm theo đuổi định vị cao cấp của mình.

Tuy nhiên, mô hình này cũng đồng thời mang đến rủi ro trong việc làm gia tăng chi phí cố định và giảm khả năng phát triển quy mô của doanh nghiệp, qua đó ảnh hưởng đến doanh thu.

Leflair không phải là trang thương mại điện tử chuyên về thời trang đầu tiên phải chấp nhận từ bỏ cuộc chơi ở Việt Nam. Một năm trước, Robins.vn, tiền thân là Zalora, cũng đã dừng hoạt động sau 7 năm dù được tập đoàn bán lẻ hùng mạnh với tiềm lực tài chính lớn của Thái Lan là Central Group đứng sau.

Theo iPrice Insights, thời trang là một ngành đặc thù của thương mại điện tử khi khách mua hàng không quá chú trọng về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm như với các mặt hàng điện tử hay mỹ phẩm. Do đó, việc các đơn vị thương mại điện tử bị rơi vào cái bẫy cạnh tranh về giá rất dễ xảy ra.

“Leflair hay Robins – Zalora trước đó đều không tránh được điều này. Họ chỉ thuần bán sản phẩm của những nhãn hàng khác, vốn vẫn được bán qua kênh hàng xách tay với giá rẻ hơn. Điều đó gây cho họ áp lực cạnh tranh cao”, ông Trường đánh giá.

Thống kê của iPrice cho biết trong top 50 website thương mại điện tử có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam, hiện còn 5 đơn vị là chuyên doanh mặt hàng thời trang.

Đây là những doanh nghiệp có các lợi thế cạnh tranh riêng như có dòng sản phẩm riêng được người tiêu dùng biết đến, có hệ thống cửa hàng offline, hoặc chuyên cung cấp những mặt hàng siêu sang với biên lợi nhuận lớn.

“Như vậy, các trang thương mại điện tử về thời trang ở Việt Nam vẫn sống khỏe nếu họ biết tạo lợi thế cạnh tranh cho mình và tránh bị rơi vào cái bẫy cạnh tranh về giá”, ông Trường kết luận.

Theo Zing

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

thirteen + seventeen =

To Top