Connect with us

Làm sao tìm được “quý danh”?

Tin trong nước

Làm sao tìm được “quý danh”?

Sự trùng lặp hoặc giống tên đến mức dễ gây nhầm lẫn đã gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp. Nhưng đâu dễ tránh!

Trong một diễn biến gần nhất vào cuối tháng 5/2011, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển công nghệ Việt Nam (Vinconstec, J.S.C) đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng của Hà Nội và Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đề nghị giúp đỡ xử lý những khó khăn mà đơn vị này gặp phải sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ bắt, khám xét khẩn cấp đối với vị Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Vinconstec 1 vào ngày 17/5/2011. Uy tín và hoạt động của Vinconstec, J.S.C đã bị ảnh hưởng, vì không ít đối tác nhầm tưởng Vinconstec 1 là công ty con của Vinconstec, J.S.C; trong khi đây là hai đơn vị hoàn toàn khác nhau.

Liên lụy vì trùng tên

Trên thực tế, những câu chuyện oái oăm tương tự đã xảy ra không ít. Còn nhớ, hồi giữa năm 2009, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội tiến hành bắt khẩn cấp Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sàn bất động sản Việt Nam; ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Việt Nam (Vreex) cũng phải khổ sở tìm cách thanh minh với khách hàng và phải mất một thời gian dài, hoạt động của Vreex mới ổn định trở lại.

Cũng trong năm 2009, ông Lê Trọng Đỉnh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Quốc tế Kim Đỉnh (Hà Nội) đã hết sức khốn khổ khi báo chí đưa tin: “Giám đốc Công ty TNHH Kim Đỉnh của Hà Nội bị khởi tố vì hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. May mà ông giám đốc kia có cái tên riêng hoàn toàn khác, dần dần đối tác và khách hàng cũng vỡ lẽ. Nhưng dẫu sao, thương hiệu Kim Đỉnh được ông vun vén xây dựng suốt gần 20 năm cũng bị sứt mẻ ít nhiều đối với những độc giả không tìm hiểu kỹ thông tin.

Vì nhiều lý do, có khi vô tình, có khi hữu ý, số doanh nghiệp bị trùng tên gọi hoặc có tên gọi quá giống nhau trên phạm vi cả nước là rất lớn. Tuy chưa có con số thống kê ở tất cả 63 tỉnh thành, nhưng chỉ sau việc điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố Hà Nội đã phát hiện có đến 600 doanh nghiệp bị trùng tên. Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư của thành phố này khi đó đã “trấn an” doanh nghiệp rằng, tuy trùng tên trên một địa bàn, nhưng mỗi doanh nghiệp vẫn sử dụng mã số đăng ký cũ nên đây không phải là việc đáng lo lắng quá mức. Doanh nghiệp bị trùng tên do việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội cũng không bắt buộc phải đăng ký đổi tên. Lý lẽ ấy có thể đúng với các cơ quan quản lý nhà nước, nhưng với đại đa số khách hàng, đối tác của doanh nghiệp thì… hệ quả như đã thấy!

Quay trở lại với trường hợp của Vinconstec, J.S.C và Vinconstec 1, quan chức Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) được hỏi đã khẳng định, hai doanh nghiệp này không thuộc diện trùng tên doanh nghiệp. “Tên đầy đủ của doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh không gây nhầm lẫn với nhau. Tuy nhiên, hai doanh nghiệp này có sự trùng lặp về tên thương mại. Tên doanh nghiệp chỉ là một bộ phận của tên thương mại mà doanh nghiệp sử dụng”, ông này cho biết. Ấy là chưa trùng hẳn mà “má đã sưng” như vậy đó!

Chọn tên đâu dễ!

Theo Nghị định số 43/2010/NĐ-CP do Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, doanh nghiệp không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp khác đã đăng ký trong phạm vi toàn quốc, trừ những doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc đã giải thể. (Trước đây, việc chống trùng tên chỉ áp dụng trong phạm vi mỗi tỉnh, thành).

Các doanh nghiệp đã đăng ký tên doanh nghiệp phù hợp với quy định ở thời điểm đăng ký nhưng không phù hợp với quy định về chống trùng, nhầm lẫn tên doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc vừa nêu không bắt buộc phải đăng ký đổi tên; nhưng cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có tên trùng và tên gây nhầm lẫn tự thương lượng với nhau để đăng ký đổi tên hoặc bổ sung tên địa danh để làm yếu tố phân biệt tên doanh nghiệp. Vấn đề là ở chỗ, nếu không có cơ quan nhà nước rà soát giùm (như trường hợp Hà Nội sau sát nhập), thì doanh nghiệp – kể cả đang tồn tại lẫn sắp ra đời – cũng khó lòng mà biết được “quý danh” của mình đã có ai lựa chọn hay chưa. 

Anh Hoàng Tấn Cường, một doanh nhân đang ấp ủ ý định cho ra đời một công ty chuyên doanh đồ mỹ nghệ tại TP.HCM than thở, anh có thể tra cứu bộ cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp tại thành phố này, nhưng không có cách gì biết được cái tên “nghĩ mãi mới ra” của doanh nghiệp mình có tồn tại ở các tỉnh thành khác hay không. “Đành rằng khi trình lên thì cơ quan cấp giấy phép đăng ký kinh doanh sẽ rà soát, nhưng lỡ như trùng, bị trả lại hồ sơ để làm lại là rất mệt. Mà chưa chắc chọn lại lần 2, lần 3 đã được cái tên “độc”, không trùng với ai!”, anh nói.

Quả thực, gần nửa năm đã trôi qua kể từ khi Nghị định 43/2010/NĐ-CP có hiệu lực, nhưng cho tới thời điểm này, việc tra cứu tên doanh nghiệp, tên thương mại trên phạm vi toàn quốc của doanh nghiệp vẫn không thể thực hiện được. Và thậm chí, đây cũng là nhiệm vụ rất khó khăn ngay cả với các cơ quan quản lý nhà nước. Ngay tại TP.HCM, một địa phương có kho dữ liệu doanh nghiệp trên địa bàn vào loại đầy đủ nhất, thì nhân viên tiếp nhận hồ sơ cũng không thể tra cứu ngay cho doanh nghiệp xem tên có bị trùng hay không mà chỉ có bộ phận xử lý nhập dữ liệu vào hệ thống đăng ký doanh nghiệp mới có khả năng phát hiện được việc trùng tên (nhưng cũng chưa chắc 100% phát hiện được, cho đến khi có sự cố nào đó xảy ra)!

Hiện tại, trung bình mỗi ngày có trên 400 doanh nghiệp đăng ký mới trên toàn quốc và gần 500 doanh nghiệp đăng ký thay đổi thông tin. Rõ ràng, kho dữ liệu được bổ sung, thay đổi từng giờ từng phút. Cách đây nhiều tháng, Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh cho biết, hệ thống “cần thêm một thời gian nữa mới có thể hoàn thiện dữ liệu và đảm bảo về an ninh của hệ thống” trước khi cho phép doanh nghiệp truy cập vào kho dữ liệu, tự tra cứu tên xem trùng hay không. Và đến nay, doanh nghiệp vẫn phải chờ.

Theo Doanh Nhân

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

six + two =

To Top