Connect with us

Lạm phát và khoảng cách giàu nghèo

Tin trong nước

Lạm phát và khoảng cách giàu nghèo

Khoảng cách giàu nghèo trong xã hội đang lớn dần trước sự gia tăng của giá cả tiêu dùng. Trong khi tất cả đều bị thiệt hại do lạm phát thì khoảng cách tích lũy giữa các tầng lớp thu nhập cao và thấp lại rộng ra.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3.2011 tiếp tục tăng mạnh, lên tới 2,17% so với tháng trước, đưa chỉ số giá tiêu dùng của quý I năm nay lên mức 6,12% (so với tháng 12.2010). Điều này khiến cho chỉ tiêu lạm phát cả năm 7% càng khó thực hiện được. Lạm phát tăng mạnh không chỉ khiến cho đời sống của đại bộ phận dân cư khó khăn hơn, mà còn gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.

Câu chuyện tiêu dùng của 2 gia đình thành thị

Gia đình anh Nguyễn Văn Hòa, 32 tuổi, lao động nhập cư từ Nghệ An đang sống ở Khu Công nghiệp Tân Bình (TP.HCM), có thể được xem là điển hình của người lao động có thu nhập thấp ở đô thị. Anh Hòa là thợ hồ, có vợ là công nhân may ở Khu Công nghiệp Tân Bình và một con trai hơn 3 tuổi.

Anh Hòa cho biết, 2 vợ chồng thu nhập tổng cộng 5 triệu đồng/tháng. Tiền thuê nhà, điện nước là 800.000 đồng. Cho con đi nhà trẻ mất 800.000 đồng nữa. Chi tiêu ăn uống dè sẻn và các khoản lặt vặt khác vào khoảng 2,5 triệu đồng. Mỗi tháng, anh chị vẫn cố dành dụm được 1 triệu đồng. Như vậy, trong tổng thu nhập, tỉ lệ chi tiêu của vợ chồng anh Hòa là 80% và tiết kiệm được 20%.

Đó là câu chuyện mà chúng tôi nghe được từ anh Hòa cách đây hơn 3 tháng. Trong vòng vài tháng qua, theo tính toán của các bà nội trợ, giá thực phẩm tăng trung bình 30%. Còn theo thống kê chính thức, chỉ số các mặt hàng ăn uống tăng gần 18%. Như vậy, nhà anh Hòa phải chi thêm khoảng gần 800.000 đồng mỗi tháng cho việc ăn uống. Đó là chưa kể tiền điện đã tăng 15%, tiền học phí tăng hơn 20%. Có thể nói khoản tiết kiệm 1 triệu đồng hằng tháng của vợ chồng anh Hòa xem như không còn, thậm chí phải vay mượn để trang trải chi tiêu trong gia đình.

Trường hợp gia đình nhà chị Phan Thúy Hạnh (tên thật đã thay đổi) lại hơi khác. Cũng ở độ tuổi của anh Hòa, gia đình có 3 người, nhưng vợ chồng chị Hạnh đều có trình độ học vấn cao và thu nhập vào loại khá, khoảng 70 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, họ chi tiêu gần 30 triệu đồng và dành dụm được khoảng 60% thu nhập. Khoản tiết kiệm này được dùng để trả tiền mua một căn hộ chung cư có giá 2 tỉ đồng.

Trong tổng chi tiêu hằng tháng của nhà chị Hạnh, khoảng hơn 6 triệu đồng (10% thu nhập) là chi phí cho thực phẩm. Các khoản đáng kể khác là tiền thuê nhà (7 triệu đồng), tiền học cho con (4 triệu đồng), tiền thuê người giúp việc (2,5 triệu đồng) và các chi phí khác.

Nhưng gần đây, chị Hạnh cho biết, chi phí hằng tháng của gia đình tăng khoảng 20%, khiến chị phải tìm cách cắt giảm các khoản không cần thiết. Nhưng do thu nhập tương đối cao, nên tỉ lệ tiết kiệm không suy giảm đi nhiều. Với mức chi tiêu tăng 20%, tiền tích lũy của gia đình chị giảm đi mỗi tháng 6 triệu đồng, nhưng tỉ lệ tiết kiệm vẫn còn duy trì được ở mức 50% tổng thu nhập.

Chị Hạnh thừa nhận mình vẫn còn khá hơn rất nhiều so với những người như anh Hòa, vì họ hiện giờ không thể tiết kiệm nổi.

Hai câu chuyện trên chứng minh một lý thuyết đã được nhiều nhà kinh tế đề cập đến: lạm phát khiến cho hầu hết các tầng lớp thu nhập trong xã hội bị mất mát, nhưng tỉ lệ mất mát lớn nhất đang thuộc về những người có thu nhập thấp.

Khi giá cả tăng mạnh hơn so với thu nhập của người dân, mọi tầng lớp trong xã hội đều thấy hầu bao vơi đi một ít. Đối với những người có thu nhập quá thấp, nhiều khả năng họ bị đẩy xuống dưới mức nghèo khó. Hiện nay, trong phân loại tầng lớp thu nhập của Việt Nam, đại bộ phận những người có thu nhập thấp là nông dân và dân nghèo thành thị.

Giá nông sản tăng, đời sống nông dân có tốt hơn?

Một yếu tố được xem là đỡ nản lòng hơn trong bối cảnh bão giá là giá cả nông lâm sản liên tục tăng trong vài năm trở lại đây, cao hơn mức tăng của hàng công nghiệp. Chẳng hạn, giá gạo xuất khẩu đã tăng 66% kể từ tháng 10.2007.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2010 giá xuất khẩu các loại nông sản đã tăng vọt như giá sắn tăng 90%, giá cao su tăng 81%, giá hạt tiêu tăng gần 40%, hạt điều tăng 22%. Xét ở góc độ này, thu nhập bình quân của nông dân trong những năm qua đã được cải thiện hơn nhiều và khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị đã được rút ngắn.

Tuy nhiên, xét ở những góc độ khác, chúng ta không nên vội mừng. Đất đai nông nghiệp đang bị thu hẹp mạnh do tốc độ đô thị hóa nhanh, khiến nhiều nông dân không có đủ đất để canh tác. Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Vinamit, lưu ý rằng mặc dù giá tăng nhưng sản lượng nông nghiệp của Việt Nam trong nhiều năm qua tăng rất ít hoặc không đáng kể. Trong khi giá xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp tăng mạnh, số liệu của Tổng cục Thống kê lại cho thấy giá trị sản lượng nông lâm ngư nghiệp của Việt Nam năm 2010 chỉ tăng 4,9%, thấp hơn mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội.

Trong khi đó, quá trình đô thị hóa song hành với chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng như chuyển đổi sở hữu đất đai. Điều này khiến cho một số người giàu lên với tốc độ chóng mặt, tạo nên một tầng lớp người giàu mới tại Việt Nam trong những năm qua.

Nông dân cũng là người tiêu dùng và bị ảnh hưởng bởi việc giá cả gia tăng. Theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Đức Thành hàng nông sản tăng chậm hơn so với hàng tiêu dùng, trong khi CPI không tính đến sự tăng giá của các nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp. “Tôi cho rằng nông dân không được lợi gì nhiều lắm từ việc giá nông sản tăng. Giá nông sản tăng chỉ làm giảm thiệt hại của họ do lạm phát cao gây ra mà thôi”, ông nói.

Có thể thấy, lạm phát cao đã làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Bởi lẽ, trong khi tất cả đều bị thiệt hại do lạm phát thì khoảng cách tích lũy giữa các tầng lớp thu nhập cao và thấp lại rộng ra.

NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

two + six =

To Top