Connect with us

Kinh doanh nước khoáng: “Biến nước thành tiền”

Tin trong nước

Kinh doanh nước khoáng: “Biến nước thành tiền”

Trong khi nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác lao đao do kinh tế khó khăn, các công ty kinh doanh nước khoáng vẫn kiếm được lợi nhuận.

Vẫn có lãi, vẫn tăng trưởng nhưng các công ty ngành này lại ít thu hút sự chú ý. Chỉ đến khi Công ty Nước khoáng Vĩnh Hảo được Công ty Hàng Tiêu dùng Masan mua lại với giá cao thì chuyện kinh doanh nước khoáng mới bắt đầu nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư.

Chưa thể khẳng định đang có một làn sóng đầu tư vào các công ty nước khoáng dù gần đây đã có ít nhất 2 thương vụ diễn ra liên tiếp. Nổi bật nhất là thương vụ Masan mua Vĩnh Hảo. Tính đến cuối tháng 3.2013, Masan đã hoàn tất mua hơn 63% cổ phần Vĩnh Hảo với giá 85.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, Masan đã định giá Vĩnh Hảo gấp hơn 50 lần lợi nhuận sau thuế năm 2012 của công ty này.

Masan cũng có nhu cầu mua thêm doanh nghiệp trong lĩnh vực nước giải khát để hoàn thiện chuỗi giá trị từ nông trại đến bàn ăn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận Masan đã nhận thấy tiềm năng lớn của Vĩnh Hảo nên mới trả giá cao như vậy. Nhất là khi Masan là một tay lão luyện trong các thương vụ mua bán và sáp nhập ở ngành hàng này.

Tiềm năng “biến nước thành tiền” của ngành kinh doanh nước khoáng có thể thấy qua các khoản đầu tư gần đây, điển hình là La Vie. Cuối năm 2012, Nước khoáng La Vie (thuộc Nestlé Waters) cho biết đã rót thêm 12 triệu USD để xây dựng dây chuyền mới tại Long An, nâng tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực này lên gấp đôi. La Vie hiện chiếm khoảng 30% thị trường nước uống đóng chai và cũng là lớn nhất trong số các công ty kinh doanh nước khoáng.

Sức hút của ngành này còn có thể thấy qua một nghiên cứu của Nielsen. Theo nghiên cứu này, thị trường nước đóng chai năm 2012 đã đạt mức tăng trưởng 23% so với năm 2011. Đáng chú ý là khả năng phát triển hơn nữa của thị trường này với quy mô đến năm 2014 có thể đạt tới 300 triệu USD doanh thu.

Nhu cầu tiêu thụ ổn định là lý do các doanh nghiệp trong ngành kỳ vọng vào triển vọng phát triển kinh doanh trong tương lai. Sau khi mua Vĩnh Hảo, Masan kỳ vọng doanh thu của Vĩnh Hảo có thể tăng 5-8 lần trong vài năm tới.

Ngoài nhu cầu tăng mạnh, nước khoáng được xem là ngành “biến nước thành tiền” còn vì có tỉ suất lợi nhuận cao. Ở Vĩnh Hảo, lợi nhuận gộp luôn cao hơn 35% và chỉ số lợi nhuận/vốn (ROE) xấp xỉ 20%. Nước khoáng Khánh Hòa (Đảnh Thạnh) có lợi nhuận gộp trên 30% và ROE trên 20% trong 3 năm trở lại đây.

Chuyên viên đầu tư phụ trách ngành hàng tiêu dùng của một quỹ đầu tư tại TP.HCM (không muốn nêu tên) cho rằng các thương vụ đầu tư vào một số doanh nghiệp nước khoáng gần đây còn là bởi khả năng mở rộng danh mục sản phẩm. “Khả năng mở rộng thị trường và tăng doanh thu nhờ vào đa dạng hóa danh mục sản phẩm mới là điểm cốt yếu”, vị này nói. Thị trường mới chỉ có các sản phẩm nước khoáng tinh khiết đơn thuần. Nước khoáng có hương vị khác nhau chỉ mới bắt đầu phát triển và chưa thực sự đa dạng.

Chẳng hạn ở Nước khoáng Đảnh Thạnh, ngoài 5 chủng loại nước khoáng tinh khiết, Công ty còn có khoảng 10 loại nước khoáng với các mùi vị khác nhau, nhưng chủ yếu là vị trái cây. Tương tự, Nước khoáng Vital ngoài 4 chủng loại chính còn có thêm 3 sản phẩm nước khoáng pha hương trái cây. Vĩnh Hảo cũng có thêm 3 mùi vị nước khoáng khác bên cạnh danh mục sản phẩm nước khoáng thiên nhiên.

Hiện nay, trên thị trường nước khoáng có khoảng 20 thương hiệu như La Vie, Vĩnh Hảo, Evian, Thạch Bích, Đảnh Thạnh, Vital… Thị trường lớn nhưng quy mô của hầu hết công ty trong ngành còn tương đối nhỏ và phân tán nên chưa khai thác tối đa tiềm năng của thị trường.

Tính đến đầu năm 2013, Vĩnh Hảo mới chỉ có vốn điều lệ 81 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu hơn 100 tỉ đồng. Theo báo cáo tài chính mới nhất của Đảnh Thạnh, năm 2010, tổng tài sản của Công ty chưa đến 60 tỉ đồng.

Tính phân tán thể hiện rõ ở từng vùng. Chẳng hạn Vital chỉ “cát cứ” ở miền Bắc, Khánh Hòa thì có Đảnh Thạnh, Quảng Ngãi có Thạch Bích, Vĩnh Hảo thì trải rộng khu vực miền Nam và miền Trung.

Theo Giám đốc Khối Tư vấn Doanh nghiệp của một công ty chứng khoán (không muốn nêu tên), đây là điểm thuận lợi cho các công ty lớn muốn nhảy vào thị trường đầy tiềm năng này vì có thể giúp họ dễ dàng thâu tóm các công ty trong ngành. Đồng thời, nhờ tận dụng hệ thống phân phối rộng lớn của mình, chẳng hạn như Masan, họ có thể dễ dàng đưa hàng đi khắp cả nước để cạnh tranh với những sản phẩm địa phương. Nhờ vậy, có thể kiểm soát chi phí quảng bá, vốn khá lớn ở các công ty tiêu dùng, đồng thời làm tăng lợi nhuận.

Ở trường hợp của Vĩnh Hảo, Masan đã mua chi phối và tích hợp hệ thống phân phối của Vĩnh Hảo vào Tập đoàn. Giờ hãy chờ xem Masan biến nước thành tiền như thế nào.

Theo NCĐT 

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

three × four =

To Top