Connect with us

Kinh doanh hàng không lỗ nhiều hơn lãi

Tin quốc tế

Kinh doanh hàng không lỗ nhiều hơn lãi

Các hãng hàng không có thể dễ dàng giải bài toán trọng lực trái đất, nhưng lại đau đầu trước phép tính doanh thu. Thực tế cho thấy, kinh doanh hàng không lỗ nhiều hơn lãi.

Giá nhân công đắt đỏ, chi phí nhiên liệu ngày một tăng cao trong khi hành khách có xu hướng chuyển sang chuộng hàng không giá rẻ là những nguyên nhân chính khiến ngành hàng không ngày một chật vật. Ngoài ra, vào những thời điểm đặc biệt như nguy cơ khủng bố tăng cao hay dịch bệnh bùng nổ cũng khiến các công ty vận chuyển đường bay đối mặt với nguy cơ phá sản.

“Đó là vụ đặt cược mạo hiểm”, Bill Diffenderffer, CEO của hãng hàng không đã “chết yểu” Skybus Airlines thừa nhận. Hãng này ngừng bay từ tháng 4/2008 sau khi mới hoạt động chưa đầy một năm. Thời gian đó, cùng “chết” với Skybus còn có 3 hãng khác cũng sập tiệm chỉ trong vòng một tuần.

Còn nếu nhìn chung trên toàn thị trường trong thập kỷ vừa qua, các hãng hàng không Mỹ đã lỗ tổng cộng 54,5 tỷ USD, và trong 10 năm hoạt động có tới 7 năm lỗ.

Nhìn chung, việc kiếm ra đồng tiền chưa bao giờ là dễ dàng đối với các hãng hàng không thế giới. Chỉ tính riêng chi phí mua máy bay cũng đã là một khoản khổng lồ. Một chiếc Boeing 737 mới xuất xưởng có giá 80 triệu USD và nếu doanh nghiệp đi thuê, họ cũng tốn tới 300.000 USD mỗi tháng.

Nhiên liệu cũng là một vấn đề nan giải khi giá dầu nhảy múa liên tục. Đây là chi phí lớn nhất của các hãng hàng không. Năm ngoái, tính trung bình giá xăng tại Mỹ ở mức 2,32 USD một gallon và tăng lên 3,01 USD trong năm nay. Chi phí nhiên liệu tăng cao càng khiến bài toán doanh thu trở nên khó giải.

Ngoài ra, phi công, thợ máy và nhân sự tại các bộ phận khác thuộc ngành hàng không luôn là những nghề đòi hỏi mức lương cao. Cùng lúc đó, quy định giới hạn giờ làm việc đối với nhân sự ngành này khiến các hãng càng phải thuê thêm nhiều nhân công để lấp chỗ trống.

Chưa hết, hàng không là một ngành nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi rất nhiều loại tác động từ thời tiết, thảm họa thiên tai như động đất, núi lửa phun trào, đến dịch bệnh. Ở một số thời điểm, nguy cơ khủng bố đột ngột xuất hiện khiến các hãng cũng lao đao khi hành khách quay lưng, chính phủ thì siết chặt việc kiểm soát. Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa rồi cũng đã đánh gục hàng loạt hãng hàng không.

Kinh doanh đã khó khăn, các hãng còn phải cạnh tranh quyết liệt với nhau để giành khách. Khi một công ty nào đó tuyên bố cắt giảm giá vé, những đối thủ còn lại không có cách nào khác cũng phải hạ theo dù biết rõ rằng lợi nhuận sẽ bị sụt giảm. Vì họ hiểu rằng khách hàng thời thắt lưng buộc bụng sẵn sàng quay lưng với hãng hàng không yêu thích chỉ vì muốn tiết kiệm từng 10 USD.

Hồi 2006, United và Continental là hai hãng “ruột” của 53% khách hàng tại San Francisco. Tuy nhiên khi đối thủ mới Virgin America nhảy vào sân chơi, lượng hàng khách chọn hai hãng trên giảm liên tục và chỉ còn dưới 45% vào năm 2010. Hiện Virgin chiếm hơn 6% lưu lượng đi lại bằng đường không của cư dân vùng San Francisco.

Để đối phó với đối thủ mới , United Airlines đã phải làm nhiều cách như hạ giá vé và do đó doanh thu cũng sụt theo. Còn phía bên kia, đối thủ của họ cũng không khá hơn. Kể từ khi cất cánh vào tháng 8/2007 đến nay, Virgin America đã lỗ tổng cộng 661,4 triệu USD.

Còn đối với công ty mẹ của hãng hàng không vừa xin phá sản là AMR Corp, sức ép còn lớn hơn nữa. Hôm thứ ba tuần trước khi hãng nộp đơn xin bảo hộ theo Chương 11, khoản nợ đã phình to tới 29,6 tỷ USD trong khi toàn bộ tài sản chỉ trị giá 24,7 tỷ USD.

Những nhà phân tích ngành hàng không vẫn chưa quên thời các hãng hàng không còn chịu sự quản lý của Chính phủ Mỹ. Khi đó, hãng nào bay từ đâu đến đâu, đưa ra giá vé bao nhiêu tiền đều phải được sự cho phép của các nhà quản lý. Vào thời kỳ này, việc đi lại bằng hàng không rất đắt đỏ nhưng bù lại, hãng nào cũng có lợi nhuận lành mạnh.

“Thời đó, các hãng không bao giờ lo đến nguy cơ phá sản”, John P. Heimlich, chuyên gia kinh tế trưởng của Hiệp hội hàng không Airlines for America cho biết.

Thế rồi mọi việc thay đổi vào năm 1978 khi Chính phủ Mỹ quyết định bãi bỏ quy định trên, cho phép các hãng hàng không bước vào thời kỳ cạnh tranh. Tuy người dân từ đó được hưởng giá vé thấp nhưng đổi lại, lợi nhuận của hãng cũng đi xuống theo.

Nhiều hãng gạo cội cố gắng thích nghi với tình hình mới nhưng phần lớn thất bại khi thời thế đã hoàn toàn xoay chuyển, Hàng loạt cái tên như Braniff, Continental và Eastern đều đã phải tái cơ cấu. Những đối thủ mới hơn vội vàng nhảy vào thị trường vì cho rằng cơ hội của họ đã đến, nhưng cũng không ít cái tên đã nhanh chóng rơi vào quên lãng. Ví dụ như PeopleExpress, hãng hàng không được doanh nhân Donald C. Burr sáng lập năm 1981. Sau khi ra đời, hãng này nhanh chóng thu hút sự chú ý khi giá vẻ rẻ chỉ từ 19 USD. Tuy nhiên, lợi nhuận không kéo dài lâu khi American Airlines giới thiệu gói vé còn rẻ hơn nữa vào năm 1985 và đã “kết liễu” PeopleExpress gần như chỉ sau một đêm. Cuối cùng, sau khi trầy trật thêm 2 năm, hãng hàng không này đã bị Continental mua lại vào năm 1987.

Nhiều người tự hỏi, nếu hàng không là lĩnh vực đầy chông gai như thế, sao nhiều người vẫn còn lao vào. “Đây không giống như nghề sản xuất giấy vệ sinh mà là một ngành rất quyến rũ”, người sáng lập hãng hàng không đã chết yểu PeopleExpress phát biểu. “Tuy nhiên, theo tôi thì ngành này đã thu hút những người không phải giỏi nhất, sáng chói nhất. Những người đó đã đến thung lũng công nghệ Silicon Valley, hoặc các trường đại học, các công ty dược phẩm hết rồi. Và đó cũng có thể phần nào là một trong những nguyên nhân khiến hàng không gặp nhiều khó khăn như hiện nay”.

Theo vnexpress

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

9 − six =

To Top