Connect with us

Kinh doanh dịch vụ taxi: Xe lớn kẹt ngoài lộ lớn

Tình huống thương hiệu

Kinh doanh dịch vụ taxi: Xe lớn kẹt ngoài lộ lớn

Là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định nhất, thị trường thu hút hàng trăm doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ taxi với hàng trăm ngàn xe. 

Vì thế, áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng khiến thị trường phân chia mạnh, làm lụn bại cả những thương hiệu lớn và buộc các thương hiệu khác phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Thị trường taxi dường như sắp bước vào ngưỡng cung vượt cầu và tại thời điểm này, một cuộc cạnh tranh mang tính “định hình thị trường” đã bắt đầu khởi động.

Ánh kim của Vinasun

Nếu tham gia đại hội cổ đông của một số DN, tập đoàn, tổng công ty có kinh doanh ngành vận tải công cộng nói chung, vận tải taxi nói riêng, rất dễ nhận thấy một điều: Năm 2011, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn về vĩ mô, nhưng các DN kinh doanh ngành taxi tiếp tục đạt những con số rất ấn tượng.

Đơn cử như năm 2011, Vinasun Corp. hoạt động khá hiệu quả, về mặt doanh thu cả năm đạt trên 2.274 tỷ đồng, tăng 38% so với doanh thu 1.644 tỷ đồng của năm 2010. Doanh thu của Tập đoàn Hoàng Long năm 2011 cũng đạt 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 61,6 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế tăng 15,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Các thương hiệu khác như Vinataxi, Petrolimex, SaigonTourist, Mai Linh và V20… cũng cho biết đạt kế hoạch lợi nhuận vì yêu cầu về dịch vụ ngày càng cao. 

Bên cạnh việc đưa ra con số lợi nhuận năm cũ, các DN tiếp tục dự kiến sự phát triển của ngành trong tương lai. Đó là con số tương đối về lượng khách hàng dùng dịch vụ taxi luôn tăng đều từ 10 – 15% so với năm trước.

Không chỉ vậy, các DN này còn dự đoán tình hình kinh doanh sẽ tiếp tục thuận lợi vì mùa mưa mới vừa bắt đầu, nhiều người chưa có thói quen đi taxi nhưng trong mùa mưa cũng phải dùng dịch vụ này. Hơn nữa, trong thời gian nghỉ Hè, taxi cũng là phương tiện “đắc lực” để các gia đình tổ chức cho trẻ em đi chơi.

Chưa kể đến việc người dân sẽ chuyển sang dùng dịch vụ taxi nhiều hơn khi hàng loạt phí vận tải cá nhân sắp được ban hành; nhiều DN ký hợp đồng dài hạn với các hãng taxi…

Bởi vì, nếu mua xe hơi thì phải đầu tư cỡ vài chục ngàn USD để “tậu” xe, sau đó tốn thêm tiền “nuôi” tài xế, tiền xăng, tiền bảo dưỡng, bãi đậu xe… rất rườm rà, trong khi thuê dài hạn một chiếc xe đời mới của các hãng taxi chỉ trên dưới chục triệu đồng/tháng nếu dùng liên tục, còn dùng theo sự vụ thì tiết kiệm hơn nhiều.

Đáp ứng nhu cầu thị trường, Mai Linh đang đầu tư khai thác mạnh ở lĩnh vực khách hàng là DN thuê xe phục vụ văn phòng dài hạn. Vinasun cũng cho biết sẽ tiếp tục đầu tư lớn để chiếm lĩnh thị trường taxi TP.HCM.

Tổng số đầu xe của Vinasun hiện đã lên hơn 3.500 chiếc, hạn sử dụng của mỗi xe đều không quá 3 năm. Cũng như Mai Linh, Công Ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) tiếp tục tăng số lượng DN sử dụng dưới dạng taxi card, thẻ nhựa…

7 tỷ đồng của Mai Linh 



So với nhiều ngành cung cấp dịch vụ khác, phải thừa nhận nhà cung cấp dịch vụ taxi hiện vẫn đang chiếm thế thượng phong trên thị trường. Thế nhưng, các DN kinh doanh taxi lại than đang gánh trên lưng nhiều áp lực: giá vật tư, phí trước bạ, chi phí đầu tư phương tiện liên tục tăng, phí bảo trì, phí điều chỉnh đồng hồ tính cước…

Chính điều này giải thích vì sao thị trường luôn được đánh giá là tiềm năng nhưng không phải DN kinh doanh taxi nào cũng có thể thu lợi nhuận cao.

Mai Linh là một ví dụ điển hình khi thương hiệu lớn này lại có nhiều năm lỗ ròng. Ông Hồ Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Mai Linh, chia sẻ, với tình hình khủng hoảng hiện nay, Mai Linh không phải trường hợp cá biệt.

Điều đó giải thích vì sao dù Tập đoàn Mai Linh đã mở rộng hoạt động tại 53 tỉnh, thành trong cả nước với khoảng 100 công ty thành viên, có khoảng 9.200 phương tiện, thu hút được trên 26.000 nhân viên làm việc tại bốn khu vực cả trong nước và nước ngoài…, nhưng trên thực tế Mai Linh lỗ từ năm 2007 đến nay.

Đến 6 tháng đầu năm 2011, toàn hệ thống của Mai Linh lãi hơn 61 tỷ đồng. Tưởng rằng khó khăn đã dừng lại ở đó, nhưng lãi suất Ngân hàng tăng nhanh đột biến nên thống kê 9 tháng đầu năm 2011, trừ lãi suất Ngân hàng thì Mai Linh chỉ còn 7 tỷ đồng. 

Vinasun được xem là đã tăng trưởng mạnh qua các năm, tích lũy vốn chủ sở hữu lớn. Song, ông Nguyễn Bảo Toàn, Phó tổng giám đốc Vinasun, vẫn than rằng “công ty kinh doanh dịch vụ vận tải mà cứ nghe đồn giá xăng rục rịch tăng, sẽ thêm loại phí này phí kia là đổ mồ hôi hột”.

Theo DNSG

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

twenty − eight =

To Top