Connect with us

Không kiếm được tiền lại còn thua kiện

Tin trong nước

Không kiếm được tiền lại còn thua kiện

Lần đầu tiên tại Việt Nam, một vụ tranh chấp tên miền được giải quyết bằng con đường toà án. Nguyên đơn là một công ty nước ngoài đã đeo đuổi tới cùng vụ kiện vốn được xem bình thường ở các toà án nước ngoài. Một cú hích cho nền tư pháp nước nhà thời hội nhập.

“Chấm com và chấm vn”

Đã hơn bốn năm trôi qua kể từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO, dấu ấn của quá trình hội nhập đã hiện diện ở khắp mọi nơi, mọi ngành chỗ nhiều chỗ ít trong đó có ngành tư pháp, một trong những ngành chắc chắn sẽ có những thách thức không nhỏ. Nhưng, những thách thức ấy hoá ra lại đem đến nhiều điều tích cực như những cú hích cần thiết để phát triển. Vụ việc sau là một ví dụ:

Ngày 29.3.2011 vừa qua, toà phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đã ra bản án/quyết định số 52/2011/KDTM-PT với nguyên đơn là công ty Samsung Electronics Co., Ltd Hàn Quốc và bị đơn là một cá nhân/công dân Việt Nam để kết thúc một vụ kiện liên quan đến một đối tượng/loại vụ việc rất mới và lần đầu tiên được đưa ra xét xử theo trình tự tư pháp.

Nội dung vụ kiện xoay quanh việc bị đơn đã đăng ký tên miền “Samsungmobile.com.vn”, “Samsungmobile.vn” mặc dù trên thực tế bị đơn không hề có bất kỳ hoạt động gì có liên quan đến cái tên “Samsung” hoặc “Samsung Mobile” cả và sau đó, rao bán tên miền này trên trang web “muare.com” với cái giá lên tới 80 triệu đồng. Samsung, một tập đoàn toàn cầu, đã đăng ký và sử dụng tên miền “Samsungmobile.com” tất nhiên không muốn có bất cứ sự nhầm lẫn nào giữa công ty mình và người sở hữu tên miền “Samsungmobile.com.vn” nói trên, đã tìm cách đàm phán để có thể mua lại tên miền, nhưng lúc này cái giá bên đăng ký đưa ra đã là 218,2 triệu đồng.

Nhận thấy không thể giải quyết được bằng con đường thương lượng, Samsung đã kiện bị đơn ra Toà án Hà Nội với lập luận cơ bản là: i) Samsung đã đăng ký và sở hữu nhãn hiệu Samsung tại Việt Nam theo số 9143 và Samsung cũng sở hữu website “Samsungmoblie.com”; ii) bị đơn không có mối liên hệ, quyền và lợi ích nào gắn với nhãn hiệu Samsung và công ty Samsung; iii) bị đơn đăng ký các tên miền tranh chấp chỉ nhằm mục đích trục lợi và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

TAND thành phố Hà Nội bằng bản án số 69/2010/KDTM–ST ngày 2.6.2010 đã ra phán quyết theo hướng chấp nhận một phần yêu cầu của Samsung. Không đồng ý với phán quyết trên, Samsung đã kháng cáo và bản án phúc thẩm tuyên ngày 29.3.2010 vừa qua chính là quyết định cuối cùng của vụ việc. Samsung đã bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Làm quen các tranh chấp mới

Vụ kiện của Samsung là minh chứng cho một trào lưu đang – theo một cách nào đó – thúc đẩy nền tư pháp Việt Nam phát triển, đặc biệt là hệ thống toà án phải nâng cao vai trò của mình trong việc xử lý các tranh chấp có thể coi là rất mới. Có thể, như rất nhiều người trong giới/ngành tư pháp thường nói, lĩnh vực sở hữu trí tuệ là mới mẻ với người dân nói chung và với ngành tư pháp nói riêng (khác với các tranh chấp truyền thống về dân sự, kinh tế, thương mại).

Tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ cũng rất ít và nếu tranh chấp đó lại có sự giao thoa, liên quan đến những yếu tố/vấn đề về công nghệ thông tin, thương mại điện tử như tên miền, website và sở hữu trí tuệ (như nhãn hiệu trong trường hợp này) thì lại càng hiếm hoi mà vụ Samsung có thể coi như vụ đầu tiên.

Trong khi đó, Việt Nam chúng ta cũng không có các thẩm phán được đào tạo riêng, không có hệ thống toà riêng biệt chuyên để xét xử các tranh chấp về sở hữu trí tuệ như các nước khác. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì tranh chấp vẫn cứ là tranh chấp và toà án cần phải xét xử khi có đơn khởi kiện, vẫn phải ra phán quyết.

Phán quyết của toà khi đó không chỉ có ý nghĩa trong một vụ việc cụ thể như giữa Samsung và bị đơn mà nó còn có ý nghĩa trong những vụ việc chưa phát sinh, có ý nghĩa đối với chính những thẩm phán khác khi gặp những vụ việc tương tự và do vậy không còn cách nào khác, áp lực phải giải quyết vụ việc sẽ buộc/giúp cho những người có liên quan trước hết là các thẩm phán phải phát triển để theo kịp sự phát triển của xã hội.

Trước vụ tranh chấp tên miền này của Samsung, toà án cũng đã lần đầu tiên xét xử một vụ kiện về hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với sản phẩm thuốc tránh thai khẩn cấp Postinor mà ở đó toà án đã phải xác định có hay không hành vi cạnh tranh không lành mạnh và mức bồi thường thiệt hại là bao nhiêu, căn cứ trên có sở nào.

Tới đây, những vụ kiện gọi là “mới” tương tự cũng sẽ nảy sinh, nhất là ở các thành phố lớn như các vụ kiện liên quan đến tên miền, đến cạnh tranh không lành mạnh, bản quyền phần mềm máy tính v.v. Rõ ràng, đứng trước những thách thức là các vụ kiện như vậy, toà án cũng như các thẩm phán không có quyền từ chối xét xử.

Mà muốn xét xử được thì không thể không có những hiểu biết sâu sắc về vấn đề mà mình đang xem xét. Và để có những kiến thức như vậy thì ai cũng như ai, đầu tiên phải tự mình nâng cao trình độ, học hỏi từ các chuyên gia cũng như kinh ngiệm của các thẩm phán từ các nước khác nhau, đặc biệt từ những nước phát triển. Đấy chính là ví dụ sinh động của quá trình chuyển mình để hội nhập của ngành tư pháp.

Theo SGTT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

seven − 2 =

To Top