Connect with us

Khởi nghiệp từ vốn cộng đồng

Tình huống thương hiệu

Khởi nghiệp từ vốn cộng đồng

Để xuất bản một quyển sách có chi phí 50 triệu đồng, bạn có hai lựa chọn: hoặc đi tìm một nhà đầu tư bỏ ra toàn bộ chi phí, hoặc thuyết phục 1.000 cá nhân đóng góp mỗi người 50 nghìn đồng. Cách thứ hai chính là mô hình hoạt động của quỹ cộng đồng (crowdfunding).

Tận dụng sức mạnh cộng đồng

Những ngày đầu khởi nghiệp với ý tưởng về thiết bị đo lường hiệu quả của các bài tập thể dục hàng ngày của mỗi cá nhân, Vũ Xuân Sơn (Sonny Vũ) phải đối mặt với trở ngại từ việc tìm nguồn vốn để phát triển. Ông đã tìm đến website huy động vốn cộng đồng nổi tiếng ở Mỹ IndieGogo như một giải pháp.

Thông qua những giới thiệu về sản phẩm và tương tác thuyết phục cộng đồng, 8.000 nhà tài trợ cá nhân đã hỗ trợ dự án Misfit Shine của Sonny Vũ 800.000 USD, gấp 8 lần con số ông mong đợi ban đầu. Đến nay, Sonny Vu cùng các cộng sự đã thành lập hãng công nghệ Misfit Wearables ở Mỹ và Shine tiếp tục được hoàn thiện với nhiều phiên bản tốt hơn.

Shine là một trong hàng nghìn dự án về văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, kinh doanh…đang huy động vốn của cộng đồng thông qua các website nổi tiếng như Kickstarter, Indiegogo, Gofundme…

Hình thức gây quỹ cộng đồng bắt đầu phát triển từ năm 2000 phổ biến ở các lĩnh vực xuất bản phim ảnh, sách, ứng dụng điện thoại, các sản phẩm, thiết bị gia dụng… Tính đến năm 2012 đã có 536 website hoạt động về gây quỹ cộng đồng hỗ trợ huy động 2,7 tỷ đô la trên toàn thế giới.

Các website này cho phép cá nhân hoặc nhóm tổ chức mới khởi nghiệp chia sẻ ý tưởng, sản phẩm của mình đến với cộng đồng. Hình thức phổ biến nhất mà các chủ dự án sử dụng là một đọan video ngắn giải thích rõ ràng ý tưởng thực hiện và các số vốn huy động được sẽ đóng góp vào dự án thế nào.

Cộng đồng quen thuộc của mỗi website crowdfunding sẽ theo dõi các dự án và quyết định mức độ đầu tư để thực hiện ý tưởng đó từ 1 đô đến 1.000 đô hoặc hơn tùy theo quy định của mỗi dự án. Tương ứng, chủ dự án sẽ có những phần quà cảm ơn người hỗ trợ. Các phần quà này thường là ưu đãi giảm giá sản phẩm, một bữa ăn tối với đoàn làm phim, quyền dùng thử ứng dụng game đầu tiên nhưng không chuyển nhượng quyền sở hữu đối với sản phẩm hay dự án.

Sau thời gian quy định, nếu dự án không gây đủ số tiền ban đầu đề ra thì toàn bộ số tiền đã gây quỹ được sẽ trả về cho từng người hỗ trợ. Điều này thúc đẩy chủ dự án phải thường xuyên tương tác với cộng đồng như cập nhật tiến độ thực hiện dự án, giới thiệu các ưu đãi với các mức độ đầu tư, trả lời các ý kiến đóng góp.

Mức độ tương tác càng cao càng thuyết phục được cộng đồng về sự tin cậy và tâm huyết của chủ dự án.

Cơ hội và thách thức

Theo các chuyên gia của Forbes, crowdfunding là giải pháp tối ưu với những dự án khởi nghiệp nhỏ, chưa chứng minh được khả năng với những nhà đầu tư lớn. Thay vì thuyết phục 1 người đầu tư 50 triệu đồng thì huy động 50 người mỗi người đóng góp 1 triệu đồng sẽ mang đến cho nhà khởi nghiệp nhiều lợi ích về marketing.

Trong trường hợp huy động vốn không thành công, chủ dự án ít nhất đã thiết lập được mạng lưới những khách hàng thân thiết dõi theo sản phẩm của mình. Điều này có thể mở ra những cơ hội tìm kiếm đầu tư mới nếu chủ dự án tiếp tục chứng minh cho cộng đồng thấy sự khả thi của dự án.

Mặt khác, thông qua tương tác trong quá trình huy động vốn, nhà khởi nghiệp có thể đo lường được mức độ hứng thú của cộng đồng. Từ đó giúp nhà khởi nghiệp tiết kiệm chi phí khi điều chỉnh sản phẩm ở giai đoạn sản xuất mẫu.

Mô hình crowdfunding tham gia thị trường Việt Nam lần đầu tiên vào cuối năm 2012. Cộng đồng trong nước vẫn cần thời gian để hình thành thói quen đầu tư cho các dự án nhỏ từ tiền cá nhân của mình.

Chuồn Chuồn Couples là một trong những dự án đầu tiên tham gia huy động vốn cộng đồng trong nước năm 2013. Chị Phạm Thanh Thúy Vy, phụ trách truyền thông gây quỹ của dự án cho biết, dự án gặp trở ngại khá lớn từ tâm lý thích “nhấn like động viên” hơn việc đầu tư trực tiếp bằng tiền mặt cho những dự án của người Việt. Ngoài ra, hệ thống thanh toán trực tuyến còn nhiều lỗi kỹ thuật gây khó khăn cho người muốn đóng góp.

Sau một tháng tìm hiểu và thử nhiều cách huy động nguồn lực khác nhau, website gây quỹ thông báo dự án Chuồn Chuồn Couples gây quỹ được 10 triệu. Đây là mục tiêu ban đầu do dự án đề ra.

Chị Thúy Vy chia sẻ: “Kết thúc chiến dịch, lợi ích lớn nhất tôi nhận được không phải tiền mà chính là những bài học kinh nghiệm quý giá từ giới thiệu dự án lẫn làm việc với nhiều đối tác liên quan. Chúng sẽ giúp tôi sẵn sàng hơn cho các chiến dịch gây quỹ tiếp theo”.

Ở giai đoạn mô hình crowdfunding chưa phát triển hiện nay, để thuyết phục một cá nhân đầu tư dù chỉ 20.000 đồng cho một dự án đòi hỏi nỗ lực của nhiều bên. Trước hết website hỗ trợ gây quỹ phải xây dựng mạng lưới giao dịch ổn định, minh bạch làm cầu nối xác tín cho dự án đến với số đông công chúng.

Bên cạnh đó, ngoài quảng bá sản phẩm, chủ dự án cần chứng minh mức độ cam kết thực hiện dự án sau khi kết thúc quá trình gây quỹ.

Trong lúc mô hình crowdfunding trong nước chưa phát triển thì các website gây quỹ lớn trên thế giới có thể là lựa chọn cho các nhà khởi nghiệp Việt Nam.

Theo DNSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

nineteen − seven =

To Top