Connect with us

Khách hàng và thương hiệu – Có phải tình yêu?

Chiến lược thương hiệu

Khách hàng và thương hiệu – Có phải tình yêu?

Bạn vẫn tự hỏi tình yêu có liên quan gì không? Có nhiều là đằng khác. Điều mấu chốt là làm sao để tạo ra tình yêu ấy. Và cách tốt nhất chính là trở thành người đầu tiên trong tâm trí khách hàng.

“Tình yêu” – đề tài bất tận của thơ ca nhạc họa, và giờ đây là thương hiệu khi hàng loạt chiến dịch marketing rầm rộ được xây dựng xoay quanh chủ đề đại loại như:

       “Hãy để khách hàng phải lòng thương hiệu”

       “Đường đến trái tim và tâm trí khách hàng”

       “Bồi đắp tình cảm trong lòng khách hàng”

Chiến thuật này có thật sự hiệu quả? Dĩ nhiên. Thực tế là quá trình “từ trái tim đến trái tim” cũng tương tự như xây dựng thương hiệu.

Bạn trẻ tuổi, bạn yêu và cưới người mình yêu. Nhưng sau một năm, bạn gặp một người khác, xinh đẹp hơn, giàu có hơn và hợp “gu” hơn. Thế là bạn tìm được “bạn đời – thương hiệu” mới.

Yêu một người là kiểu tình cảm có thể để lại “kết quả” lâu dài. Hơn nữa, ai cũng từng trải qua một “mối tình đầu” duy nhất.

Tình yêu với thương hiệu cũng có “hiệu ứng” tương tự. Chỉ vì bạn bắt gặp một thương hiệu tốt hơn chưa hẳn bạn sẽ từ bỏ thương hiệu hiện tại. Pepsi có thể ngon hơn Coke thật đấy, nhưng khách hàng yêu quý thương hiệu Coke dễ gì đổi sang Pepsi.

Trên khắp nước Mỹ, người tiêu dùng luôn yêu quý những thương hiệu họ chọn. Nước cam ép Tropicana. Bỏng ngô Kellogg’s. Sốt cà chua Heinz. Tương ớt Tabasco. Súp hộp Campbell’s. Bột giặt Tide. Khăn giấy Kleenex. Thuê xe Hertz. Pin Duracell. Và nhiều thương hiệu khác nữa.

Lật lại lịch sử của Volkswagen, xe hơi kiểu nhỏ đầu tiên. Người ta thật sự yêu quý loại xe này, thậm chí Disney còn làm cả hàng đống phim về Herbie, “con bọ” đáng yêu.

McDonald’s – thương hiệu hamburger đầu tiên. Khẩu hiệu “I’m loving it” hoàn toàn đúng với McDonald’s, nhưng với Burger King thì không. Các tín đồ thể thao thường tôn vinh đội bóng mình là số 1, chẳng ai tự hào hô lên “We’re No. 2!”

Vậy phải chăng “tình yêu” là thần dược marketing?

Chưa hẳn. Điều phân biệt người thắng kẻ thua trong cuộc chiến thương hiệu chỉ đơn thuần là việc ai chiếm lĩnh vị trí số 1 trong tâm trí khách hàng. Kleenex – khăn giấy bỏ túi, ra đời năm 1924 và đến nay vẫn là thương hiệu khăn giấy bỏ túi hàng đầu.

Cũng giống như khi bạn yêu một ai đó thôi. Nếu bạn thật sự yêu một người thì cho dù bạn có gặp hàng triệu người khác đẹp hơn, giỏi hơn, giàu hơn, bạn vẫn không mảy may quan tâm. Tình yêu với một người khiến bạn không quan tâm đến tìm hiểu thêm người tình nào khác.

Yêu một thương hiệu cũng khiến bạn không “tơ tưởng” gì đến những thương hiệu khác trong cùng lĩnh vực. Đây chính là “vũ khí tối thượng” cho những thương-hiệu-số-1-trong-tâm-trí. Đó là chiến thắng của Gatorade trong ngành nước tăng lực thể thao, Red Bull trong thị trường nước tăng lực. Người dùng iPod  không cần tìm một thương hiệu máy MP3 khác. Người chơi Nintendo DS, người dùng Amazon, người dùng Twitter và người dùng Google cũng vậy.

Dĩ nhiên, vẫn có những đòn “phản công” lại với những thương hiệu mạnh như Google, theo kiểu Baidu và Yandex đã làm. Baidu chiếm đến 70% thị trường tìm kiếm ở Trung Quốc; Google chỉ có 26%. Ở Nga, Yandex chiếm 56%, Google khiêm tốn với thị phần 23%. Lý do ư? Baidu có mặt ở Trung Quốc trước. Yandex ra đời ở Nga trước Google.

(Tự đính chính: Google không phải là cỗ máy tìm kiếm đầu tiên. AltaVista mới là người tiên phong nhưng lại phá hỏng vị trí dẫn đầu khi tự biến mình thành một portal – cổng thông tin. GoTo.com là cỗ máy tìm kiếm thứ nhì, nhưng lại chuyển sang tập trung vào công cụ  mới mang tên Overture.)

Thế đấy, nếu không “nhờ” thương hiệu đầu tiên vấp phải sai sót, thương hiệu số 2 phải rất khó khăn mới vươn lên dẫn đầu. Bạn không thể yêu người thứ 2 nếu không từng trải qua một mối tình đầu. Do đó, nếu thương hiệu bạn đang đứng thứ 2, đừng cố mang tình yêu ra để thuyết phục khách hàng.

Ở hạng 2, bạn có 2 lựa chọn: a) Trở thành người đối lập hoặc b) tiến hành một chiến dịch marketing “hạ bệ” đối thủ số 1 (cách này ngày xưa gọi là “tái định vị đối thủ”.)

Đó là cách Tylenol đã làm với thuốc aspirin của Bayer. “Cho hàng triệu người không nên dùng aspirin…” là tiêu đề của một trong các quảng cáo Tylenol. Tiếp theo là lời khuyến cáo aspirin có thể gây chảy máu dạ dày. Hiện nay, Tylenol là thương hiệu thuốc bán chạy nhất ở Mỹ.

Quá nhiều giám đốc marketing tin rằng ngành sản phẩm/dịch vụ của họ là “thị trường bình đẳng”. Ai có sản phẩm tốt hơn, hoặc quảng cáo hay hơn, hoặc biết tiếp thị qua internet giỏi hơn, sẽ thắng. Đáng tiếc, chuyện này hiếm khi xảy ra. Luật chơi đã rõ, người dẫn đầu luôn nắm ưu thế to lớn.

Hãy nhìn vào Google – công ty được nhiều người ca tụng là không ngừng đổi mới (có thể họ đúng). Trong nhiều năm, Google liên tục trưng dụng các nhân tài sáng tạo cùng những chiến lược mới mẻ để cho ra đời hàng loạt sản phẩm. Lively là thế giới ảo Google tạo ra để “trả miếng” cho Second Life. Jaiku là dịch vụ microblogging tương tự với Twitter. Đến nay, Lively đã “lên đường” còn Jaiku thì trở thành một dự án mã nguồn mở mặc cho người dùng tùy ý sử dụng. Bên cạnh đó còn có Google Print Ads và Google Audio Ads cũng không đi đến đâu.

Bạn có thể nhận thấy rằng người dùng Second Life và Twitter rất yêu quý thương hiệu họ chọn. Một sản phẩm tốt hơn, sáng tạo hơn chưa đủ để khiến họ từ bỏ.

Có một khuôn mẫu chung trong tình yêu: một khi đã yêu, bạn không so sánh người mình yêu với người khác. Điều này cũng đúng với cả thương hiệu.

Không ít thông điệp marketing đi sai hướng. Nếu bạn không phải là thương hiệu dẫn đầu, không ai quan tâm đến những gì bạn tự mô tả về mình. Người tiêu dùng sẽ nghĩ, “thôi, tôi đã chọn được thương hiệu cho mình rồi, và đó không phải là anh.”

Các nhà lãnh đạo cũng hay lần lẫn như vậy. Họ đánh đồng cuộc chiến marketing với quảng cáo. Thương hiệu nào được quảng cáo hay hơn sẽ thắng. Vì thế, mỗi năm các công ty quảng cáo tha hồ bận rộn vẽ nên những chiến dịch bạc tỷ.

“Open happiness” là một chiến dịch bạc tỷ mới nhất của Coca-Cola. Nhưng tại sao người ta lại chọn Coke thay vì Pepsi? Tất nhiên không phải vì Coke giúp họ “mở ngày hứng khởi” hơn Pepsi. Người ta yêu Coke bởi vì đây là thức uống cola chính gốc. Là thương hiệu cola đầu tiên. Cola đích thực.

Những thương hiệu may mắn là người đầu tiên có thể thường xuyên khẳng định vị trí dẫn đầu của mình bằng những ý tưởng xoay quanh tinh thần “chính gốc” này. Một vài ví dụ thành công như:

       Hellmann’s – mayonnaise đích thực

       Oscar Mayer: món thịt xông khói yêu thích của người Mỹ

       Chỉ nha khoa Johnson & Johnson: lựa chọn đầu tiên của mọi nha sĩ

       Newcastle Brown Ale: Bia nâu đầu tiên và duy nhất. (Cho đến nay vẫn chưa có bia nâu thứ 2)

Bạn vẫn tự hỏi tình yêu có liên quan gì không? Có nhiều là đằng khác. Điều mấu chốt là làm sao để tạo ra tình yêu ấy. Và cách tốt nhất chính là trở thành người đầu tiên trong tâm trí khách hàng.

Trần Nguyễn An Nhiên – DNA Branding – www.dna.com.vn  

Theo Al Ries

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

9 − 7 =

To Top