Connect with us

Internet Vạn Vật: Sức hút từ thị trường 2.000 tỷ USD trong tương lai

Tin quốc tế

Internet Vạn Vật: Sức hút từ thị trường 2.000 tỷ USD trong tương lai

Mạng 5G đang được các nước triển khai với tốc độ nhanh nhất so với các thế hệ mạng không dây trước đây, kéo theo thị trường Internet Vạn Vật (IoT) – công nghệ dựa trên nền tảng 5G tăng trưởng nóng.

Theo số liệu mới nhất từ chuyên trang MarketWatch, giá trị thị trường thiết bị và dịch vụ IoT toàn cầu sẽ tăng từ 190 tỷ USD trong năm 2018 lên 2.108,2 tỷ USD vào năm 2023. Gartner cũng dự đoán, riêng trong năm 2020, thế giới sẽ có khoảng 20,4 tỷ thiết bị IoT được kết nối.

Theo định nghĩa sơ cấp, thế giới IoT là nơi mà mỗi đồ vật cũng như con người được cung cấp một định danh của riêng mình; và tất cả đều có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự can thiệp trực tiếp của con người.

Nhờ vào sự phát triển của mạng công nghệ không dây thế hệ mới, tức mạng 5G, công nghệ vi cơ điện tử, và trí tuệ nhân tạo, tất cả các thiết bị IoT đều có thể kết nối với nhau và đưa ra quyết định tối ưu một cách tự động.

Đầu tiên, không thể không kể đến những tiện ích mới, giúp đỡ cho cuộc sống con người mà IoT mang lại. Với sự gia tăng các thiết bị hỗ trợ IoT được điều khiển từ xa thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, người dùng có thể an tâm về việc hệ thống đèn, điện, điều hòa luôn được tự điều chỉnh một cách tối ưu. Bên cạnh đó, độ an toàn cũng được nâng cao với hệ thống camera và cảm ứng thông minh.

Tại đô thị thế hệ mới, hệ thống giao thông thông minh cho phép các phương tiện giao thông kết nối và trao đổi thông tin với nhau, giúp giảm thiểu số lượng tai nạn giao thông.

Tại một hội thảo IoT vào tháng 9, Phó Chủ tịch cấp cao, Giám đốc mảng IoT của Qualcomm Jeff Lorbeck cho biết: “Theo nghiên cứu thực hiện gần đây, thị trường thành phố thông minh sẽ có giá trị lên tới 572 tỷ USD vào năm 2025, với 4 lĩnh vực trọng tâm gồm giao thông, hạ tầng, tòa nhà và thiết bị, bán lẻ, thương mại và dịch vụ công”.

Trong ngành bán lẻ, mô hình bán hàng truyền thống đang dần được thay thế bởi các mô hình sáng tạo, tập trung nâng cao trải nghiệm của khách hàng bằng cách áp dụng công nghệ mới. Ví dụ, kính thực tế ảo phức hợp (AR) ngày càng được ưa chuộng do các nhà bán lẻ đã bắt đầu sử dụng chúng khi bán hàng online, nhằm giúp khách hàng có trải nghiệm sử dụng sản phẩm như trong thế giới thực.

Bên cạnh những sản phẩm và dịch vụ phục vụ nhu cầu người dùng, IoT còn được cho là chìa khóa cho bước nhảy vọt trong trình độ sản xuất của con người.

Khi mạng 5G được triển khai rộng rãi tại các nhà máy và khu công nghiệp, những “nhà máy không dây” siêu thông minh tích hợp IoT cũng sẽ nhờ đó mà lan rộng. Trong đó, các thiết bị cảm biến sẽ thực hiện chức năng kết nối cũng như giao tiếp tức thời, và một lượng lớn dữ liệu truyền tải từ các thiết bị cảm biến này, đi cùng với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, sẽ thay đổi hoàn toàn cách vận hành nhà máy, tạo ra quy trình hoạt động hiệu quả hơn, chính xác hơn, đồng thời giảm bớt sự can thiệp của con người.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Qualcomm, hiện nay, tại một số quốc gia công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất đã bắt đầu đưa IoT vào ứng dụng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, để có được sự kết nối chặt chẽ và hiệu quả, các công ty thuộc hệ sinh thái IoT cần có khả năng hỗ trợ lẫn nhau để mang lại giải pháp hệ thống thông minh nhất. Chính vì vậy, có thể ví IoT là một “môn thể thao đồng đội”, mà trong đó mỗi thiết bị phải mang tính đồng bộ cao.

Đối với IoT, số lượng hệ sinh thái không chỉ dừng ở con số một. Mỗi lĩnh vực sẽ có một hệ sinh thái chuyên biệt để đáp ứng các yêu cầu riêng và phù hợp với tính chất của lĩnh vực đó. Nhà cung cấp trong lĩnh vực bán lẻ sẽ có yêu cầu khác với nhà cung cấp mạng lưới trong lĩnh vực công nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp hay lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Theo DNSG 

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 × four =

To Top