Connect with us

Hãy thận trọng với những kẻ được tán dương như “bậc thầy về tiếp thị”

DNA Viết

Hãy thận trọng với những kẻ được tán dương như “bậc thầy về tiếp thị”

Lĩnh vực marketing có lẽ là chủ đề về kinh doanh bị hiểu sai nhiều nhất trong giới quản lý ngày nay. Vấn đề của việc đó không đến từ độ khó học thuật hay chuyên môn nào cả. 

Nếu xét đến cùng, những điều cốt lõi của công tác marketing vô cùng đơn giản, và kết quả nó mang lại cũng vậy. Vấn đề ở đây chính là việc không những cần phải hiểu các khái niệm, mà còn cần áp dụng những nguyên lý này vào kinh doanh thật sự nữa, và tất cả điều đó là một cuộc thử thách rất chua cay.

Vậy, tóm lại, triết lý của công tác marketing chỉ xoay quanh một khái niệm duy nhất và rất rõ ràng. Đó chính là việc ta cần phải tìm hiểu những mong muốn của khách hàng trước khi thực hiện sản xuất và rao bán sản phẩm… Tuy nhiên, những lúc “nước đến chân mới nhảy” thì họ sẽ lại tiếp tục bỏ lơ ý kiến của người tiêu dùng trong lúc đưa ra những quyết định chiến lược.

Làm sao chúng ta có thể giải thích được khoảng cách rõ rệt này giữa lý thuyết và thực hành?

Nhiều nhà quản lý có vẻ như đã nhầm lẫn giữa định hướng thị trường và định hướng marketing. Rõ ràng là có một sự khác biệt. Ở trường hợp đầu tiên, các nhà quản lý đã tìm hiểu được những suy nghĩ của khách hàng về sản phẩm và dịch vụ của công ty. Nhưng trong trường hợp thứ 2, chính nhà quản lý sẽ tham vấn bộ phận marketing về những gì họ nghĩ và chính người làm marketing sẽ trả lời thay cho cả thị trường. Qua đó, họ thể hiện vai trò “chuyên gia” trong lĩnh vực marketing, nhưng đây cũng chính là một trong những vấn đề nguy hại nhất trong giới marketing.

Trong marketing, không ai là “bậc thầy” cả. Tước vị này cho thấy bạn phải có kiến thức sâu rộng để có thể tìm ra lời giải cho mọi vấn đề chiến lược mà một doanh nghiệp gặp phải. Với marketing, điều cuối cùng người ta cần là một tay bậc thầy tự xưng “biết tuốt” mọi sự về thị trường. Vì chính họ làm việc cho công ty làm ra sản phẩm nên họ gần như là người cuối cùng trên đời biết được khách hàng nghĩ gì trong đầu.

Ngay từ lúc ký kết hợp đồng lao động với một doanh nghiệp, bạn đã không còn giữ được những ý nghĩ như một khách hàng. Bạn không còn là người tiêu dùng mà đã trở thành nhà sản xuất. Nhà sản xuất và người tiêu dùng có thể sẽ cùng nhìn vào một sản phẩm, nhưng ý nghĩa của sản phẩm đó đối với từng người lại khác nhau một trời một vực.

Dù cùng nhìn một tuýp kem đánh răng như nhau, khách hàng có thể chỉ nhìn thấy khả năng sẽ ít phải đến phòng khám nha sĩ hơn vì đã có hơi thở thơm tho và hàm răng trắng khỏe rồi, thì vị giám đốc thương hiệu lại đang nghĩ về sự nghiệp, xe công tác, vị trí xã hội trong tương lai và thậm chí cả kế hoạch nghỉ hưu của mình. Nếu một người quản lý hay chuyên gia tự tin trình bày về nhu cầu của khách hàng, thật ra, đó chỉ là những giả định, hy vọng và sự tưởng tượng của họ mà thôi.

Một trong những điều khiến nhà quản lý ngượng nhất là hỏi họ xem họ nghĩ khách hàng đang nghĩ gì, và sau đó mời họ tiếp xúc thật với khách hàng để đối chứng. Đấy là lúc sự thật lộ diện. Ngoài ra, khi gặp gỡ mọi nhân vật quản lý marketing cấp cao trong một ngân hàng lớn ở Phố Wall, bạn sẽ thấy chẳng có một người nào trong số họ từng vay tiền mua nhà vì đó là một phần trong chế đỗ đãi ngộ của ngân hàng.

Ở trường cao học, các tân binh marketing được đào tạo để miễn nhiễm với tư tưởng “bậc thầy”  bằng cách thuộc lòng một câu đơn giản, “Tôi chỉ là một công cụ.” Họ phải lặp đi lặp lại câu này đến khi thật sự thấm nhuần. Thông thường, học viên cao học sẽ được thực tập hè ở các công ty blue chip, và một số họ thường được các sếp nhờ xem các quảng cáo mới, bao bì, chiến lược thương hiệu hoặc định giá. Dù gì thì họ cũng có bằng MBA chuyên ngành marketing – do đó họ cũng nên là người đưa ra định hướng chiến lược.

Chính trong những trường hợp như thế các học viên, ít nhất là những người có chú tâm nghe giảng, đều đưa tay lên một cách điềm tĩnh, nói rằng:  “Tôi chỉ là một công cụ mà thôi”. Một thứ công cụ giúp liên kết nhà sản xuất với thị trường. Một công cụ giúp giảm thiểu sự chủ quan và phiến diện, nói thay cho thị trường, thay vào đó là việc tiếp cận khách hàng để có được những cái nhìn thực tế. Một công cụ giúp chuyển tải các thông tin về nhằm giúp công ty có những quyết định đúng đắn hơn.

Trên thực tế làm gì có ai là “bậc thầy”. Nếu có, thì đó chỉ là những kẻ mạo nhận. Họ vốn chỉ đóng vai trò như công cụ. Dĩ nhiên những công việc khác nhau đòi hỏi những công cụ khác nhau. Đôi khi bạn cần một thứ công cụ thật mạnh mẽ, nhưng lúc nào đó lại ưu tiên những công cụ giúp tiết kiệm chi phí hơn. Đôi lúc, có thể việc hoàn thành công tác cực nhanh, hoặc những công cụ ứng dụng dữ liệu định lượng hay định tính sẽ được ưu tiên hơn. Nhưng dù sao đi nữa, thì đó vẫn luôn là một công cụ mà thôi.

Theo Brand Strategy Insider

Biên dịch: Trần Nguyễn An Nhiên – DNA Branding – www.dna.com.vn

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

fourteen + sixteen =

To Top