Connect with us

Hàng Việt ở Tây: Chào cả triệu khách, chỉ 1 người mua

Tin trong nước

Hàng Việt ở Tây: Chào cả triệu khách, chỉ 1 người mua

Dù yêu hàng Việt nhưng ở nước ngoài DN Việt kiều toàn bán hàng Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan bởi hàng Việt Nam xuất khẩu không đánh trúng thị hiếu khách sở tại. Có khi chào hàng 1 triệu người, chỉ có 1 người mua.

DN Việt toàn bán hàng Trung Quốc, Hàn Quốc

Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động đang thực sự lan tỏa sang cộng đồng kiều bào ta ở nước ngoài. Chủ trì về chương trình này, ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết,  hiện có tới 4 triêu kiều bào ta ở nước ngoài sinh sống ở 103 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài được thành lập đã có 200 thành viên ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới.

Thế nhưng, đáng buồn là phần lớn, hàng hóa mà cộng đồng người Việt đang kinh doanh và phân phối lại là hàng Trung Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc. Còn hàng Việt Nam muốn thâm nhập thị trường này, lại gặp rất nhiều khó khăn.

Trở về Việt Nam nhân dịp Bộ Ngoại giao mở diễn đàn về hợp tác xuất khẩu giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Việt kiều, ông Phạm Ngọc Chu, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary, Phó chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Việt Nam- Hungary, đồng thời cũng là chủ một tập đoàn siêu thị lớn đã rất thẳng thắn bộc trực góc nhìn. Trong câu chuyện của ông Chu, “sự thành- bại” của hàng Việt khi vươn ra thị trường châu Âu nằm chính ở sự không hiểu khách hàng và không đầu tư chiến lược xuất khẩu bài bản của “đồng hương” trong nước.

Thống kê không chính thức ước có tới 2.000 container được vận chuyển hàng ngày ở hàng nghìn các trung tâm thương mại ở Moscow, Berlin, Praha, Kiev, Kharkov… nhưng chỉ toàn hàng Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc.

Ông Phạm Ngọc Chu giãi bày: “Không phải vì chúng tôi không yêu hàng Việt Nam. Mà bởi, hàng Việt Nam mang đi thì khó bán, có bán được nhưng doanh thu không cao, trong khi đó, chúng tôi phải chịu đủ các loại chi phí hàng ngày rất lớn, chịu áp lực cạnh tranh cao với các hàng hóa quốc tế khác”.

Chào 1 triệu khách hàng mới có 1 khách mua

Theo ông Chu, chiến lược xuất khẩu, maketing của nhiều nhà sản xuất trong nước chưa đúng hướng, hoặc đơn giản là chủng loại hàng hóa mà các doanh nghiệp trong nước mang đi chào bán lại không hợp với nhu cầu, thị hiếu của người dân châu Âu.

Trong khi nước bạn Trung Quốc bán hàng tiểu thủ công, công nghiệp nhẹ với những sản phẩm tiêu dùng đơn giản, thải hồi nhanh, tiêu thụ số lượng lớn như găng tay, khăn lau… thì tại triển lãm hàng xuất khẩu Việt Nam sang châu Âu, ông Chu chỉ thấy những loại hàng dạng “nồi đồng cối đá”, ít người có nhu cầu.

“Ví dụ như những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam làm rất đẹp, rất công phu như lọ hoa bằng đá, tượng khắc gỗ, tranh sơn  mài, tranh thêu… nhưng nếu có người châu Âu mua thì không biết bao giờ, họ mới mua tiếp lần hai. Thậm chí, có những hàng xuất khẩu là bức tranh sơn mài khắc vị lãnh tụ và các nhà hoạt động chính trị..,, rất kén khách, chào cho triệu khách may ra mới có 1 khách mua”, ông Chu kể.

Có thể nói, đây là những sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa trong nước. Nhưng nếu hàng xuất khẩu Việt Nam đi sang châu Âu chỉ chú trọng dòng sản phẩm này mà quên mất yếu tố mang tính kinh tế thị trường, quy luật cung cầu để chọn ra phân khúc phù hợp thì sẽ khó mà thành công.

Với hơn 20 năm định cư ở Hungari, ông Chu tâm sự: “Ví dụ như sản phẩm Gà con ninh thuốc Bắc đóng hộp hay trứng vịt lộn, con nhộng rang muối…của ta mang sang châu Âu. Thực phẩm đồ hộp này bất hợp lý ở chỗ, nó có thể những món ngon bổ cho người châu Á, người Việt nhưng với thực khách châu Âu, không chừng sẽ phản tác dụng và bị Hội bảo vệ động vật kiện về tội bạo hành động vật.”

Theo ông Chu, muốn xâm nhập thị trường châu Âu hay thị trường nước ngoài nói chung, mỗi doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ nhu cầu, thị hiếu văn hóa tiêu dùng của từng thị trường khu vực, từ đó, định hình công việc tiếp thị.

Bài học trên thế giới có rất nhiều, như việc một lon CocaCola tại châu Á in hình rồng bay phượng múa, còn ở châu Âu, loại đồ uống này lại in hình đôi trai gái ôm nhau nhảy múa.

Nói một cách nôm na, “các nhà sản xuất Việt Nam có thể tham khảo bài học ở chính nước bạn xem, họ làm tăm thế nào? Nếu họ làm bao bì màu đỏ thì ta làm màu xanh, họ đựng hộp vuông thì ta đựng hộp tròn, họ dùng hộp nhựa thì ta dùng hộp gỗ…”. Vị doanh nhân Việt kiêu này hàm ý, ngoài việc xây dựng một hình ảnh riêng biệt, quan trọng hơn hết các doanh nghiệp trong nước phải hiểu người dân nước ngoài muốn gì, thích gì từ châu Á nói chung. Hơn nữa, cộng đồng doanh nghiệp trong nước cần xác định phân khúc hàng hóa của mình ở thị trường lớn như vậy.

Về lâu dài, nhất thiết các doanh nghiệp Việt Nam phải tự mình đi bán hàng và xây dựng thương hiệu trực tiếp, không nên qua các công ty trung gian nào khác. Vì nguy cơ sản phẩm của mình sẽ không bám chặt thị trường và người tiêu dùng và thậm chí, còn dễ bị đánh cắp thương hiệu.

 

DN trong nước phải bắt tay với DN Việt kiều

Một kinh nghiệm khác là các doanh nghiệp Việt khi ra nước ngoài, hoàn toàn có thể hợp tác với các chi nhánh doanh nghiệp Việt kiều ở nước sở tại. Ông Bùi Tuấn Linh, hiệp hội doanh nhân Việt kiều tại Mỹ chia sẻ: Chúng tôi luôn sẵn lòng đón tiếp các đồng hương sang Mỹ công tác và sẵn lòng tư vấn, trợ giúp vì chúng tôi là ‘thổ địa” am hiểu khu vực này.

Ủng hộ tinh thần liên kết hỗ trợ này, ông Nguyễn Trung Thực, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt – Đức cho hay, hàng ngày, người dân nước sở tại luôn có nhiều quan hệ mua bán giao dịch tại các cơ sở kinh doanh của cộng đồng người Việt. Nếu những ông chủ người Việt đó được trang bị kiến thức về xúc tiến thương mại và du lịch, có những tài liệu cần thiết về môi trường đầu tư, địa danh ở Việt Nam thì chính họ sẽ là những chuyên viên xúc tiến thương mại hiệu quả và tích cực nhất.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho hay, hiện cả nước đang có 42.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, chiếm 7% tổng số các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Chính việc hợp tác với các doanh nhân Việt kiều có thể coi là mở đường cho các doanh nghiệp trong nước xâm nhập thị trường tốt hơn, bởi các đối tác này luôn có lợi thế am hiểu tập tục văn hóa, nhu cầu thị hiếu của thị trường nước sở tại.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có những kế hoạch chủ trương rõ ràng, khuyến khích và xây dựng mạng liên kết giữa hai khối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài.

Theo Vef

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 + ten =

To Top