Connect with us

Hàng Việt Nam có ‘ngư ông đắc lợi’?

Tình huống thương hiệu

Hàng Việt Nam có ‘ngư ông đắc lợi’?

Việc hàng Trung Quốc bị tẩy chay trên thế giới vừa là bất lợi, vừa là cơ hội cho hàng Việt Nam.

Không hề bị cấm bị đuổi nhưng nho mỹ xuất xứ trung quốc đã nhanh chóng vắng bóng ở việt nam. Khoảng 4 tháng trước, trên xa lộ Hà Nội đoạn từ ngã ba Cát Lát đến ngã tư Thủ Đức, những sạp hàng bán nho mọc lên đầy rẫy 2 bên đường với những lời rao hấp dẫn: “Nho Mỹ giá 20.000 đồng/nửa kg”. Trong khi đó tại siêu thị, nho Mỹ giá bán ít nhất là 100.000 đồng/kg. Mức giá này đã khiến lượng xe tấp vào mua hàng rất nhiều.

Tuy nhiên, những chủ hàng này làm ăn không được lâu. Sau khi một loạt bài báo chỉ ra rằng nho Mỹ thực chất là nho Trung Quốc có chứa nhiều chất độc hại, số lượng người tấp xe vào mua thưa dần. Đến nay hầu hết những sạp bán nho này đã phải dẹp bỏ.

Sản phẩm xuất xứ Trung Quốc từ trước đến nay thường được cho là có chất lượng kém. Tuy nhiên, nếu như không mua hàng Trung Quốc, người tiêu dùng có thể tìm mua sản phẩm “no China” ở đâu? Liệu sản phẩm Việt Nam đã sẵn sàng để thay thế hàng Trung Quốc?

Thế giới tẩy chay hàng Trung Quốc

Đầu tháng 9.2012, một số hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng ở châu Âu đã phát động chiến dịch tẩy chay hàng kém chất lượng, đặc biệt là đồ chơi, xuất xứ Trung Quốc. Một trong những khẩu hiệu được đưa ra trong chiến dịch chống hàng kém chất lượng có nguồn gốc Trung Quốc là: “Đừng để tai nạn làm hỏng mùa hè của bạn”.

Chương trình cũng cho ra mắt cuốn video hướng dẫn, kèm theo một loạt lời khuyên như: Đừng mua đồ chơi không mang nhãn hiệu CE (của cộng đồng châu Âu), đừng tặng đồ chơi tháo rời cho trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, vì chúng có thể nhét vào miệng…

Không chỉ đồ chơi, chiến dịch này còn đẩy mạnh sang cả lĩnh vực giày dép. “Giày dép của trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc có hàm lượng chrom vượt quá 6 lần mức cho phép, trong khi đây là một trong những độc chất gây ung thư”, ông Antonio Tajani, Ủy viên của Ủy ban châu Âu, phát biểu.

Trước đó, vào tháng 7, một nhóm người gốc Philippines sống tại Mỹ đã kêu gọi một cuộc tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Mục đích của nhóm này là nhằm phản đối hành vi bắt nạt của Trung Quốc trên các vùng tranh chấp ở vùng biển phía Tây Philippines.

“Tôi hy vọng chiến dịch tẩy chay hàng Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Philippines mà còn lan rộng ra cả thế giới”, bà Loida Nicolas-Lewis, một người lãnh đạo nhóm, nói.

Một cuộc điều tra trên kênh truyền hình cáp ABS-CBN tiết lộ có 84% lượng người được khảo sát ủng hộ việc người Philippines tẩy chay hàng Trung Quốc.

Tháng 8 năm ngoái, người Mỹ cũng từng tổ chức tháng tẩy chay hàng Trung Quốc. Thậm chí, một bản tin đặc biệt của người dẫn chương trình Diane Sawyer trên ABC News còn đưa ra hàng loạt sản phẩm làm tại Mỹ có thể thay thế hàng Trung Quốc, sau đó giới thiệu cả nơi để mua.

Tháng 9.2008, Ấn Độ cũng đã ban lệnh cấm nhập khẩu sữa và các sản phẩm làm từ sữa của Trung Quốc do scandal nhiễm chất tẩy trắng melamine. Sau đó, nước này đã nhiều lần gia hạn lệnh cấm cho đến tận tháng 6.2013. Ấn Độ còn cấm nhập đồ chơi Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn an toàn và điện thoại di động không có số IMEI (được dùng để theo dõi việc mua bán và sử dụng sản phẩm).

Ngư ông “made in Viet Nam”?

Việc hàng Trung Quốc bị tẩy chay trên thế giới, theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, vừa là bất lợi, vừa là cơ hội cho hàng Việt Nam.

Bất lợi ở chỗ, khi người tiêu dùng các nước phát hiện hàng Trung Quốc chất lượng kém thì họ cũng e dè với sản phẩm của các nước có chất lượng tương đương như Việt Nam, Indonesia hay Bangladesh. Thay vào đó họ sẽ chọn những sản phẩm có chất lượng hơn của Hàn Quốc, Đài Loan, dù phải trả giá cao.

Cơ hội nằm ở chỗ, một khi người tiêu dùng thế giới đưa ra thông điệp “No China” thì có nghĩa là những sản phẩm khác China sẽ hưởng lợi, trong đó có Việt Nam. Đó chính là cơ hội cho hàng Việt.

Tuy nhiên, ngoài dệt may hay da giày vẫn tạo được dấu ấn tốt, nhiều mặt hàng của Việt Nam vẫn còn bị nghi ngờ về chất lượng. “Để đón nhận cơ hội, các doanh nghiệp cần phải làm tốt hơn nữa và tuyệt đối tránh sai sót. Chỉ cần doanh nghiệp có một sai lầm nhỏ trong giai đoạn này là có thể sẽ mất hết”, ông Kiệt nói.

Theo tính toán của ông, trong năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giày vào Mỹ có thể tăng lần lượt 20% và 25%.

Tại châu Âu, nơi đang mở cuộc phát động tẩy chay hàng Trung Quốc, hàng Việt Nam vẫn chưa cho thấy điểm sáng nào. Ông Lê Hồng Thắng, Tổng Giám đốc Công ty gỗ Đức Thành, một doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu đồ chơi bằng gỗ sang châu Âu, cho biết vẫn chưa có sự chuyển biến nào ở thị trường châu Âu. “Hiện tại chúng tôi vẫn tiếp tục tham gia các hội chợ cũng như tạo ra nhiều mẫu mã mới để chào hàng ở châu Âu. Tôi cho rằng cơ hội của chúng tôi sẽ nhiều hơn một khi kinh tế châu Âu phục hồi”, ông Thắng nói.

Bắt đầu từ thực phẩm

Không chỉ ở Mỹ, tại thị trường nội địa, hàng Việt Nam dường như cũng đang dần lấy lại được vị thế của mình, đặc biệt là lĩnh vực thực phẩm sau khi thông tin hàng Trung Quốc nhiễm độc bị báo giới phanh phui.

Theo báo cáo của hệ thống siêu thị Co.opMart, lượng chọn mua trái cây Việt Nam tại hệ thống đang tăng lên vì người tiêu dùng lo lắng mặt hàng trái cây bên ngoài đa phần không rõ xuất xứ. Sức mua trái cây nội tại hệ thống Co.opMart trong 2 tháng gần đây đã tăng 50% so với cùng kỳ. Co.opMart không kinh doanh trái cây Trung Quốc mà chủ yếu phân phối trái cây nội địa.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Đối ngoại Big C, tại hệ thống siêu thị này, hơn 90% tổng lượng trái cây là sản phẩm trồng trong nước, hàng nhập khẩu chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, hàng Trung Quốc rất ít.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Co.opMart, cho biết siêu thị này đang có trên 1.500 nhà cung cấp sản phẩm. Trong đó có trên 90% nhà cung cấp là doanh nghiệp Việt Nam. Đây được xem là một trong những kết quả của việc hưởng ứng phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Để thay đổi thói quen mua sắm là không dễ. Điều này không chỉ khó cho người tiêu dùng, mà cả với nhà sản xuất. Tuy nhiên, câu chuyện nho Mỹ cho thấy, một khi thông tin về sản phẩm được cung cấp rõ ràng, người tiêu dùng ắt sẽ tự biết. Và rõ ràng chức năng này thuộc về cơ quan chức năng và đơn vị quản lý.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Tinh thần dân tộc trong kinh tế thị trường không đơn giản chỉ là những từ hô hào suông, kêu gọi lòng yêu nước mà còn phải tăng chất lượng hàng trong nước, tăng hệ thống phân phối, tăng dịch vụ sau bán hàng và giá cả phải thích ứng với mức chi trả của người dân”.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

5 × 1 =

To Top