Connect with us

Groupon bên bờ sụp đổ, theo sau sẽ là Facebook?

Tình huống thương hiệu

Groupon bên bờ sụp đổ, theo sau sẽ là Facebook?

Giá trị thị trường của Groupon sụt giảm hơn 3/4 trong khi của Facebook sụt giảm một nửa so với khi IPO.

Ngày 20/8, tờ Wall Street Journal đưa tin một số nhà đầu tư đã rót tiền vào Groupon mà điển hình là nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng Marc Andreessen, đang chuẩn bị rút tiền khỏi công ty đình đám nhất trong mô hình mua theo nhóm. Có ít nhất 4 nhà đầu tư lớn khác cũng đã làm tương tự như Andreessen. 

Dù mới chỉ vừa IPO hồi tháng 11 năm ngoái, giá trị thị trường của Groupon đã sụt giảm mất hơn 3/4, tương đương khoảng 10 tỷ USD. 

Trong khi đó, trong đợt “mở khóa” đầu tiên của Facebook diễn ra tuần trước, mạng xã hội lớn nhất thế giới cũng phải chứng kiến xu hướng cổ phiếu bị bán ra ồ ạt. Giá trị thị trường của Facebook giảm xuống chỉ còn 1 nửa so với khi IPO. 

Groupon và sự sụp đổ của mô hình mua theo nhóm 

Theo tờ Wall Street Journal, danh sách những nhà đầu tư tháo chạy khỏi Groupon gồm những tên tuổi “nổi như cồn”. Trong số đó có Andreessen Horowitz và 2 quỹ đầu tư mạo hiểm Maverick Capital và Fidelity Management & Research Co. Thêm vào đó còn có Kleiner Perkins Caufield & Byers và Morgan Stanley.  

Giờ đây, Groupon đang gặp phải quá nhiều áp lực. So với khi IPO hồi tháng 11/2011, 83% nhà đầu tư mua cổ phiếu của hãng này đã trở nên nghèo đi.

Tuy nhiên, nạn nhân lớn nhất của Groupon không phải là những người mua cổ phiếu. Đó là những doanh nghiệp nhỏ lao đao vì đã chấp nhận Groupon. Các nhà hàng bị thiệt hại nặng nền bởi những khách hàng lũ lượt kéo đến, gọi những món ăn rẻ tiền nhất, quát tháo phục vụ và đầu bếp, gặp phải những dịch vụ khó chịu và không bao giờ quay trở lại.

Một nhà hàng ở Portland, Ore, có thể là một minh chứng rõ nét cho điều này. Nhà hàng này coi quyết định hợp tác với Groupon là quyết định tồi tệ nhất từ trước đến nay với thiệt hại trị giá 8.000 USD.  Thậm chí, theo tờ New York Times, quán cafe Muddy’s đã phải đi vay để trang trải cho khoản lỗ do hợp tác với Groupon.

Muddy’s đưa ra mức giá 24 USD cho đồ ăn và 12 USD cho cà phê đối với các khách hàng của Groupon. Muddy’s đã chia cho Groupon 1 nửa doanh thu nhưng lại bị thua lỗ nặng và có thể phải đóng cửa nếu không được giải ngân khoản vay. 

Theo thông tin từ Daily Deal Media, trong 6 tháng cuối năm 2011, 798 trang web mua theo nhóm đã phải ngừng hoạt động. 

Tuy nhiên, theo Ben Edelman, giáo sư tại trường kinh doanh Harvard Business School, vẫn có những trang mua theo nhóm hoạt động tốt. Ví dụ, Restaurant.com đã tồn tại được hơn 1 thập kỷ nay bởi trang này tạo ra được giá trị cho các nhà hàng và khách hàng. “Các nhà hàng rất hài lòng khi được phép đặt ra các giới hạn cho các phiếu giảm giá”, Edelman bổ sung thêm. Ngược lại, Groupon không cho phép họ làm điều đó. 

Ông cũng tin rằng, lúc đầu khách hàng có thể cảm thấy thất vọng vì không được giảm giá vào thứ 7, giá trị mà họ nhận được vẫn đủ để họ cảm thấy hạnh phúc khi đến nhà hàng vào 1 ngày khác trong tuần. Họ sẽ nhận được dịch vụ tốt hơn và dĩ nhiên sẽ xem xét quay lại trong tương lai, thậm chí sẵn sàng trả mức giá đầy đủ cho sản phẩm. 

Facebook và chất dopamine 

Nguyên nhân đằng sau cơn sốt mạng xã hội – điều đẩy giá trị thị trường của Groupon và Facebook lên cao là gì? Đó chính là dopamine – chất kích thích khiến con người cảm thấy hài lòng. 

Trong số 955 triệu người dùng Facebook, có không ít người đã trở thành “con nghiện Facebook”. Họ truy cập vào Facebook cả ngày, cả lúc ở văn phòng làm việc cũng như trong thời gian rảnh rỗi, cập nhật hình ảnh và trạng thái của bạn bè. 

Như vậy, các trang mạng xã hội hiện nay (mà điển hình là Facebook) đã làm thành 1 hệ thống tạo ra chất dopamine. Đây cũng là điều lý giải tại sao chúng lại phổ biến đến như vậy.  

Bộ não được lập trình bắt sóng và phản ứng lại các kích thích và sau đó tạo nên các hành động của cơ thể. Trong khi các yếu tố kích thích đã chuyển đổi trong hàng nghìn năm qua, từ việc sợ hãi trước những con vai ma mút khổng lồ sang các cập nhật trên Facebook, bộ não của con người vẫn đưa ra những phản ứng chính xác và kịp thời trước các kích thích với chất dopamine. 

Và, giống như bất kỳ loại chất gây nghiện nào, người dùng sẽ phải cần đến liều lượng lớn hơn cho lần sau đó nếu như muốn có hiệu ứng tương tự. Rất có thể, vấn đề của Facebook là đã không tạo ra được đủ dopamine để có thể tăng thêm cảm hứng cho người dùng.  

Đặc biệt, với việc phải tìm mọi cách tăng thêm doanh thu từ quảng cáo như hiện nay, Facebook sẽ phải hứng chịu tác dụng ngược. Người dùng không hề cảm thấy vui vẻ khi trên Facebook xuất hiện hàng loạt quảng cáo. Thậm chí, thông tin cá nhân đăng tải trên Facebook còn là nguồn dữ liệu mà các công ty có thể dễ dàng tiếp cận. 

Hãng bán lẻ lớn nhất thế giới Wal-Mart đã gửi đến khách hàng quảng cáo có hình ảnh những người bạn của họ đã bấm nút Like trên fanpage Wal-Mart. Quảng cáo càng đánh sâu vào đời sống riêng tư của khách hàng thì khách hàng càng cảm thấy khó chịu và Facebook càng tạo ra được ít chất dopamine. 

Nói 1 cách ngắn gọn, Facebook càng muốn biến người dùng thành công cụ kiếm tiền, người dùng càng bớt hứng thú với Facebook. Điều này lại khiến lợi nhuận của các công ty quảng cáo sụt giảm và kéo theo điều tương tự với doanh thu của Facebook sụt giảm. 

Một số người đã lo ngại sự bùng nổ của các công ty công nghệ trong giai đoạn gần đây mà điển hình là vụ IPO lịch sử của Facebook với bong bóng dotcom thời kỳ đầu những năm 2000. Giờ đây, có vẻ như lo ngại đã trở thành sự thực, chí ít là với Groupon và Facebook.

Theo TTVN

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 × four =

To Top