Connect with us

Gạo đồ: Một thị trường rộng mở

Tin trong nước

Gạo đồ: Một thị trường rộng mở

Xu hướng sử dụng gạo đồ đang tăng lên và giá cũng cao hơn so với gạo trắng. Thị trường này đang khá rộng mở cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Gạo đồ của Việt Nam bắt đầu được xuất khẩu từ cuối năm 2010. Thấy rõ tiềm năng xuất khẩu lớn và giá trị gia tăng cao, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã khuyến khích thành viên đầu tư nhà máy có công suất 500 tấn/ngày tại An Giang, dự kiến sẽ hoạt động vào 2012.

Gạo đồ là loại gạo được chế biến từ lúa tươi. Lúa tươi được làm sạch, ngâm nước nóng hoặc sấy trong hơi nước có nhiệt độ, rồi phơi khô, sau đó mới được gia công chế biến. Hiện nay Việt Nam mới chỉ có nhà máy sản xuất gạo đồ đầu tiên là Công ty Cổ phần Vinh Phát (TP.HCM) và một nhà máy do Thái Lan đầu tư tại Long An. Thấy tiềm năng của thị trường gạo đồ rất lớn nhưng nhiều doanh nghiệp không dám đầu tư vì chi phí quá lớn.

Để có thể đầu tư một nhà máy sản xuất gạo đồ hoàn chỉnh sấy 1.000 tấn gạo/ngày, công ty Vinh Phát đã đầu tư 10 triệu USD. Theo ông Trần Ngọc Trung, Tổng giám đốc Công ty Vinh Phát, chi phí đầu tư một nhà máy sản xuất gạo đồ cao hơn 5-6 lần chi phí đầu tư nhà máy sản xuất gạo trắng bình thường. Tuy không cho biết cụ thể lợi nhuận nhưng theo tính toán của ông Trung, với lượng gạo xuất khẩu như hiện nay, phải mất 4-5 năm công ty mới có thể thu hồi vốn.

Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, mục tiêu của Việt Nam sẽ xuất khẩu 300.000-400.000 tấn gạo đồ/năm. Từ cuối năm 2010 đến nay, Việt Nam xuất khẩu được 54.000 tấn, riêng Vinh Phát xuất 48.000 tấn.

Tại một số quốc gia, xu hướng sử dụng gạo đồ thay cho gạo trắng đang tăng lên. Thị trường Trung Đông sử dụng 80-90% là gạo đồ. Người Nam Phi, nhất là các vùng dân cư có thu nhập cao đang có xu hướng chuyển sang dùng gạo đồ ngày càng nhiều.

Mức giá xuất khẩu gạo đồ thường cao hơn gạo trắng rất nhiều. Hiện nay, giá gạo đồ đang cao hơn gạo trắng khoảng 30 USD/tấn. Mới chỉ năm đầu tiên, Vinh Phát đã xuất khẩu 60.000 tấn/năm, giá xuất khẩu sang thị trường Nam Phi đang ở mức 580 USD/tấn.

Hiện nay chỉ có một số nước xuất khẩu đồ mạnh như Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ gạo đồ trên thế giới 4 triệu tấn/năm nhưng lượng gạo cung ứng hiện nay lại không nhiều. Hiện Việt Nam mới chỉ cung ứng được 100.000 tấn, trong khi Thái Lan xuất khẩu gạo trắng cao cấp là chủ yếu còn Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu 3 năm nay.

Tuy nhiên, trong thời gian tới Ấn Độ sẽ xuất khẩu trở lại, vì vậy các nhà xuất khẩu của Việt Nam cần phải có hướng đi mới để phát triển trong môi trường có nhiều cạnh tranh hơn. Trường hợp của Vinh Phát, ông Trung cho biết sẽ không cạnh tranh với Ấn Độ trong phân khúc gạo đồ thấp và trung bình. Vì tỉ lệ những gia đình giàu ở Nam Phi và Trung Đông ăn gạo đồ rất nhiều, nên Vinh Phát đang đưa ra kế hoạch xuất khẩu gạo đồ chất lượng cao với giá cao hơn của các thị trường khác khoảng 10%. Không chỉ dừng lại ở đó, Vinh Phát cũng đang nghiên cứu và sản xuất gạo đồ để bán tại Việt Nam. Đây là một hướng đi mới để mở rộng thị trường cho gạo đồ ngoài hướng xuất khẩu sang các thị trường khác.

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 × one =

To Top