Connect with us

Gã ngông thách thức Amazon

Tình huống thương hiệu

Gã ngông thách thức Amazon

Để thách thức Amazon, Rakuten đang chiêu mộ hàng loạt nhân tài nước ngoài, đồng thời phát triển quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp trên toàn cầu.

Các doanh nhân người Nhật thường rất kín tiếng, cho nên họ ít khi in những khẩu hiệu kiểu như “đánh bại Amazon” trên áo của mình. Nhưng Hiroshi Mikitani, người lãnh đạo Rakuten – hệ thống thương mại điện tử lớn nhất Nhật và lớn thứ ba thế giới, lại khác.

Ông đã quyết định tiến công quy mô lớn vào lãnh địa của Amazon, đồng thời tuyên bố sẽ đánh bại địa vị thống trị của hãng này. Mikitani thậm chí còn đem mục tiêu này làm thành khẩu hiệu in trên áo.

Biết mình biết người

Khẩu hiệu “Đánh bại Amazon” viết bằng tiếng Nhật có lẽ chỉ là một câu nói đùa. Nhưng bất kể là thị trường Nhật hay là quốc tế, Rakuten đều là đối thủ cạnh tranh đáng gờm của Amazon. Khẩu hiệu này cũng thể hiện rõ quyết tâm của Rakuten. Như Mikitani nhiều lần nhấn mạnh, xây dựng công ty mạng lớn nhất toàn cầu là mục tiêu duy nhất của ông. Hiện nay, sau khi đầu tư 315 triệu USD để mua lại Kobo, nhà sản xuất sách điện tử lớn thứ ba thế giới, ông cuối cùng cũng bắt đầu được cuộc tiến công quy mô lớn vào lãnh địa của Amazon. “Chúng tôi đã đặt chân đến 10 nước, nhưng kế hoạch của chúng tôi là trong 5 năm tới sẽ mở rộng ra trên 27 quốc gia. Năm ngoái, máy đọc sách Kobo đã được tiêu thụ ở 27 nước”, ông nói.

Các nhà xuất bản Nhật thường không muốn bắt tay với các nhà xuất bản nước ngoài. Nắm được nhược điểm này, trong quá trình thương thảo với họ, Rakuten đã lợi dụng được khá tốt xuất thân của mình, nhờ đó đã tạo được lợi thế trước Amazon. Khác với Amazon, Mikitani chọn mô hình thương mại lấy cửa hàng làm trung tâm. Ông luôn giao hảo với các nhà bán lẻ để thắng được người đầu cơ. “Amazon dựa vào gì để thành công? Đó chẳng qua chỉ là một cỗ máy bán hàng tự động cỡ lớn, hoàn toàn lấy sản phẩm làm trung tâm. Họ xây dựng nên một mục lục khổng lồ, rồi bán hàng dựa trên đó, nhưng khi một loại hàng hóa nào đó bán chạy, Amazon lập tức sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh của nhà phân phối. Phần lớn các web thương mại điện tử đều dùng chiến lược này”, Mikitani nói. Theo ông, địch thủ lớn nhất của Amazon là mô hình thương mại của chính nó.

Năm 1997, Mikitani thành lập Rakuten rồi nhanh chóng đưa công ty này trở thành nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Nhật với hơn 8.000 nhân viên. Giá trị thị trường của Công ty này ước đạt 13 tỉ USD. Năm 2011, tổng doanh thu của Công ty tăng 177% so với năm 2007 lên 4,75 tỉ USD. Các mặt hàng trên mạng của Rakuten rất đa dạng, từ trứng gà cho đến áo giáp võ sĩ. Trong khi đó, kim ngạch bán lẻ của Amazon tại Nhật chỉ đạt 1,9 tỉ USD.

Tư duy quốc tế nhanh nhạy

Dù thành công như vậy song vị tỉ phú 46 tuổi này không phải là “tướng quân bất bại”. Công ty Rakuten từng hợp tác với công ty tìm kiếm Baidu (Trung Quốc), nhằm tiến vào thị trường đông dân nhất thế giới này nhưng đã thất bại. Công ty đã loại bỏ dự án hợp tác này với Baidu. Bên cạnh đó, khó khăn đối với Mikitani là chưa có công ty mạng nào của Nhật có thể trụ vững ở Mỹ.

Thế nhưng ông lại không e ngại điều này. “Để hội nhập thị trường toàn cầu, chúng tôi đã khởi động dự án gọi là “Anh ngữ hóa’’. Chúng tôi chuyển ngôn ngữ giao lưu thường trực tại công ty từ Nhật đổi sang Anh. Nhiều người Nhật cho rằng cách nghĩ này thật điên khùng, nhưng đợi đến khi họ thay đổi quan niệm, họ cũng sẽ chạy theo sự thay đổi này như chúng tôi”, Mikitani cho biết.

Việc bắt tay hợp tác với các công ty khác đã chứng minh Mikitani là người giỏi tìm kiếm cơ hội. Chẳng hạn như với trang web chia sẻ hình ảnh Pinterest, người dùng có thể đăng hình ảnh, clip lên nền hiển thị ảo được thiết kế tinh xảo của trang web này. Mục đích chủ yếu khi Mikitani hợp tác với Pinterest là biến những người dùng Pinterest thành khách hàng tiềm năng của Rakuten, cuối cùng là trở thành thành viên của hệ thống Rakuten. Pinterest còn có thể giúp cho Rakuten hấp dẫn nhiều người mua nước ngoài hơn, đồng thời cũng có thể đem lại cho trang web này nhiều người tiêu dùng Nhật hơn.

Nhưng tại sao một công ty Mỹ như Pinterest lại muốn hợp tác với Rakuten? “Cách nhìn vấn đề của Pinterest và Rakuten đối với mạng xã hội khá tương đồng nhau. Chúng tôi không giống các doanh nghiệp khác và điều đó khiến họ có ấn tượng sâu sắc, nên mối hợp tác này đã thành công”, Mikitani cho biết.

Để thách thức Amazon, Rakuten đang chiêu mộ hàng loạt nhân tài nước ngoài, đồng thời phát triển quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp khác trên toàn cầu. Đánh bại Amazon xem chừng rất khó, nhưng rõ ràng, Mikitani đã nhất quyết thử sức. “Trong 5 năm tới, quy mô của chúng tôi sẽ đạt đến gấp 5-6 lần so với hiện tại. Nhật vẫn có rất nhiều công ty giống như chúng tôi, chẳng hạn như Uniqlo. Nhiều công ty Nhật cũng đang vươn lên, họ sẽ tiên phong khơi dòng cho ngành thương mại điện tử, tạo ra khởi đầu thuận lợi cho người đến sau”, ông chia sẻ.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ten + fourteen =

To Top