Connect with us

Được nhận quà, hay làm quảng cáo không công?

Quảng bá thương hiệu

Được nhận quà, hay làm quảng cáo không công?

Không khó để trên đường, bạn nhận ra một chiếc áo mưa có in tên một hãng sản xuất điện thoại, một chiếc áo thun có hình logo của một trung tâm ngoại ngữ nào đó, thậm chí là cả một chiếc xe máy với màu sắc đặc trưng, tên thương hiệu của một loại mỹ phẩm nổi tiếng…

Tất cả những thứ đó là tặng phẩm của những người bán hàng dành cho khách hàng của họ. Hầu hết người mua hàng khi được nhận quà đều có tâm lý chung là thích thú, vui vẻ, vì ít nhất họ được sở hữu thêm một thứ gì đó.

Khi mang bên mình một món đồ có logo của một thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu nổi tiếng, một số người có đôi chút cảm giác tự hào, hãnh diện với những người xung quanh; một số khác thì không quan tâm đến những chữ được viết trên đó, vì với họ, chúng cũng bình thường giống như những thứ họ bỏ tiền ra mua ở chợ, ở cửa hàng mà thôi.

Tuy nhiên, dù người tiêu dùng có nghĩ gì đi chăng nữa thì họ vẫn đang sử dụng các tặng phẩm này hằng ngày.

Chúng ta đều biết, với những tặng phẩm này, ngoài mục đích tri ân tới khách hàng của mình, người bán còn có mục đích khác mang tính “thương mại” hơn, đó là để thúc đẩy thương hiệu, sản phẩm, hình ảnh của công ty.

Rõ ràng, so với các hình thức quảng cáo khác, đây có thể xem như một cách quảng cáo tốn ít chi phí nhất nhưng hiệu quả mang lại thì không hề nhỏ.

Tính hiệu quả ở đây được thể hiện ở sự bao phủ rộng khắp. Những vật phẩm in, khắc tên, logo, slogan của công ty, tổ chức… hiện diện ở mọi nơi: trên đường phố, trong trường học, thậm chí len lỏi vảo từng ngõ ngách, từng ngôi nhà, trên bàn làm việc… Với cách quảng cáo này, công ty không hề phải bỏ ra một xu nào, có chăng chỉ là chi phí mua quà tặng mà thôi (mà quà tặng lại được tính vào chi phí mang mục đích khác).

Tuy nhiên, sự thiếu tách bạch giữa việc tri ân khách hàng và hoạt động quảng cáo đôi khi khiến người mua hàng cảm thấy khó chịu.

Tôi đã không khỏi ngạc nhiên khi một người bạn, sau một lần mặc chiếc áo thun được thiết kế rất đẹp và có in hình logo của một trung tâm ngoại ngữ, nhất quyết không chịu mặc nó lần thứ hai.

Khi được hỏi, cô đã trả lời một cách tức tối rằng: “Tớ không muốn biến mình thành “cây” quảng cáo di động!”.

Thì ra khi thấy logo trên chiếc áo, rất nhiều sinh viên đã “tra hỏi” cô ấy về trung tâm ngoại ngữ đó, như chất lượng giảng dạy ra sao, chi phí cho một khóa học thế nào, giáo viên dạy tốt không… Điều này khiến cô phát bực vì có cảm giác mình bị lợi dụng khi làm người quảng cáo không công cho trung tâm này.

Trong trường hợp này, dù người cung cấp dịch vụ không chủ ý thực hiện hoạt động quảng bá, giới thiệu về trung tâm của mình thông qua chiếc áo, nhưng rõ ràng nó đã làm mất đi thiện cảm từ phía học viên. (Tất nhiên, ở đây, tôi không có ý nhắc tới những trung tâm giáo dục phát áo cho học viên với mục đích để làm đồng phục).

Thiết nghĩ, việc tặng quà cho khách hàng của mình, đặc biệt là khách hàng thân thiết, là một việc nên làm của tất cả những người làm kinh doanh. Nó như một cách để gửi lời cảm ơn của doanh nghiệp tới khách hàng, giúp doanh nghiệp “giữ chân” khách hàng.

Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá mức, việc này lại có tác động ngược. Không ai muốn làm không công cho ai cả, khách hàng không phải là người của doanh nghiệp, họ không nhận được lương từ doanh nghiệp, nên không có lý do gì để họ đi làm quảng cáo cho doanh nghiệp.

Mỗi tặng phẩm, dù lớn hay bé đều mang một giá trị nhất định, nhưng lòng tự trọng của người nhận còn lớn hơn thế nhiều.

Hãy để chữ “quà tặng” được trở về đúng nghĩa của nó!

Theo DNSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

one + 6 =

To Top