Connect with us

Độc quyền viễn thông đang quay trở lại?

Tin trong nước

Độc quyền viễn thông đang quay trở lại?

Bóng ma của độc quyền và lợi ích nhóm trong ngành viễn thông đang quay trở lại, khi các mạng di động đồng loạt lên tiếng về ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) ảnh hưởng đến doanh thu mà không quan tâm đến người tiêu dùng.

Vài năm trước đây, khi cuộc chạy đua giành khách hàng giữa các mạng di động lên tới đỉnh điểm, việc bảo vệ người tiêu dùng được thực hiện một cách tự động hoàn hảo thông qua cạnh tranh. Mạng di động nào cũng đua nhau lên tiếng gia tăng lợi ích của người dùng và chống lại lợi ích cục bộ để thể hiện uy tín. Lúc đó, nếu mạng di động nào nói về lợi ích cục bộ của mình mà không quan tâm tới người tiêu dùng sẽ trở thành một điểm đen trên thị trường và khó được người tiêu dùng Việt Nam chấp nhận.

Khoảng 1 năm gần đây, khi thị trường thông tin di động gần tới ngưỡng bão hòa,  các đối thủ nhỏ đã hụt hơi và rời khỏi thị trường (EVN Telecom, S-Fone) và thị trường đã ở thế chân vạc (Viettel, MobiFone, VinaPhone) thì tình hình thay đổi. Thay vì lên tiếng bảo vệ lợi ích người dùng, thời gian gần đây, các mạng di động đồng loạt lên tiếng chỉ trích các ứng dụng OTT như Viber, Line, Zaolo, Kakao Talk… vì làm ảnh hưởng đến doanh thu của họ, thậm chí còn viện dẫn cả những lý do về an ninh – vốn chẳng có gì rõ ràng.

Trong khi đó, cùng với làn sóng phát triển của công nghệ thế giới, các ứng dụng OTT đang  nổi lên là những tiện ích tốt, miễn phí có thể thay thế dịch vụ thoại và SMS truyền thống của nhà mạng. Với hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam, việc được gọi điện và nhắn tin miễn phí trên di động (có sử dụng 3G hoặc Wifi) tại bất kỳ nơi đâu, tất nhiên sẽ tốt hơn phải trả tiền cho nhà mạng để sử dụng các dịch vụ này. Thế nhưng, lợi ích to lớn của người tiêu dùng Việt Nam lại làm các mạng di động không vui.

Cũng vì thế, tương tự như thời kỳ độc quyền về viễn thông trước đây, thay vì tìm ra các giải pháp, tạo ra giá trị mới tăng cường lợi ích cho người tiêu dùng và giúp đẩy mạnh doanh thu, nhà mạng lại tìm cách chỉ trích hay ngăn chặn sự phát triển của ứng dụng OTT. Giờ đây, khi thị trường di động chỉ còn 3 ông lớn nắm quyền thực sự, các phát ngôn được đưa ra, nhắm vào việc bảo vệ doanh thu và lợi nhuận hàng tỷ USD của nhà mạng, chứ không thấy bóng dáng của người tiêu dùng.

Trong khi đó, những ứng dụng OTT thì hoặc không có đại diện ở Việt Nam (Viber), hoặc là quá “thấp cổ bé họng” (Line, Zalo, Kakao Talk…) nên chẳng dám phát ngôn ầm ĩ như các đại gia viễn thông di động, để bảo vệ chính mình. Còn người tiêu dùng Việt Nam, những khách hàng đang đem lại khoản lợi nhuận kếch xù lên tới hàng tỷ USD cho các đại gia di động, cũng không có quyền lên tiếng trong những cuộc họp bàn về ứng dụng OTT, dù cả chục triệu người đã “bỏ phiếu” chọn dịch vụ này do những lợi ích mà nó đem lại.

Phải chăng thị trường viễn thông sẽ quay trở lại thời độc quyền khi mà lợi ích nhóm của một số đại gia di động có khả năng chi phối, chứ không phải dựa trên lợi ích của người tiêu dùng Việt Nam? Thời gian sẽ cho câu trả lời. Tuy nhiên, một điều vô cùng rõ ràng là hàng chục triệu người Việt Nam cũng có quyền lên tiếng về những dịch vụ tốt nhất cho quyền lợi của họ, chứ không phải chỉ có các công ty kinh doanh dịch vụ điện thoại di động mới hiểu về điều đó.

Theo ANTĐ

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

2 × one =

To Top