Connect with us

DN được gì và mất gì khi sử dụng groupon?

Quảng bá thương hiệu

DN được gì và mất gì khi sử dụng groupon?

Khách hàng luôn được lợi từ mô hình Groupon, nhưng đối với doanh nghiệp, được hay mất từ mô hình này còn là một dấu chấm hỏi. Groupon đang trở thành một hiện tượng đáng chú ý trong ngành thương mại điện tử.

Được khai sinh bởi công ty Groupon có trụ sở tại Chicago Mỹ vào năm 2008, chỉ sau 2 năm thành lập, doanh thu của Groupon đã đạt 1,35 tỷ đô la. Cuối năm nay, Groupon sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu tiên và hứa hẹn sẽ mang đến lợi nhuận cho nhà đầu tư. Google đã từng đề nghị mua lại Groupon với giá 6 tỷ đô la nhưng không thành. Thành công nhanh chóng của Groupon đã kéo theo sự phát triển ồ ạt của mô hình này trên khắp thế giới mà Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Các trang web mua hàng theo nhóm tại Việt Nam nở rộ như nấm sau mưa. Hình thức mua hàng theo nhóm tạo điều kiện cho người mua được hưởng siêu khuyến mãi từ 50% đến 80% giá trị thực đã đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng, đặc biệt là trong giai đoạn “thắt lưng buộc bụng” hiện nay. Các trang web này đã thu hút được thành viên, lượt truy cập và lợi nhuận ấn tượng trong thời gian rất ngắn.

Tuy nhiên, mục tiêu chính của hình thức mua hàng theo nhóm này, không phải là bán hàng mà là một kênh quảng cáo cho dịch vụ và sản phẩm của doanh nghiệp. Tham gia mô hình groupon chỉ là một trong những giải pháp trong tổng thể chiến dịch marketing. Dù vậy, không phải ai cũng nhận ra điều này. Thường thì các doanh nghiệp không xác định rõ mục tiêu của mình khi tham gia hình thức groupon dẫn đến những thiệt hại đáng tiếc. Ngược lại, nếu sử dụng hiệu quả mô hình này, doanh nghiệp chỉ phải tốn một khoản chi phí nhỏ cho quảng cáo.

 Vấn đề lớn nhất là doanh nghiệp không kiểm soát được lượng khách hàng khổng lồ đổ xô đến sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, việc không thuyết phục được khách hàng sử dụng các dịch vụ khác ngoài dịch vụ khuyến mãi cũng là trở ngại vì sẽ phát sinh tình trạng thu không đủ bù chi. Các doanh nghiệp thường không tính toán được cụ thể chi phí phải bỏ ra cũng như lợi nhuận thu về nên rốt cuộc phải chịu thua lỗ.

Sau đây là 10 lý do bạn cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định tham gia hình thức thương mại điện tử này.

5 LÝ DO DOANH NGHIỆP NÊN THAM GIA GROUPON

1. Thu hút được một lượng lớn khách hàng

Giá rẻ sẽ thu hút rất nhiều khách hàng mới, những người chưa biết đến sản phẩm, dịch vụ của bạn hoặc chưa sẵn lòng chi tiền cho các sản phẩm, dịch vụ đó. Groupon cũng là một cách khuyến mãi không làm ảnh hưởng đến nguồn doanh thu từ khách hàng hiện tại. Khách hàng hiện tại luôn sẵn sàng mua hàng và sử dụng dịch vụ với mức giá thông thường.

2. Quảng cáo cho thương hiệu

Đây là cơ hội tốt để bạn giới thiệu và thuyết phục khách hàng mới dùng thử sản phẩm và dịch vụ của bạn. Lý tưởng nhất là khách hàng bị thuyết phục hoàn toàn và trở thành khách hàng trung thành. Doanh nghiệp phải tận dụng cơ hội này để lôi kéo khách hàng và thuyết phục được họ tiếp tục mua sản phẩm, dịch vụ trong tương lai.

3. Giải quyết hàng tồn kho

Groupon cũng là cơ hội tốt để bạn đẩy nhanh sức tiêu thụ các mặt hàng bán chậm hoặc các dịch vụ ít người sử dụng. Tuy nhiên, cách này chỉ nên áp dụng cho các mặt hàng giá trị cao. Với các sản phẩm có giá trị thấp thì việc áp dụng mô hình này không có ý nghĩa.
Groupon cũng là hình thức khuyến mãi chỉ nên áp dụng hạn chế trong vài dịp đặc biệt và chỉ nên diễn ra trong khoảng thời gian ngắn.

4. Xây dựng các mối quan hệ

Doanh nghiệp nên tham gia groupon với mục tiêu giữ quan hệ tốt với khách hàng hơn là bán hàng theo kiểu “một đi không trở lại”. Ví dụ, thay vì bữa ăn 60.000đ giảm còn 30.000đ, bạn có thể giảm 20.000đ cho bữa ăn đầu tiên và 10.000đ cho mỗi bữa ăn tiếp theo. Không nên giảm giá chung chung trên tổng hóa đơn mà nên giảm giá cho những sản phẩm và dịch vụ cụ thể.

5. Tăng mức lợi nhuận

Nếu việc kinh doanh của bạn chỉ cần chi phí thấp hoặc chi phí cố định để duy trì thì groupon sẽ giúp bạn kiếm thêm rất nhiều. Nếu bạn sở hữu một phòng tập thể thao, thì dù bạn có nhiều khách hơn, bạn cũng chỉ tốn chi phí cố định để bảo dưỡng thiết bị, trả cho huấn luyện viên. Do đó, nếu bạn giảm nửa giá cho mỗi thẻ tập thì vẫn có lời.

Doanh nghiệp phải tính toán cụ thể chi phí phải bỏ ra và mức giá nào thì có thể thu hút được khách hàng, đồng thời phải dự tính cụ thể số coupon bán ra và mức lợi nhuận.

5 lý do doanh nghiệp không nên tham gia groupon

1. Thu hút một lượng lớn khách hàng ít tiềm năng

Đối tượng mà groupon nhắm đến là các khách hàng thích khuyến mãi, giảm giá, chi tiêu dè sẻn, cẩn trọng. Vì vậy bạn khó mà thuyết phục được họ sử dụng thêm các dịch vụ khác vượt quá giá trị khuyến mãi. Khách hàng không chi tiêu thoải mái và cũng ít khi quay lại sử dụng của bạn lần nữa. Do đó, các doanh nghiệp nên tính toán cẩn thận và giới hạn số coupon bán ra để tránh bị lỗ vốn.

2. Tổn hại đến uy tín thương hiệu

Giá rẻ không phải là thượng sách nhằm tăng uy tín thương hiệu, mức độ nhận biết thương hiệu hay sự trung thành của khách hàng. Giá rẻ làm tăng sự nhạy cảm về giá cả. Một khi đã mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ ở mức giá thấp, thì không lý gì khách hàng của bạn lại muốn chi nhiều hơn cho chính sản phẩm và dịch vụ đó.

3. Không duy trì được khách hàng trung thành

Cũng do trở ngại về giá, nếu không có coupon, khách hàng hiếm khi quay lại dùng sản phẩm của bạn lần nữa. Tỷ lệ khách hàng trở lại sử dụng dịch vụ lần nữa chỉ khoản 19%.

4. Không thu được lợi nhuận

Tỷ lệ ăn chia lợi nhuận giữa các doanh nghiệp với các trang groupon cũng là một bài toán đau đầu. Công ty Groupon của Mỹ thu 50% doanh thu từ mỗi coupon bán ra. Vì vậy doanh nghiệp phải lời trên 50% mới không bị lỗ hoặc huề vốn. Trong khi đó, doanh nghiệp cần giảm giá ít nhất 50% thì mức lợi nhuận trên 50% là không tưởng.Vừa phải giảm giá vừa phải chiết khấu cho các trang web groupon sẽ gây ra tình trạng càng đông khách càng lỗ vốn.

5. Còn rất nhiều hình thức khuyến mãi khác ít tốn kém hơn

Groupon không phải hình thức khuyến mãi duy nhất, còn rất nhiều kênh quảng cáo khác hiệu quả và ít tốn kém hơn. Nếu doanh nghiệp vẫn muốn khuyến mãi theo hình thức groupon mà không tốn kém quá nhiều chi phí, có thể sử dụng các trang mạng xã hội  (Facebook chẳng hạn) và tự tổ chức bán hàng theo nhóm trực tiếp mà không cần qua trung gian.

Theo DNSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

9 − 1 =

To Top