Tin trong nước
Định giá “tài sản vô hình”
Lâu nay, hai từ thương hiệu đã được nhắc đến không ít và người ta đề cập nhiều đến giá trị thương hiệu. Nhưng dường như đó chỉ là giá trị cảm tính. Đã đến lúc, giá trị lý tính và giá trị tính được bằng tiền của “thương hiệu” phải được đặt ra khi mà hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp cũng như phát hành cổ phiếu của cLàm sao để tính giá thương hiệu?
Cách đây không lâu, tại Hội thảo “Hoàn thiện và đổi mới hình ảnh thương hiệu giúp nâng cao giá trị doanh nghiệp” do ESC, DAS tổ chức, ông Nguyễn Nam Trung, Chủ tịch ESC đã kể lại câu chuyện ông chủ Hãng kem đánh răng Dạ Lan đã định bán khối tài sản hữu hình của doanh nghiệp mình với giá 1 triệu USD. Câu hỏi của đối tác mua doanh nghiệp: “Vậy còn giá trị tài sản vô hình được định giá bao nhiêu?” đã khiến ông chợt nhận ra thiếu sót của mình trong việc định giá doanh nghiệp. Sự nhanh trí của người bán doanh nghiệp đã mang lại cho ông thêm 5 triệu USD sau đó. Tài sản vô hình được nhắc đến ở đây chính là thương hiệu.
Cách tính toán của ông chủ Hãng kem đánh răng Dạ Lan lúc đó như thế nào để định giá thương hiệu Dạ Lan tương đương 5 triệu USD không được nhắc đến, chỉ biết rằng, ông chủ này đã cầu viện các chuyên gia định giá thương hiệu ở tận Singapore.
Năm cách tiếp cận để tính giá thương hiệu đã được Ths. Lâm Minh Chánh, Phó tổng giám đốc Kinh doanh Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai – ichi Life đưa ra tại Hội thảo “Định giá thương hiệu” (do Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 vừa tổ chức tại TP.HCM). Đó là cách tiếp cận dựa vào chi phí xây dựng thương hiệu, dựa vào sự khác biệt do thương hiệu tạo ra, dựa vào giá trị kinh tế của thương hiệu, dựa vào giá trị vốn hóa trên thị trường và cách tiếp cận option – giá trị được xác định dựa vào kỳ vọng đạt được trong tương lai.
Ông Lâm Minh Chánh cho biết, tùy thuộc quy mô, hoạt động và mức độ có lợi mà doanh nghiệp có thể lựa chọn cách tiếp cận tốt nhất trong định giá thương hiệu. Theo phân tích của ông Chánh, chỉ khi định giá được thương hiệu, thì mới xác định được giá trị doanh nghiệp, bởi suy cho cùng, giá trị doanh nghiệp bao gồm giá tài sản hữu hình và vô hình.
Định giá thương hiệu để định giá trị doanh nghiệp
Ths. Đinh Thế Hiển, người đã thực hiện nhiều cuộc định giá doanh nghiệp tại Việt Nam, là một trong ba diễn giả chính tại Hội thảo cho biết, tại Việt Nam, việc vận dụng định giá doanh nghiệp hiện mới ở bước đầu, chủ yếu phục vụ công tác cổ phần hóa. Việc định giá doanh nghiệp để cổ phần hóa hầu như không tính đến giá trị thương hiệu và chủ yếu vẫn áp dụng cách định giá truyền thống. Ông Hiển đưa ra 2 phương pháp định giá doanh nghiệp là định giá cổ phiếu bằng cách tính tỷ số giá cả/doanh lợi và định giá theo dòng tiền chiết khấu.
Trên thực tế, tuy có nhiều cách tiếp cận khác nhau trong định giá doanh nghiệp và định giá thương hiệu, nhưng các chuyên gia tài chính đều có cùng một nhận xét, tất cả đều chỉ mang tính tương đối. Ngay cả phương pháp định giá theo tiêu chuẩn quốc tế cũng trong tình trạng tương tự.
TS. Vương Quân Hoàng, Chủ tịch Saga Communications cho biết, nếu xem thương hiệu như một chứng khoán, thì thương hiệu sẽ hình thành và vận hành với cơ chế tương tự như giá chứng khoán và điều đó có nghĩa là phụ thuộc nhiều vào cảm xúc của đám đông. Ông Hoàng đưa ra phép đo Saga Trademark Sensor để tính giá trị thương hiệu. Theo đó, mọi tính toán sẽ dựa trên dữ liệu thương hiệu. Với định nghĩa của phép đo này, dữ liệu thương hiệu chính là mức độ quan tâm của xã hội tới thương hiệu sản phẩm/doanh nghiệp.
“Có thể sẽ có những yếu tố cảm tính, nhưng không có yếu tố nào là không lượng giá được”, ông Lâm Minh Chánh phân tích và cho rằng, việc xác định giá thương hiệu còn phụ thuộc nhiều vào sự thương thuyết của người bán trong từng trường hợp nhất định.
Theo ĐTCK