Connect with us

Điện thoại giá rẻ: Cuộc xâm lăng của kẻ vô danh

Tin quốc tế

Điện thoại giá rẻ: Cuộc xâm lăng của kẻ vô danh

Tháng 5 tới, người Anh sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi điện thoại thông minh của Wiko, một công ty Pháp mới thành lập cách đây 2 năm, được tung ra bán với giá khởi điểm 70 bảng Anh (khoảng 2 triệu đồng). 

Wiko hy vọng những chiếc điện thoại giá rẻ này sẽ được ưa chuộng không chỉ ở Anh mà còn ở cả những nước khác. Năm ngoái, có gần 7% người mua điện thoại thông minh lần đầu tiên ở Pháp đã chọn mua sản phẩm của Wiko, theo Carolina Milanesi, chuyên gia phân tích thuộc hãng nghiên cứu Kantar Worldpanel. Và đầu năm nay, Wiko còn cho biết mình đã trở thành hãng điện thoại thông minh giá rẻ lớn thứ hai tại Pháp.

Không chỉ có Wiko. Tại cả nước giàu lẫn nước nghèo, các thương hiệu điện thoại thông minh giá rẻ đang ngày càng thâm nhập sâu hơn vào thị trường. Nhu cầu điện thoại đắt tiền, chủ yếu tại các nước phát triển, đang giảm xuống, trong khi nhu cầu điện thoại thông minh giá rẻ hơn thì đang bùng nổ. Người mua điện thoại thông minh đầu tiên ít quan tâm đến thương hiệu, mà chỉ chú trọng đến giá.

Những công ty thiết bị di động như Wiko có thể mua bộ vi xử lý được chuẩn hóa do các nhà sản xuất chip như Qualcomm (Mỹ), MediaTek (Đài Loan) hay Spreadtrum (Trung Quốc) làm ra với chất lượng ngày càng cao hơn và quan trọng là với giá ngày càng rẻ hơn. Sau đó, các hãng điện thoại này chọn camera, màn hình và các linh kiện khác từ những nhà cung cấp giá rẻ khác, rồi đưa sang cho các nhà máy ở Trung Quốc (hoặc các nước có chi phí rẻ hơn) lắp ráp. Thế là họ có điện thoại giá rẻ mới toanh, gắn thương hiệu của mình.

Năm ngoái, Francisco Jeronimo, chuyên gia phân tích của hãng nghiên cứu Mỹ IDC, cho biết lượng điện thoại thông minh bán ra trên toàn cầu có giá dưới 80 USD đã tăng gấp hơn 5 lần, trong khi thiết bị có giá dưới 100 USD chiếm tới 1/6 lượng điện thoại thông minh bán ra.

Ở quy mô toàn cầu, thị trường điện thoại thông minh bị tấn công mạnh mẽ bởi những kẻ vô danh như Wiko. Theo IDC, năm ngoái, thị phần lượng điện thoại thông minh bán ra của các công ty không thuộc top 5 là 40%, gấp 2 lần năm 2009. Ở quy mô quốc gia, những cái tên lạ lẫm như Wiko cũng tràn lan. Chẳng hạn, tại Ấn Độ, Micromax và Karbonn lần lượt xếp thứ hai và thứ ba về lượng bán ra. Ở Bangladesh, Symphony đã chiếm hơn phân nửa thị trường trong khi Walton, một hãng điện tử, đã bành trướng sang mảng điện thoại thông minh một cách thành công, theo Holger Hussmann, người đứng đầu bộ phận thiết bị tại Telenor, một hãng khai thác dịch vụ di động Na Uy.

Việc chi phí sản xuất điện thoại thông minh đang giảm mạnh có nghĩa là chỉ với một số tiền nhỏ, người mua giờ đã có thể sắm một chiếc điện thoại “xịn” hơn. Theo ông Jeronimo, IDC, năm 2012, 42% chiếc điện thoại có giá chưa tới 80 USD được trang bị chip có tốc độ xử lý hơn 1 GHz; sang năm 2013, con số này đã lên tới 87%. Tỉ lệ điện thoại thông minh giá rẻ có màn hình hơn 4 inch giờ đã tăng lên mức 38% từ chỉ 8% của năm 2012. Cách đây 2 năm, giá trung bình của một chiếc điện thoại thông minh là 325 USD, nhưng năm ngoái, giá chỉ còn 250 USD. Năm nay, có thể chỉ còn 200 USD.

Những chiếc điện thoại thông minh rẻ nhất sẽ rẻ hơn nữa. Tại Triển lãm Di động Toàn cầu diễn ra vào cuối tháng 2 tại Barcelona, Mozilla, một công ty phi lợi nhuận nổi tiếng với trình duyệt web Firefox, cho biết những chiếc điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Firefox OS của Hãng trên chip Spreadtrum sẽ được chào bán với giá chỉ 25 USD.

Cuộc chiến không chỉ căng thẳng ở phân khúc giá thấp. Tại Trung Quốc, theo C.K. Lu, chuyên gia phân tích cấp cao tại hãng nghiên cứu Gartner, OPPO và Vivo, 2 thương hiệu nội địa, đều đã gia tăng được thị phần vào năm ngoái mặc dù tập trung vào phân khúc giá từ 2.000 nhân dân tệ (khoảng 6,5 triệu đồng) trở lên. Dòng điện thoại có giá đắt hơn cũng có thể giúp đánh bóng thương hiệu. Chiếc điện thoại thông minh có giá cao nhất của hãng Wiko là 349 bảng Anh.

Tất cả những điều này là tin tốt lành cho người mua điện thoại thông minh, nhưng lại là tin không mấy vui cho những hãng sản xuất điện thoại đang dẫn đầu thị trường như Apple và Samsung. Dẫu sao, Apple cũng ít bị ảnh hưởng hơn bởi sự xâm lăng của những hãng điện thoại vô danh nhờ phát triển được hệ điều hành riêng cũng như nhờ thương hiệu của mình. Còn Samsung, vốn chiếm lĩnh thị trường điện thoại thông minh chạy trên hệ điều hành Android của Google, có thể sẽ ở thế bất lợi hơn (vì nhiều hãng khác cũng sử dụng Android).

Công ty Hàn Quốc này đã bị giảm lợi nhuận vào cuối năm ngoái. Theo ông Jeronimo, vấn đề của Samsung là Hãng gánh nhiều chi phí, cả chi phí nghiên cứu và phát triển lẫn chi phí marketing, mà những đối thủ giá rẻ hơn không có. “Họ có thể tạo ra điện thoại tốt hơn nhiều, về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật, với giá rẻ hơn nhiều. Và đây là điều đáng lo ngại ở các thị trường phát triển”, ông nói.

Để đối phó với thách thức này, Samsung đã bành trướng ra khỏi lĩnh vực điện thoại thông minh để tiến vào các lĩnh vực khác như điện thoại đeo tay và vòng đeo tay thông minh, thiết bị gia dụng có kết nối internet. Nhưng điều đó không có nghĩa vị thế của các thương hiệu toàn cầu như Samsung, Apple sẽ mãi vững chắc. Bởi có một thực tế là hàng rào phòng thủ của thương hiệu thiết bị di động giờ dễ bị công phá hơn trước nhiều. Hãy xem các thương hiệu nổi tiếng một thời như Nokia hay Motorola. Motorola đã bị Google thâu tóm, còn bộ phận thiết bị di động của Nokia thì được bán cho Microsoft.

Samsung đã bỏ ra nhiều tiền để xây dựng thương hiệu. Chắc chắn Hãng sẽ không muốn những kẻ vô danh như Wiko qua mặt. 

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

four − 4 =

To Top