Connect with us

Có nên giới hạn doanh nghiệp quảng cáo?

Quảng bá thương hiệu

Có nên giới hạn doanh nghiệp quảng cáo?

Dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) sửa đổi đã điều chỉnh mức khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mãi từ 10% lên 15% và bỏ các khoản chi phí chiết khấu thanh toán… dự kiến sẽ trình Quốc hội phê duyệt trong tháng 5/2013.

Tuy nhiên, nhiều DN Việt Nam cho rằng mức này vẫn chưa hợp lý và cần phải dỡ bỏ hoàn toàn mức giới hạn này, bởi “trần” quá thấp khiến DN ngạt thở.

Về bản chất chi phí quảng cáo, khuyến mãi hoàn toàn giống với các chi phí bán hàng khác. Mức tính này được các DN gọi là “một mình một chợ” vì kết quả khảo sát của Bộ Tài chính tại 50 nước trên thế giới cho thấy, chỉ có VN và Trung Quốc thực hiện khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi… 

Theo ông Đỗ Kim Dũng, phó chủ tịch hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, việc áp trần chi phí quảng cáo như vậy chỉ gây khó cho DN Việt. Ông Dũng cho rằng, phải coi chi phí quảng cáo là một chi phí đầu tư quan trọng, bởi truyền thông là một giá trị vô hình rất lớn để quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. 

“Cho dù DN có nhà máy sản xuất ra sản phẩm nhưng không quảng cáo thì lấy đâu ra thị phần? Thực tế nhiều nhãn hàng lớn trên thế giới không hề có nhà máy, chẳng hạn như Nike, thế nhưng họ vẫn phát triển tốt, điều này là nhờ họ đã chi một khoản lớn giành cho quảng cáo”, ông Dũng cho biết.

Theo ông Dũng, nếu Bộ tài chính áp trần chi phí quảng cáo để đề phòng DN trốn thuế thì nó cũng chỉ hạn chế sự phát triển của DN Việt Nam, còn với các tập đoàn đa quốc gia, họ có thể thuê các DN nước ngoài khác vào quảng cáo cho mình. Như vậy việc áp mức hạn chế chỉ có tác động đến DN Việt Nam.

“Trong trường hợp đó thì ngay cả những DN lớn như Vinamilk, Sabeco, Tân Hiệp Phát, Masan….cũng không thể cạnh tranh lại các tập đoàn đa quốc gia ngay trên sân nhà”, ông Dũng nhận định.

Thực tế đã chứng minh, hiệu quả quảng cáo tỉ lệ thuận với chi phí. Vinamilk, Tân Hiệp Phát là những cái tên chi rất mạnh cho quảng cáo và hiện đều đang chiếm thị phần vững vàng trong lĩnh vực của mình.

Năm ngoái, Vinamilk chấp nhận chi 50% tổng chi phí kinh doanh cho quảng cáo, tiếp thị. Cụ thể, công ty đã chi ra hơn 1.200 tỉ đồng giành cho việc quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi. Với quy định chỉ 10% chi phí quảng cáo được khấu trừ thuế, Vinamilk đang phải chấp nhận chi phí tài chính khá lớn.

Khi quy định mức chi cho quảng cáo tiếp thị được khấu trừ thuế chỉ là 10% tổng chi phí kinh doanh, vô hình chung Vinamilk đã bị khống chế mặc dù họ hoàn toàn có thể đẩy mạnh mức chi cho các hoạt động này hơn nữa.

Là công ty dẫn đầu ngành sữa, chiếm hơn 40% thị trường trong nước, việc Vinamilk sử dụng 50% tổng chi phí kinh doanh để xúc tiến bán hàng là điều dễ hiểu. Có như vậy, công ty mới giữ được thị phần trong bối cảnh thị trường sữa nội địa đang phải cạnh tranh gay gắt với các hãng sữa quốc tế. Câu chuyện của công ty sữa hàng đầu Việt Nam này cho thấy đã đến lúc Việt Nam cân nhắc việc bỏ giới hạn chi phí quảng cáo.

Ông Lê Phan Khôi – phó giám đốc công ty truyền thông IB Group thì cho rằng, tốt nhất là các cơ quan quản lý nên “thả nổi” cho DN như các quốc gia khác trên thế giới vẫn làm, để các DN phải tính toán chi phí quảng cáo như một phần trong chiến lược dài hơi của mình.

“Về mặt thị trường, tôi nghĩ là không nên có bất cứ quy định nào về mức trần. Có những DN chi 30% doanh số của mình cho 1 chiến lược quảng cáo nhất định, có những DN lại chỉ chi ra từ 5 – 10%. Vì vậy chi phí quảng cáo phụ thuộc vào bản thân, mục đích của từng DN, và hãy để DN tự cân đối và quyết định chiến lược quảng cáo của mình”, ông Khôi nhận định

Theo Tri Thức Trẻ

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

twelve − six =

To Top